Khó tìm
Mấy ngày nay, trên báo chí ồn ào vụ việc bà Nguyễn Thị Mai Hạnh (64 tuổi, Quán Thánh, Hà Nội) chia sẻ câu chuyện mình bị trao nhầm con tại nhà hộ sinh Ba Đình, nay là nhà hộ sinh 12 Lê Trực (Ba Đình, Hà Nội). Bà Mai cho biết, ngày 10.10.1974, bà sinh con tại nhà hộ sinh Ba Đình, con gái bà được đánh số thứ tự 33, nhưng sau đó khi cho con bú, bà lại phát hiện con mang số 32. Khi bà thắc mắc thì bác sĩ bảo: “Đi tắm nên bị mờ”. Lúc đó bà đã nghi ngờ, cùng chồng tìm kiếm khắp nhà hộ sinh (thời điểm đó có khoảng 10 đứa trẻ) nhưng không tìm ra đứa trẻ có số 33. Bà vẫn mang con về nuôi, khi y học phát triển, bà đã đi xét nghiệm ADN và đúng như lo lắng: Con bà không mang gen của bố mẹ. Từ đó đến nay, bà vẫn đi tìm kiếm con nhưng không được.
Chăm sóc trẻ tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư. ảnh:Dương Ngọc
Ngay lập tức, chị Lê Thanh Hiền (29 tuổi, ở xã Triều Khúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội) cũng lên báo chia sẻ, mình cũng là đứa con bị trao nhầm tại nhà hộ sinh quận Đống Đa. Chị Hiền cho biết, cả gia đình không mảy may nghi ngờ, chỉ khi tình cờ thấy nhóm máu của mình không giống ai trong cả nhà vào năm 2013, chị Hiền lén đi xét nghiệm mới phát hiện ra sự thật. Đau khổ biết được sự thật, bà Phan Thị Tuyết Hoa – mẹ chị Hiền nhớ lại: Ngày 12.12.1987, bà đi sinh tại nhà hộ sinh quận Đống Đa (Hà Nội) lúc 4 giờ 35 phút nhưng đến 8 giờ sáng bà mới nhận được con. Lúc đó, bà phát hiện số ghi trên đùi con bị mờ, chồng bà cho biết do con vừa đi tắm, thay tã nên có thể số mờ. Bà đã không nghi ngờ mà mang con về yêu thương, chăm bẵm.
"Tại Bệnh viện Bạch Mai, việc đeo vòng nhận dạng không chỉ ở khoa Sản mà còn một số khoa khác như Nhi, Hồi sức, Cấp cứu, Phẫu thuật tim mạch. Các mã số trên vòng sẽ giảm thiểu tốt nhất quá trình sai sót trong điều trị. Hiện nay Bệnh viện Bạch Mai mỗi năm dành khoảng 30 triệu đồng để mua những mã số định dạng này”.
TS Dương Đức Hùng
|
Ông Nguyễn Việt Cường – Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội khẳng định đã nhận được báo cáo của Trung tâm Y tế Ba Đình về đơn thư của bà Nguyễn Thị Mai Hạnh – người bị trao nhầm con năm 1974 và mong muốn tìm con đẻ thất lạc. Tuy nhiên, do thời gian đã lâu (từ 10.10.1974) nên toàn bộ sổ sách của nhà hộ sinh đã không còn. “Chúng tôi sẽ phối hợp với bên công an để hỗ trợ gia đình, hy vọng tìm được con đẻ thất lạc cho bà Hạnh” – ông Cường cho biết.
Về vụ nhầm hy hữu ở nhà hộ sinh, TS Quyết cũng chia sẻ, hồi đó người ta đánh dấu trẻ bằng cách viết số lên tay, lên chân bằng mực, bằng nitơrat bạc nên có thể xảy ra nhầm lẫn. Do đó, chỉ cần thông báo tìm những người sinh cùng ngày tại nhà hộ sinh đó thì có thể tìm ra người mẹ.
Quy trình chặt hơn
Theo TS Quyết, vài chục năm trước số ca sinh nở ít nên để xảy ra nhầm lẫn là rất hy hữu. Tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư nếu 30-40 năm trước mỗi ngày chỉ có 10-15 ca sinh, còn giờ đã lên đến hàng trăm ca/ngày, trung bình mỗi năm khoảng 20.000-25.000 ca. Để tránh nhầm lẫn, Bệnh viện Phụ sản T.Ư đã có quy trình rất chặt chẽ, sau khi sinh, bác sĩ trao con cho bà mẹ để hai mẹ con “ôm nhau” lần đầu tiên, sau đó y tá sẽ đeo hai cái vòng bằng nhựa ghi tên mẹ có mã số giống hệt nhau, đưa cho mẹ kiểm chứng rồi bấm vào cổ tay mẹ, cổ tay (cổ chân) con. “Trước đây chưa có thiết bị, bệnh viện dùng số không thể xoá, không bị phai khi dính nước, buộc dây có đeo số vào cổ tay bé và mẹ. Nhưng 4 năm nay, viện dùng dây nhựa mềm, khi bấm vào tay không thể dứt đứt, chỉ có thể dùng kéo cắt, số hồng là con gái, số xanh là con trai. Do đó, việc nhầm lẫn là không thể xảy ra” – TS Quyết cho biết.
TS Dương Đức Hùng - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ, bệnh viện đã từng có rất nhiều cách để “đánh dấu” trẻ sơ sinh, tránh việc nhầm lẫn, trao nhầm con. Có thời y tá dùng bút mực tím viết số vào mông trẻ, sau đó đưa số cho mẹ cầm. Nhưng khi tắm, lau rửa, khi trẻ tè dầm dễ dẫn đến việc mờ số. Bệnh viện lại dùng mã số bằng nhôm, buộc dây treo vào cổ chân bé. Điều này vẫn có nguy cơ dây tuột ra khi tắm sau đó đeo nhầm từ trẻ nọ sang trẻ kia. Tuy nhiên, việc nhầm lẫn này rất khó xảy ra vì mỗi phòng tắm chỉ có 1 -2 chậu tắm bé, các bé được tắm lần lượt và khi tắm xong thì đeo số vào chân ngay. Còn hiện tại thì dùng vòng nhựa, không xoá được mực, không cần tháo rời lúc tắm, chỉ có thể cắt bằng kéo.
Một điều dưỡng trưởng khoa Sản (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, hai năm nay, khoa sản dùng các vòng nhận diện đeo vào cổ tay mẹ và bé. Trên vòng ghi tên bé, mẹ và mã hồ sơ của mẹ. Chiếc vòng này được thiết kế bằng nút khá chặt. Khi đã đeo vào thì rất khó rơi ra được, trừ khi cắt đi. “Cũng có gia đình khi thấy vòng cọ vào tay trẻ, sợ làm đau trẻ nên dùng kéo cắt đi, do đó, chúng tôi cũng phải nhắc nhở người nhà phối hợp với bệnh viện để đảm bảo an toàn, chính xác cho mẹ và bé” – điều dưỡng này cho biết. /.
2 vụ trao nhầm được phát hiện
Ngày 7.1.2012, tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, sản phụ Trần Thị Thuỷ (34 tuổi, ở thôn Miêu Nha, xã Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội) đã sinh 1 bé trai bằng hình thức đẻ mổ. Sau khi cho gia đình nhận mặt cháu bé, các bác sĩ đã đưa bé về phòng cách ly và được đánh số 550, còn sản phụ Thủy được đưa ra khu hậu phẫu của khoa A4. Các bác sĩ hẹn 15 giờ chiều sẽ trao cháu bé về với mẹ, tuy nhiên đúng giờ gia đình lên phòng sơ sinh đón cháu thì được thông báo trong phòng không có cháu bé nào đeo số 550. Lúc này cả gia đình và bác sĩ tá hoả đi tìm thì phát hiện con chị Thuỷ với mã số 550 bị trao nhầm cho sản phụ Lê Kim Oanh (trú ở phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy). Thời điểm đó, cháu bé vẫn đang đeo trên cổ số hiệu 550. Còn cháu bé con của sản phụ Oanh mang số hiệu 585 trùng số hiệu với mẹ thì vẫn còn trong buồng cách ly.
Ngày 7.12.2011, tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, sản phụ Trần Thị Hồng Cẩm (22 tuổi, quê xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa) sinh con gái. Nhưng sau đó chị lại được các y tá trao vào tay một bé trai. Sự lạ là tận khi bệnh viện làm thủ tục cho chị Cẩm xuất viện, gia đình mới nhận ra, giấy ra viện ghi con chị Cẩm là con gái, nhưng đứa con chị đang cho bú là con trai. Các bác sĩ mới rà soát và phát hiện đã trao nhầm con của chị Cẩm cho chị Đinh Thị Hoái (20 tuổi), dân tộc H’re, quê xã Sơn Nham, huyện miền núi Sơn Hà (Quảng Ngãi). Tuy nhiên, chị Hoái nhất định trong chịu đổi con. Cuối cùng, bệnh viện phải làm xét nghiệm ADN để “phân định” và trao con gái cho chị Cẩm, con trai cho chị Hoái.
Tuấn Kiệt (tổng hợp)/.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.