Tục “cưới nợ” của người Jrai

Thứ ba, ngày 15/10/2013 08:45 AM (GMT+7)
Đám cưới của người Jrai những tưởng rất đơn giản, không có có vẻ gì là tốn kém và nhiêu khê. Có những bữa “tiệc cưới” chỉ cần… 1 con gà, 1 ghè rượu thế là chú rể và cô dâu đã được hai họ công nhận nên duyên vợ chồng.
Bình luận 0
Nhưng đấy chỉ là đám cưới… nợ.

Tục lệ của người Jrai, đặc biệt ở khu vực huyện Krông Pa (Gia Lai) cho phép những cô dâu nghèo được “nợ cưới” khi bắt chồng. Sau bữa rượu chỉ mang tính ước lệ, cô dâu và chú rể về sống cùng nhau nhưng sau đó phải trả nợ họ nhà trai và dân làng một đám cưới chính thức. Thời gian không quy ước, cứ lúc nào nhà gái thấy đủ điều kiện thì tiến hành. Lệ tục quy định: Nếu con gái chưa trả được nợ cưới, cha mẹ muốn làm lễ mừng thọ thì không được đốt (thui) bò; các đứa con sau muốn bắt vợ, bắt chồng cũng không được làm lễ cưới. Còn nếu bố mẹ đột ngột qua đời thì còn rầy rà to. Có người chết mà chưa trả được nợ cho con gái, họ nhà trai đã làm khó dễ không cho chôn!

Dự một đám cưới chính thức mới hiểu vì sao người Jrai phải sinh ra tục lệ “cưới nợ” này. Khoản to nhất và quan trọng nhất đối với một đám cưới chính thức là quà tặng. Lệ tục quy định: Cô dâu phải biếu mỗi người trong họ nhà chồng gồm anh chị em ruột chồng; anh chị em, chú bác, cô dì… của cha mẹ chồng một bộ váy, khố truyền thống. Nếu có điều kiện, những ai mang họ chú rể trong làng, bất kể thân sơ cũng phải có quà tặng. Xong khoản quà, kế đến lễ vật. Lễ vật bất di bất dịch là 2 con bò – một để đưa mẹ chồng, một để đốt và dành đùi trước (kèm một ghè rượu) để đền ơn bà mối. Một nửa con còn lại cộng với tim gan là phần nhà chồng. Nhà gái chỉ được một đùi sau và những thứ xương xẩu. Lễ vật chia xong, nhà gái phải lo toàn bộ thức ăn, thức uống trong suốt 2 ngày cho mọi người đến dự ăn uống thỏa thích. Lệ người Jrai không có quà mừng đám cưới. Nhà gái phải lo mọi thứ cho chu đáo. Một sự phục vụ thất thố có thể dẫn đến cãi vã, thậm chí là hủy đám cưới… Đóng góp vào sự tốn kém vất vả này, nhà trai chỉ mất một con heo nhỏ gọi là “đốt để tiễn con trai” (về nhà vợ vĩnh viễn). Vì những sự tốn kém này mà những cô dâu nghèo lẫn họ hàng luôn canh cánh bên mình gánh nợ chung thân…

Tuy nhiên, ngày nay tục lệ này chỉ còn lại rất ít ở một số tộc người Jrai, và nhiều nơi đồng bào đã đã giảm bớt những thủ tục trên để cho con cháu được sống vui vẻ, hạnh phúc.
Ngọc Tấn (Ngọc Tấn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem