Theo ông Đặng Văn Dũng - Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, nhiệt độ trung bình trên toàn khu vực trong 4 tháng đầu năm 2016 sẽ có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 0,5 - 1,5 độ C; lượng mưa tính đến tháng 4.2016 có khả năng ở mức thấp hợp so với TBNN từ 20 - 40%.
Ảnh minh họa
Trước tình hình trên, tại xã Hiếu Liêm (huyện Bắc Tân Uyên) - vùng chuyên canh cây ăn quả có múi lớn bậc nhất của Bình Dương, nhiều hộ nông dân đã lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước cho các vườn cam, quýt đường, bưởi.
Phần lớn các vườn cây ăn trái ở đây đều có địa hình đồi dốc, đất đai khô cằn, do đó việc trang bị hệ thống tưới tiết kiệm là giải pháp vô cùng hiệu quả. Ông Lâm Thành Thắm- chủ trang trại ở xã Hiếu Liêm cho biết, nếu không chủ động lắp đặt hệ thống tưới tự động, tiết kiệm nước thì sẽ tốn nhiều công lao động, đồng thời sẽ thiếu nước tưới vào mùa khô.
Tại TP.HCM, nhiều người trồng rau tại các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, quận 12… cũng chủ động trang bị hệ thống tưới tự động, tiết kiệm để phục vụ sản xuất liên tục trong mùa khô. Ông Bùi Ngọc Minh Tâm (quận Bình Tân) thuê đất trồng rau tại huyện Bình Chánh cho biết, những năm trước gia đình ông thường xuyên bị thiếu nước tưới vào mùa khô. Năm nay ông chủ động lắp đặt hệ thống tưới tự động tiết kiệm nước, nhờ đó đã đảm bảo sản xuất liên tục.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai, đến nay toàn tỉnh đã có khoảng 7.000ha cây trồng lâu năm được lắp hệ thống tưới nước tiết kiệm và bón phân qua đường ống, chiếm 12% diện tích cây trồng có khả năng áp dụng hệ thống này, góp phần giúp nông dân giảm 40% lượng nước tưới và chi phí nhiên liệu; giảm 60% công lao động làm bồn, tưới nước và bón phân; giảm 20% lượng phân bón; tăng 30% năng suất, mà chất lượng và độ đồng đều của sản phẩm tăng lên.
Ông Nguyễn Văn Quỳnh (xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) cho biết, nhà ông có 3ha sầu riêng và đều lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, nhờ đó không sợ thiếu nước tưới mà còn giảm chi phí, công lao động.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.