Tương lai nào cho Vũng Tàu Paradise ?

16/01/2021 07:00 GMT+7
Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu dự kiến giữ quy hoạch 6 khu vực phát triển sân golf gồm: khu Paradise, Khu Saigon Atlantis Holtel, Khu đô thị Châu Đức, dự án sân golf và dịch vụ Hương Sen tại huyện Đất Đỏ, dự án Hồ Tràm và Trung tâm thể thao tại huyện Xuyên Mộc.

Ngày 12/01/2021, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có báo cáo gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình thực hiện các dự án sân golf trên địa bàn tỉnh và kế hoạch/phương án xử lý đối với các dự án sân golf đã được quy hoạch nhưng chưa được đầu tư trong thời gian qua.

Dự án khu du lịch Vũng Tàu Paradise là 1 trong 5 dự án được báo cáo. Theo đó, UBND tỉnh sẽ tổ chức triển khai thực hiện các thủ tục tiếp theo sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về phương án xử lý.

Được biết, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang triển khai lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tỉnh dự kiến giữ quy hoạch 6 khu vực phát triển sân golf (khu Paradise, Khu Saigon Atlantis Holtel, Khu đô thị Châu Đức, dự án sân golf và dịch vụ Hương Sen tại huyện Đất Đỏ, dự án Hồ Tràm và Trung tâm thể thao tại huyện Xuyên Mộc). Việc bổ sung sân golf vào quy hoạch vùng tỉnh giai đoạn 2021 – 2030 sẽ được xem xét, báo cáo trong nội dung quy hoạch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. 

Cũng theo báo cáo nói trên, ý kiến của UBND tỉnh đối với các dự án sân golf đã có chủ đầu tư, tiếp tục theo dõi, kiểm tra tiến độ, thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo chủ đầu tư sân golf thực hiện thao quy hoạch và đúng tiến độ, lộ trình đã được cấp phép.

Bên cạnh đó, cùng ngày 12/01/2021, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có văn bản gửi đến Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp yêu cầu rà soát quá trình cổ phần hoá Công ty Du lịch quốc tế Vũng Tàu nay là Công ty cổ phần Du lịch quốc tế Vũng Tàu; xác định rõ việc cổ phần hoá tại công ty Du lịch quốc tế Vũng Tàu đối với phần vốn tại Công ty liên doanh Vũng Tàu Paradise và tính pháp lý của khu đất 220 ha sau khi giấy phép của liên doanh hết thời hạn hoạt động, trước 11 giờ ngày 14/01/2021.

Đã hết thời hạn hoạt động từ ngày 7/06/2018

Theo báo cáo của UBND tỉnh, khu du lịch Vũng Tàu Paradise có chủ đầu tư là Công ty liên doanh Vũng Tàu Paradise. Công ty liên doanh Vũng Tàu Paradise là liên doanh giữa Công ty Du lịch quốc tế Vũng Tàu và Công ty Paradise Development and Investment – Đài Loan. Tháng 4/1991, Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã cấp Giấy phép đầu tư dự an Khu du lịch Vũng Tàu Paradise cho  Công ty liên doanh Vũng Tàu Paradise.

Năm 1993, dự án được khởi công. Mục tiêu dự án là xây dựng và kinh doanh khách sạn 1.500 phòng đạt tiêu chuẩn quốc tế 3 sao và các công trình dịch vụ kèm theo, khu thể thao dưới nước, công viên giải trí, các dịch vụ nghỉ dưỡng, công viên nước, sân golf 27 lỗ. Tổng diện tích đất thực hiện dự án là 220 ha, trong đó diện tích đất sử dụng cho sân golf 130ha.

Tổng vốn đầu tư của dự án 97,2 triệu USD trong đó phía đối tác Việt Nam góp vốn bằng quyền sử dụng đất 220 ha, tương đương 15,45 triệu USD; vốn nước ngoài là 46,35 triệu USD. Tuy nhiên đến năm 2018, phía đối tác Việt Nam đã góp đủ vốn, trong khi phía đối tác Đài Loan chỉ mới góp được 26,5 triệu USD.

Theo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, dự án khu du lịch Vũng Tàu Paradise đang sử dụng 600 lao động trong đó có 329 lao động phục vụ sân golf. Doanh nghiệp dự án bị lỗ 10,5 tỷ đồng trong năm 2018 và lỗ 10 tỷ đồng trong năm 2019. Dù vậy, năm 2019 thuế thu nhập doanh nghiệp và các khoản thuế khác mà doanh nghiệp này đã nộp là 28,2 tỷ đồng.

Quan điểm của tỉnh năm 2020 là không gia hạn cho dự án

Trước đó, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có công văn báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư về phương án xử lý dự án. Quan điểm của tỉnh là không gia hạn cho dự án vì thời gian qua dự án chậm triển khai thực hiện theo tiến độ cam kết, vi phạm quy định pháp luật.

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, dự án Vũng Tàu Paradise có tổng diện tích đất được giao 220ha, song nhà đầu tư chỉ đưa vào sử dụng khoảng 140ha (phần diện tích đã đầu tư hạng mục sân golf và khu nhà rông), còn lại 80ha (quy hoạch xây dựng khu khách sạn và khu văn hóa dân tộc) sử dụng không hiệu quả và không sử dụng trong thời gian dài, vi phạm quy định pháp luật về đất đai.

Vào tháng 11/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất 2 phương án xử lý: Phương án 1, thu hồi 220ha khu đất và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất thì khả năng tranh chấp đầu tư quốc tế có thể xảy ra vì tài sản trên đất của Công ty liên doanh Vũng Tàu Paradise chưa được xử lý, nội bộ trong công ty liên doanh không thống nhất việc đăng lý lại doanh nghiệp để tiếp tục gia hạn hoạt động. Phương án 2, thu hồi 220ha khu đất, sau đó căn cứ quy định tại Điểm i Khoản 2 Điều 118 Luật Đất đai, UBND tinh Bà Rịa - Vũng Tàu báo cáo Thủ tướng Chỉnh phủ xem xét, quyết định cho phép nhà đầu tư hiện tại được thực hiện dự án và áp dụng trường hợp cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất. Tiền thuê đất tính theo khung giá hiện hành.

Với phương án 2, khả năng tranh chấp đầu tư quốc tế của nhà đầu tư nước ngoài đối với nhà nước Việt Nam ít xảy ra vì kiến nghị của Công ty liên doanh Vũng Tàu Paradise cơ bản sẽ được giải quyết (kiến nghị cơ cấu lại doanh nghiệp, huy động nguồn vốn từ các nhà đầu tư có năng lực để tiếp tục thực hiện dự án thêm 50 năm.

Tuy nhiên, sau khi khảo sát ý kiến, Bộ Tài chính đồng quan điểm với phương án 1 trong khi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Chính phủ, Bộ Ngoại giao lại đồng ý với phương án 2.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất thêm phương án 3 là gia hạn đối với diện tích 140ha đất đang sử dụng, thu hồi 80ha diện tích đất còn lại để đấu giá quyền sử dụng đất.

Thanh Giang
Cùng chuyên mục