Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ GĐĐT Bùi Văn Ga trong buổi đối thoại trực tuyến về đổi mới thi cử năm 2014 tại cổng thông tin điện tử Chính phủ ngày 26.12. Mùa thi trước, thí sinh chỉ có thể thi tối đa 2 trường đại học (trong 2 đợt thi). Nhưng 11 năm về trước (2002), cũng với kiểu ra đề thi riêng, thí sinh có thể thi 3,4 trường, thậm chí có kỷ lục thí sinh thi … 7 trường thì nay thực tế ấy sẽ lặp lại.
Thi riêng không được xét kết quả “3 chung”Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, bắt đầu từ mùa tuyển sinh năm 2014, Bộ sẽ cho các trường tự chủ tuyển sinh. Các trường sẽ phải có đề án tuyển sinh riêng gửi về Bộ GDĐT trước ngày 10.2.2014. Các đề án này sẽ được công khai để lấy ý kiến của xã hội, sau đó Bộ sẽ duyệt và có công văn trả lời. Cũng theo ông Ga, đến hạn cuối (năm 2017) nếu trường nào chưa có phương án thi riêng vẫn có thể tổ chức thi theo “3 chung” của Bộ.
Năm 2014 sẽ có nhiều trường tuyển sinh riêng (ảnh minh họa).
Một trong những điểm mới trong dự thảo quy định về đổi mới tuyển sinh của Bộ gây nhiều tranh cãi là việc trường thi riêng không được xét tuyển kết quả của thí sinh thi theo phương án “3 chung”.
Em Nguyễn Phương Thảo (học sinh lớp 12 Trường THPT Hậu Lộc, Thanh Hóa) cho biết: “Các bạn trong lớp rất hoang mang trước thông tin đổi mới tuyển sinh. Các năm trước anh chị thi “3 chung” thì được xét tuyển thoải mái nếu không trúng nguyện vọng 1. Năm sau chúng em thi, nếu lỡ trường mình thích thi riêng mà trượt thì coi như hết cơ hội sao?”.
Giải thích vấn đề này, ông Ga cho biết: “Mục đích thi riêng để thí sinh có thể khẳng định được năng lực của mình và các trường có thể tuyển được thí sinh đúng theo yêu cầu đào tạo. Điều này, thi “3 chung” đã không làm được. Nếu cho dùng kết quả thi “3 chung” để xét tuyển, 3 năm nữa Bộ không thi chung nữa thì lấy kết quả đâu mà xét”.
Trả lời câu hỏi về các cơ hội vào ĐH của thí sinh khi đổi mới, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định: “Bộ cho phép các trường tuyển sinh 2 lần trong 1 năm, kỳ thi “3 chung” mà Bộ tổ chức cho các trường chưa có phương án thi riêng cũng diễn ra 2 lần, vì vậy cơ hội đỗ ĐH của thí sinh sẽ rất lớn”.
“Ngưỡng chất lượng” thay thế điểm sàn
"Để đảm bảo tính minh bạch tuyển sinh đầu vào, ngoài cam kết không được tổ chức luyện thi, không được sử dụng giáo viên THPT ra đề, các trường ĐH còn phải đảm bảo việc ra đề không chỉ kiểm tra kiến thức mà phải kiểm tra được năng lực. Tức là việc ra đề thi mở, thậm chí còn phải kết hợp với phỏng vấn thí sinh”. Thứ trưởng Bùi Văn Ga
|
11 năm trước, điều mà xã hội băn khoăn là thi riêng có nhiều tiêu cực khi kiểm soát chất lượng đầu vào, nếu năm 2014 thực hiện thi riêng, các tiêu cực này kiểm soát thế nào? Ông Mai Văn Chinh – Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng Bộ GDĐT cho biết:
“Bộ sẽ đưa vào quy định các đề án tuyển sinh riêng phải có một “ngưỡng chất lượng” nhất định, cái này tương tự điểm sàn nhưng áp dụng cho từng trường. Ngưỡng này đảm bảo được chất lượng nguồn tuyển của từng trường với sự nhất trí của xã hội và Bộ GDĐT. Các trường sẽ lấy thí sinh từ cao đến… “ngưỡng” chứ không được thoải mái lấp đầy chỉ tiêu tuyển sinh”.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: “Hiện chỉ có gần 20 trường đăng ký tuyển sinh riêng nên chưa xác định được “ngưỡng chất lượng” phù hợp cho từng trường”. Tuy nhiên, ông Ga cũng khẳng định, tự chủ tuyển sinh không phải là mạnh ai người ấy làm mà phải gắn với tự chịu trách nhiệm. Điều này còn quyết định đến thương hiệu và uy tín của các trường.
Tùng Anh (Tùng Anh)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.