Tỷ giá lên mức kỷ lục, VND mất giá 7%: Lợi ai thiệt ai?

18/10/2022 13:48 GMT+7
Tỷ giá lên mức kỷ lục sau quyết định ngày hôm qua của Ngân hàng Nhà nước. So với đầu năm, VND đã mất giá gần 7% so với USD.

Tỷ giá USDVND đã chịu nhiều áp lực khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện các biện pháp bơm thanh khoản tiền đồng trong tuần vừa qua.

Theo đó, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng mạnh ở tất cả các phiên, và chốt tuần tăng tới 119 đồng so với phiên cuối tuần trước đó, ở mức 23.531 VND/USD.

Tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại gần như đã ở mức kịch trần 3% so với tỷ giá trung tâm, quanh mốc 24.230 VND/USD.

Tỷ giá liên ngân hàng tăng vượt mốc 24.000 VND/USD, cao hơn nhiều so với mức tỷ giá bán tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước (GDNHNN) và Ngân hàng Nhà nước đã phải tiếp tục can thiệp thông qua việc bán ngoại tệ từ dữ trữ ngoại hối, tuy nhiên ở mức tương đối hạn chế.

Tỷ giá lên mức kỷ lục, VND mất giá 7%: Lợi ai thiệt ai? - Ảnh 1.

Nguồn: SSI

Tỷ giá tăng mạnh, tiền đồng mất giá 7%

Trên thực tế, trong phiên đầu tuần này, Ngân hàng Nhà nước đã phải nới biên độ giao dịch từ 3% lên 5% và tăng giá mua giao ngay từ 23.925 lên 24.380 VND/USD.

Tỷ giá bán tại các ngân hàng thương mại cũng đã được điều chỉnh tăng khá mạnh sau khi nới biên độ, hiện giao dịch quanh vùng 24.500 VND/USD, tương đương với việc tiền Đồng đã mất giá gần 7% so với cuối năm 2021.

Đây là động thái điều chỉnh biên độ lần đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước sau gần 10 năm, cũng như là điều chỉnh giá bán tại Sở GDNHNN lần thứ 3 liên tiếp trong vòng 1 tháng qua, nhằm phù hợp với biến động mạnh và liên tục gia tăng của tỷ giá USD/VND trong thời gian gần đây.

Theo đánh giá của Bộ phận Nghiên cứu tại Chứng khoán SSI, trong ngắn hạn, điều chỉnh này là cần thiết khi tỷ giá sẽ vẫn còn chịu nhiều áp lực từ bên ngoài khi Fed thực hiện tăng lãi suất trong tháng 11 và tháng 12, kết hợp với yếu tố nội tại, khi nguồn cung ngoại tệ sẽ gặp nhiều khó khăn trong quý 4 (xuất khẩu yếu đi, kiều hối chậm lại).

Trong khi đó, biện phát can thiệp từ Ngân hàng Nhà nước sẽ khá hạn chế, khi dự trữ ngoại hối không còn quá dồi dào và nếu tăng lãi suất quá mạnh cũng sẽ tác động lớn đến trạng thái ổn định của nền kinh tế, vốn đang ở vị thế khá khó khăn.

Ảnh hưởng nhất định tới nền kinh tế, xuất khẩu chưa chắc có lợi

Đối với việc đồng nội tệ mất giá khoảng 7% so với USD, TS.Võ Trí Thành – nguyên Phó Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung Ương (CIEM) cho rằng, điều này sẽ gây ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế, nhất là lạm phát, lãi suất.

Ông Thành phân tích, nếu tiền đồng mất giá quá nhiều thì một phần sẽ chuyển vào chỉ số giá, đồng thời đẩy lãi suất đi lên. Với xuất khẩu, nếu tỷ giá không đủ linh hoạt cũng rất khó cạnh tranh. Hơn nữa, xuất khẩu của Việt Nam dựa rất lớn vào nhập khẩu nên nếu VND mất giá nhiều thì xuất khẩu cũng chưa chắc được lợi. Chưa kể vấn đề nợ quốc gia…

Thế nhưng, theo ông Thành mức độ nới biên độ tỷ giá như hiện nay đã nằm trong tính toán tác động với nhiều chiều cạnh (lạm phát, lãi suất, xuất khẩu, nhập khẩu, lợi ích người gửi tiền đồng, USD…).

Cách của Ngân hàng Nhà nước là linh hoạt hơn, tìm điểm cân bằng mới với tất cả các khía cạnh của nền kinh tế để giảm các tác động tiêu cực, trong chừng mực vẫn giữ được ổn định vĩ mô tương đối, hỗ trợ xuất khẩu mà không tác động quá tiêu cực tới nhập khẩu, lạm phát.

Tỷ giá lên mức kỷ lục, VND mất giá 7%: Lợi ai thiệt ai? - Ảnh 3.

Nguồn: SSI

VND hiện đang có mức mất giá gần 7% - mức thấp nhất so với nhiều đồng tiền khác trên thế giới. Chẳng hạn như Yên Nhật Bản mất giá tới 31%, hay như đồng won của Hàn Quốc mất giá tới 22%, euro mất giá đến 14%.

Các chuyên gia cho rằng, việc phải có cơ chế tỷ giá linh hoạt là cần thiết, song vẫn phải cố gắng duy trì nhiều giải pháp cho VND ít mất giá để không nhập khẩu lạm phát. Bởi suy cho cùng, dù biên độ tỷ giá là bao nhiêu, tỷ giá trung tâm thế nào thì vùng mục tiêu tỷ giá phải đảm bảo hài hòa lợi ích của nền kinh tế, lợi ích của doanh nghiệp xuất khẩu, nhà nhập khẩu và nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng đưa vốn vào Việt Nam để đầu tư...

Đây cũng chính là thông điệp được ông Phạm Chí Quang – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) nhấn mạnh tại cuộc họp báo về kết quả điều hành chính sách tiền tệ quý III/2022.

"Khác với các cuộc chiến tiền tệ trước, đây là cuộc chiến tiền tệ giữ cho đồng tiền không bị mất giá quá nhiều, giảm thiểu tác động của lạm phát toàn cầu tới nền kinh tế. Do đó, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát, thích ứng với các diễn biến thị trường trong và ngoài nước, điều hành lãi suất và tỷ giá phù hợp, linh hoạt", ông Quang nói.

Trong phiên giao dịch ngày hôm nay, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm ở mức 23.637 VND/USD, tăng mạnh 51 VND so với ngày hôm qua. Tại các ngân hàng, tỷ giá bán ra phổ biến 24.480 VND/USD, trong khi đó giá mua/bán USD tại chợ đen tăng thêm 80 VND/USD so với cùng thời điểm ngày hôm qua. Hiện giá mua/bán USD chợ đen phổ biến 24.500 và 24.600 VND/USD.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục