Tỷ phú ở làng Kim Lâu

Thứ sáu, ngày 13/04/2012 13:04 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Được biết đến không chỉ là nơi có nhiều triệu phú nhất vùng, xã Tân Liên, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) còn có vị tỷ phú được mệnh danh là “con hùm” làng Kim Lâu, với trang trại lợn nái “khủng” doanh thu 3-4 tỷ đồng mỗi năm.
Bình luận 0

Từ vụ đông và lúa lai…

Cầm tinh con hùm (SN 1974), Bùi Văn Kỳ có cái đầu khá quyết đoán. Tuy cốt cách mạnh mẽ, nhưng nhìn bề ngoài, anh lại rất từ tốn, hiền lành. Học xong lớp 12, thay vì làm hồ sơ thi đại học như bao bạn bè cùng lớp, anh Kỳ xung phong đi bộ đội. Anh bảo: “Làm vậy là để rèn mình. Vả lại, “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Đúng với ước nguyện của Kỳ, 3 năm trong quân ngũ (1991-1993), lại đóng quân ở nơi đầu sóng ngọn gió (đảo Nam Yết - Trường Sa - Khánh Hòa), đã tạo cho anh có thêm ý chí, không đầu hàng bất cứ khó khăn nào.

Hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ quân sự (năm 1994), anh Kỳ trở về quê hương lập nghiệp, làm Bí thư Đoàn cơ sở, rồi Phó Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp xã Tân Liên. Ở cương vị nào, anh cũng được ghi nhận là tích cực và được ví như là “con dao pha”.

Thời gian này, vùng quê anh Kỳ đang dấy lên phong trào làm vụ đông. Bởi lẽ, vụ đông cho hiệu quả kinh tế cao và thoát nghèo nhanh. Nói thì đơn giản nhưng làm vụ đông có hiệu quả không dễ. Nếu đua nhau làm kiểu… phong trào, không biết tính toán thì dù có trồng bao nhiêu, chưa chắc đã đạt được kết quả như mong muốn.

Thực tế, đã không ít hộ nông dân ở Tân Liên háo hức trồng vụ đông, nhưng khi làm rồi lại thấy ngán. Là vì, cà chua, dưa hấu, cải ngọt… cứ liên tục bị chết yểu, vụ thì do thời tiết không thuận, vụ lại do sâu bệnh hoành hành. Có vụ được mùa lớn, cây không chết nhưng người trồng thì lại “chết” thật, do sản phẩm bị rớt giá, củ quả chất đầy đồng, không tiêu thụ đi được, trong khi vốn vay “nóng”, cứ lãi mẹ đẻ lãi con…

Để giải “bài toán” này, địa phương cần một “chuyên gia” về kỹ thuật, đồng thời biết định hướng được sản xuất cho nông dân. Người được chính quyền xã Tân Liên “nhắm”, không ai khác, chính là Bùi Văn Kỳ. Hai năm được cử đi học tại Trường Trung cấp Nông nghiệp Hải Phòng vẫn chưa đủ, anh Kỳ lại khăn gói “vi hành” nhiều nơi để học hỏi tiếp kinh nghiệm. Điều này càng khiến kiến thức về trồng trọt của chàng trai trẻ này thêm vững vàng.

Ngoài nỗ lực bản thân, anh Kỳ còn phát huy sức mạnh tập thể, cùng Ban Quản lý HTX Nông nghiệp chỉ đạo thành công vụ đông, với 2 loại cây chủ lực là ngô đông và khoai tây Hà Lan, đưa Tân Liên trở thành đơn vị liên tục dẫn đầu toàn thành phố về sản phẩm cũng như năng suất cây trồng.

Từ thắng lợi này, anh tiếp tục tham mưu, đưa mô hình sản xuất lúa lai F1, gồm các tổ hợp lai: 903, 253, VL20, TH3-3 vào sản xuất thí điểm, rồi đại trà tại Tân Liên. Đây được coi là bước đột phá đối với địa phương. Còn với anh Kỳ, đây thực sự là “đòn xeo”, giúp anh có thêm lực để “nhấn ga”, làm giàu sau này.

Ghi nhận vai trò của Bùi Văn Kỳ, tại một cuộc hội thảo về lúa lai do TP. Hải Phòng tổ chức ở huyện Vĩnh Bảo năm 2009, ông Bùi Văn Bễ - Chủ tịch UBND xã Tân Liên đã phát biểu, khẳng định: “Nếu vụ đông tạo tiền đề cho nông dân quê tôi thoát nghèo nhanh thì lúa lai, khiến nhiều hộ trở nên khá giả, có “bát ăn, bát để”. Thành quả này có sự đóng góp tích cực của Phó Chủ nhiệm HTX Bùi Văn Kỳ. Chính anh đã “hóa giải” được nhiều ẩn số trong các khâu canh tác, giúp phát triển sản xuất ở địa phương”.

Đến trang trại lợn… không mùi

Tiếng lành đồn xa, nay mới có dịp cùng Hội Nông dân Hải Phòng “mục sở thị” cơ sở chăn nuôi lợn nái sinh sản do anh Bùi Văn Kỳ đứng chủ. Trước đó, chúng tôi được anh cho xem sơ đồ bản vẽ thiết kế trang trại. Quả thật, chỉ mới “ngắm” trang trại trên giấy, đã thấy “người cầm cờ” Câu lạc bộ Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi huyện Vĩnh Bảo không giống bất cứ ông chủ nào mà tôi từng gặp. Điều nhận thấy ở anh là tư duy nhạy bén, là phong cách làm ăn vừa thực tế lại vừa có tầm nhìn xa, theo xu hướng phát triển bền vững…

Anh Kỳ cho biết, năm 2009, sau khi có chủ trương chung về phát triển kinh tế trang trại của địa phương, gia đình anh đã ký hợp đồng chăn nuôi với Cty cổ phần CP Việt Nam. Theo đó, phần gia đình (chủ đầu tư) phải lo mặt bằng, xây dựng chuồng trại, nhân công chăn nuôi lợn, tiền điện, nước, các trang thiết bị phụ trợ khác…

Cũng theo anh Kỳ, để hình thành nên trang trại lợn nái sinh sản có quy mô 800 con nái, đảm bảo các tiêu chí quy định này, bản thân anh đã phải làm một cuộc “cách mạng” trong gia đình. Chỉ một việc gom tập trung 22.000m2 đất đã là điều khó, bởi địa phương ruộng đất manh mún, phải đổi cả “bờ xôi ruộng mật” của gia đình và anh em họ hàng, mới mong có đủ.

Đã thế, vị trí trang trại lại phải đặt ở xa khu dân cư ít nhất 800m (theo quy định). Nhưng khó hơn cả vẫn là nguồn vốn, ước phải có 10 tỷ đồng để kiến thiết chuồng trại, đầu tư trang thiết bị ban đầu. Trong khi, vốn tự có của gia đình chỉ đáp ứng một phần. Đã không ít những lời xầm xì, bàn ra, tán vào. Người khuyên anh nên “mèo bé bắt chuột bé”.

Có người nửa khuyên, nửa ngăn: “Nuôi gia công cần gì đầu tư lớn, cứ nuôi theo phương pháp truyền thống ấy”... Song, nếu làm như vậy có nghĩa, được cái lợi trước mắt. Còn về lâu dài, trang trại sẽ khó tồn tại, nhất là lại nuôi lợn nái sinh sản, đòi hỏi hết sức ngặt nghèo về an toàn dịch bệnh cũng như vệ sinh môi trường khu vực. Chưa kể, nuôi gia công, lợi nhuận tỷ lệ thuận với đầu tư, muốn làm ăn lớn, đầu tư không thể nhỏ...

Anh Kỳ không nhớ là mình đã thuyết phục mọi người ra sao. Chỉ biết, cuối cùng họ đều ủng hộ và đó cũng chính là ủng hộ cho cách nghĩ, cách làm mới của anh. Cùng với đó là sự giúp đỡ của các cấp hội và Ngân hàng NNPTNT nên chỉ trong một thời gian ngắn, anh không những gom đủ đất làm mặt bằng, mà còn huy động được nguồn vốn 9,2 tỷ đồng phục vụ xây dựng 6 dãy chuồng lợn theo đúng kích cỡ quy định. Đồng thời, xây dựng đầy đủ, đồng bộ nhà điều hành, nhà kho, nhà công nhân ăn, ở, sân thể thao, hệ thống cây xanh cùng các trang thiết bị, tiện nghi khác phục vụ chăn nuôi và sinh hoạt văn hóa, thể thao cho người lao động .

“Đây là 1 trong 4 mô hình trang trại tiêu biểu của TP. Hải Phòng. Chủ trang trại đã biết phát triển chăn nuôi quy mô công nghiệp gắn với tiết kiệm năng lượng, đảm bảo an ninh môi trường bền vững”.

Điều đáng nói, trong khoản kinh phí đầu tư cho xây dựng trang trại, anh Kỳ đã dành nhiều tỷ đồng cho việc xây hầm biogas với dung tích 1.500m3, cùng hệ thống khử mùi sau chuồng. Do được xây dựng theo quy trình khép kín, lại đầu tư thích đáng cho việc xử lý chất thải, nên trang trại lợn nái sinh sản quy mô lớn của anh Kỳ hoàn toàn đảm bảo đúng các tiêu chí đề ra. Không riêng chúng tôi, những người từ xa đến, nhất là bà con cư trú ở gần trang trại đều cảm nhận được cảnh quan, môi trường sinh thái khang trang, trong lành nơi đây.

Đến nay, tuy trang trại mới chăn nuôi được 3 năm, nhưng hiệu quả mang ý nghĩa kinh tế, xã hội nhiều mặt thì đã rõ. Trong đó, nó mở ra hướng làm giàu bền vững cho gia đình anh Kỳ, cũng như cho các hộ nông dân nói chung. Đồng thời, tạo thêm công ăn việc làm ổn định cho lao động địa phương. Riêng về hiệu quả kinh tế, với doanh thu mỗi năm từ xuất chuồng lợn sữa, đạt 3,5 tỷ đồng, nếu trừ chi phí các khoản, gia đình anh Kỳ vẫn còn thu lời hơn 1,7 tỷ. Khoản lợi nhuận này, ngoài trả lãi ngân hàng, đóng góp nghĩa vụ với Nhà nước và tích lũy để tái đầu tư, anh Kỳ còn dành hàng chục triệu đồng cho hỗ trợ các gia đình chính sách…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem