dd/mm/yyyy

UBND tỉnh Điện Biên chỉ đạo kiểm tra sai phạm tại mỏ đá Tây Bắc

Sau khi Báo NTNN/Điện tử Dân Việt/ Trang Trại việt đăng loạt bài về sai phạm của Công ty TNHH Đầu tư Công nghiệp Tây Bắc trong khai thác đá. UBND tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, giải quyết các sai phạm tại mỏ đá này.

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Điện tử Dân Việt/ Trang Trại việt, ông Lê Thành Đô, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Điện Biên cho biết: "Qua phản ánh của báo chí, UBND tỉnh đã nắm được nội dung. Chúng tôi sẽ yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, làm rõ sai phạm tại mỏ đá Tây Bắc. Đơn vị này sai phạm đến đâu sẽ xử lý đến đấy. Quan điểm của UBND tỉnh là không bao che cho những sai phạm của doanh nghiệp"

Theo ông Lê Thành Đô, trước khi tiến hành khai trường, đơn vị phải làm đường vào. Vấn đề này nằm trong thiết kế mỏ. UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan tham mưu công tác cấp phép trực tiếp là Sở Tải nguyên Môi trường. Cơ quan quản lý khai thác là Sở Công thương, Sở Xây dựng, huyện Điện Biên đi kiểm tra thực trạng hoạt động khai thác. Làm rõ các nội dung theo phản ánh của báo chí.

Điện Biên: UBND tỉnh Điện Biên chỉ đạo kiểm tra sai phạm tại mỏ đá Tây Bắc  - Ảnh 1.

Phần khoanh tròn mầu đỏ thể hiện vị trí khai trường được cấp phép. Phần khoanh tròn mầu xanh là vị trí khai thác của Công ty Tây Bắc nằm ngoài vị trí đã được UBND tỉnh cấp phép.

Theo điều tra của phóng viên, Công ty Tây Bắc đã không tuân thủ an toàn trong khai thác đá theo thiết kế được phê duyệt. Không tuân thủ trong quá trình mở mỏ, bạt mái, cắt tầng, làm đường dẫn… Việc tổ chức mỏ phải tuân thủ theo Thuyết minh thiết kế khai thác mỏ được phê duyệt.

Khi nổ mìn Công ty Tây Bắc đã đem máy xúc ra chặn QL 279. Qua tìm hiểu, Công ty Tây Bắc chưa được Cục đường bộ cho đấu nối đường vào mỏ ra được QL 279.

Điện Biên: UBND tỉnh Điện Biên chỉ đạo kiểm tra sai phạm tại mỏ đá Tây Bắc  - Ảnh 2.

Vị trí khai trường của Công ty Tây Bắc nằm ngoài vị trí đã được cấp phép. Khi nổ mìn khai thác gây ảnh hưởng đến người tham gia giao thông và kho mìn của Công ty Xi Măng

Theo Luật sư Trần Văn Trọng (Đoàn Luật sư Hà Nội), cho biết: "Chính sách của Nhà nước là bảo đảm khoáng sản được bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả (Điều 3, Luật Khoáng sản năm 2010).

Hoạt động khai thác đá nằm ngoài phạm vi cấp phép của Công ty Tây Bắc vi phạm nguyên tắc cơ bản được quy định tại Điều 4, Luật khoáng sản năm 2010 là "Chỉ được tiến hành hoạt động khoáng sản khi được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép".

Theo Luật sư Trần Văn Trọng thì những sai phạm của Công ty Tây Bắc đã vi phạm vào Điều 58 Luật Khoáng sản năm 2010.

Điều 58, Luật khoáng sản năm 2010 quy định về thu hồi, chấm dứt hiệu lực Giấy phép khai thác khoáng sản như sau:

"1. Giấy phép khai thác khoáng sản bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:

c) Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản vi phạm một trong các nghĩa vụ quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và g khoản 2 Điều 55 của Luật này mà không khắc phục trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về khoáng sản có thông báo bằng văn bản".

Khoản 2, Điều 55, Luật khoáng sản năm 2010 quy định tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản có các nghĩa vụ sau đây:

"a) Nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, lệ phí cấp Giấy phép khai thác khoáng sản, thuế, phí và thực hiện các nghĩa vụ về tài chính khác theo quy định của pháp luật;

b) Bảo đảm tiến độ xây dựng cơ bản mỏ và hoạt động khai thác xác định trong dự án đầu tư khai thác khoáng sản, thiết kế mỏ;

c) Đăng ký ngày bắt đầu xây dựng cơ bản mỏ, ngày bắt đầu khai thác với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép và thông báo cho Ủy ban nhân dân các cấp nơi có mỏ trước khi thực hiện;

d) Khai thác tối đa khoáng sản chính, khoáng sản đi kèm; bảo vệ tài nguyên khoáng sản; thực hiện an toàn lao động, vệ sinh lao động và các biện pháp bảo vệ môi trường;

đ) Thu thập, lưu giữ thông tin về kết quả thăm dò nâng cấp trữ lượng khoáng sản và khai thác khoáng sản;

e) Báo cáo kết quả khai thác khoáng sản cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

g) Bồi thường thiệt hại do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra"

Đối với hành vi khai thác đá ngoài phạm vi cấp phép như Công ty Tây Bắc sẽ bị xử lý theo Điều 37, Nghị định 36/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực khoáng sản ngày 24/03/2020 của Chính phủ.

"Điều 37. Vi phạm các quy định về khu vực khai thác khoáng sản

3. Phạt tiền đối với hành vi khai thác khoáng sản (trừ cát, sỏi lòng sông, suối, hồ) có tổng diện tích đã khai thác vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) đến dưới 0,1 ha; vượt quá phạm vi ranh giới được phép khai thác (theo độ sâu hoặc độ cao) từ 0,5 m đến dưới 01 m trong phạm vi diện tích từ 0,1 ha trở lên, cụ thể như sau:

a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường của hộ kinh doanh;

b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này;

c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

4. Phạt tiền đối với hành vi khai thác khoáng sản (trừ cát, sỏi lòng sông, suối, hồ) có tổng diện tích vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) vượt từ 0,1 ha đến dưới 0,5 ha; vượt quá phạm vi ranh giới được phép khai thác (theo độ sâu hoặc độ cao) từ 01 m đến dưới 02 m trong phạm vi diện tích từ 0,1 ha trở lên cụ thể như sau:

a) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường của hộ kinh doanh;

b) Từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này;


Vinh Duy