Đêm 25.2 (tức mùng 7 Tết), phiên chợ Viềng (hay còn gọi là phiên chợ cầu may, ở xã Trung Thành, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) mới chính thức diễn ra. Tuy nhiên, ngay từ đầu giờ chiều người dân đã nườm nượp đổ dồn về phiên chợ.
Ghi nhận của phóng viên lúc 16h chiều 25.2, tuyến đường đường quốc lộ 38B chạy qua chợ Viềng đã bị ùn tắc kéo dài khoảng 1km. Các phương tiện nối đôi nhau ì ạch di chuyển trên đường.
Đêm 25.2 phiên chợ Viềng mới chính thức diễn ra, tuy nhiên ngay từ đầu giờ chiều người dân đã nườm nượp đổ dồn về phiên chợ.
Tại các gian hàng bán cây cảnh, đồ nông nghiệp, đồ sắt, khu vui chơi ở trong chợ chật cứng người mua bán. Người dân phải di chuyển rất khó khăn.
Có mặt từ sớm trong phiên chợ Viềng để “mua may bán rủi”, bà Nguyễn Thị Hòa (46 tuổi, ở huyện Hải Hậu, Nam Định) đã mua một cây chanh lấy may đầu năm. Bà Hòa nói: “Năm nào gia đình tôi cũng lên chợ Viềng mua cây cảnh, đồ gia dụng lấy may đầu năm. Rút kinh nghiệm từ năm trước, năm nay tôi đi chợ ban ngày để tránh cảnh chen nhau trong phiên chợ”.
Chợ Viềng đông nhất từ 0h00’ đến 2h sáng 26.2 (tức mùng 8 Tết), bởi người đi chợ quan niệm rằng mua bán thời điểm đó đem lại nhiều may mắn nhất. Tại phiên chợ cầu may bày bán tất cả các loại công cụ lao động của người nông dân trồng lúa, đến cây cảnh, vật lưu niệm, thịt bò… Đây là những mặt hàng chính và chủ yếu góp phần là nên thương hiệu của chợ Viềng xuân.
Đại tá Trần Văn Luân, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (PC 67, Công an tỉnh Nam Định) cho hay, để giảm áp lực giao thông trong thời gian chợ Viềng diễn ra, đơn vị đã huy động gần 200 cán bộ, chiến sĩ công an thuộc lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động, đồng thời kết hợp với các cán bộ, chiến sĩ công an tại các huyện Vụ Bản, Ý Yên, Mỹ Lộc, công an các địa phương Hà Nam, Ninh Bình và các lực lượng chức năng khác, đảm bảo cho du khách về lễ hội chợ Viềng được an toàn, thông suốt.
Dưới đây là một số hình ảnh phóng viên ghi lại trước thời điểm diễn ra phiên chợ Viềng:
Tuyến đường quốc lộ 38B, đoạn qua chợ Viềng đã bị ùn tắc kéo dài khoảng 1km.
Trước cổng vào chợ Viềng đông nghẹt người dân.
Lối đi vào các gian hàng ở chợ Viềng kẹt cứng người qua lại mua bán.
Đến phiên chợ cầu may, người dân tranh thủ mua dụng cụ lao động để lấy may.
Và mua cả cây xanh lấy may đầu năm.
Nhiều người dân chọn mua hoa về nhà trồng.
Người dân mua đòn gánh với giá 30.000 đồng/chiếc về lấy may, mong trong năm mùa màng bội thu.
Đến chợ người dân còn mua cả thúng và cây xanh lấy may.
Người dân quan niệm sau khi đi chợ sẽ mua thịt bò ở chợ lấy may. Thịt bò được bán với giá 250.000 đồng/kg.
Từ đầu giờ chiều 25.2, khu vực chợ Viềng đã chật cứng các gian hàng bán cây, đồ gia dụng, dụng cụ.
Gian hàng bán đồ cổ thu hút nhiều người dân.
Theo truyền thuyết, khi quân lính hành quân đến đất Nam Giang thì ngựa của hai tướng bị hỏng móng phải dừng lại, nhân tiện có làng Vân Tràng nổi tiếng với nghề rèn truyền thống, nên đã nhờ bà con rèn lại móng ngựa và vũ khí mang theo. Trong khi chờ đợi, hai tướng đã ra lệnh cho lính lập đàn loan tin chiến thắng. Biết được, dân chúng ở khắp các xã, thôn lân cận đem trâu, bò về mổ ở làng Vân Tràng ăn mừng…
Từ đó, bà con huyện Nam Trực lấy đêm ngày mùng 7 và sáng mùng 8 tháng Giêng làm ngày hội họp đầu xuân để tưởng nhớ hai vị tướng. Đồng thời, cũng là dịp nông nhàn để bà con trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt và trưng bày, mua bán cây, con giống, đồ cổ…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.