Ngôi sao hiếm hoi toả sáng
Nếu Forlan không ghi bàn trong trận chung kết với Paraguay thì có thể nói giải bóng đá này là một thảm hoạ với các ngôi sao bóng đá Nam Mỹ: Gần một chục những ngôi sao trong đó có “siêu nhân”: Messi đã cúi đầu tủi hổ rời sân đấu.
Sau khi Forlan toả sáng ghi 2 bàn vào lưới Paraguay ở trận chung kết (rạng sáng 25.7, giờ VN), cả thế giới bóng đá đều nhớ lại thời điểm vùng dậy của con người không biết đầu hàng số phận này.
|
Forlan đã có một mùa giải Copa America đẹp như mơ. |
Năm 2004, Aletico Marid mua anh về từ M.U như một món hàng thừa, anh mài đũng quần trên ghế dự bị quá nhiều ở nơi mà con người “nổi tiếng ghét người Nam Mỹ” là Sir Alex đang thống trị. Không ai ngờ, ngay lập tức anh giành danh hiệu vua phá lưới Tây Ban Nha ngay mùa giải đầu tiên (2004 - 2005). Sau đó lại là danh hiệu vua phá lưới Tây Ban Nha mùa giải 2008 – 2009.
Có lẽ duy nhất Forlan là người chứng minh rằng Sir Alex là kẻ không biết dùng người. Và thật tuyệt vời khi giành chiếc cúp vô địch Copa America lần thứ 15 cho tổ quốc mình, Forlan cũng đã toại nguyện khi lập một kỷ lục cực kỳ tự hào cho gia đình mình.
Trước Diego Forlan, cả cha Pablo Forlan lẫn ông ngoại Juan Carlos Corazo của anh đều đã tận hưởng vị ngọt chiến thắng ở Copa America - giải đấu số một Nam Mỹ và có lịch sử lâu đời nhất thế giới. "Ông ngoại của tôi đã vô địch, bố tôi cũng vô địch và giờ đến lượt tôi trở thành nhà vô địch Copa America. Cả 3 chúng tôi đều lưu danh vào lịch sử"- Forlan chia sẻ phát biểu trong lúc đang ôm chiếc Cup dành cho nhà vô địch trên sân Monumental hôm qua.
Nam Mỹ - mỏ vàng cạn kiệt
Sau khi Copa America kết thúc, có một số cầu thủ tại giải đấu này đã được báo chí Nam Mỹ tung lên tận mây xanh với mỹ từ “đủ để toả sáng tại châu Âu”. Tuy nhiên, cách “chào hàng” này chỉ là một trò hề sau một giải bóng nhạt nhẽo… Trong số ấy có Luis Advincula (Peru), tiền đạo Joel Campbell (Costa Rica), trung vệ Sebastian Coates (Uruguay), tiền vệ cánh Marcelo Estigarribia (Paraguay), trung vệ Oswaldo Vizcarrondo (Venezuela)… Tuy nhiên tất cả họ chưa thể hiện được cụm từ “mỏ ngọc thô” mà bấy lâu nay các tuyển trạch viên của các CLB châu Âu dành cho giải đấu này.
Có lẽ từ giải Copa America lần sau, việc cố công phát hiện những cầu thủ tiềm năng tại đây sẽ không diễn ra nữa. Bóng đá đã bước vào một thế giới phẳng, những cầu thủ tài năng cỡ Messi được Barca phát hiện và bồi dưỡng từ rất sớm (từ lúc mới 10 tuổi).
Thời buổi lấy sân chơi Copa America làm nơi “chào hàng”, nhằm làm bệ phóng tiến sang châu Âu chơi bóng đã kết thúc.
Nam Hải
Vui lòng nhập nội dung bình luận.