Ưu đãi cho sản xuất nông sản sạch

Thứ hai, ngày 16/12/2013 07:51 AM (GMT+7)
Nông sản sạch, an toàn từ lâu đã là hướng phát triển bền vững cho nông nghiệp Việt Nam, được thị trường trong nước ưa chuộng và đã xuất khẩu sang nhiều nước. Song thực tế hiện nay, người nông dân vẫn đang loay hoay với sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch...
Bình luận 0
Tỷ lệ người dùng rau an toàn còn thấp

Theo số liệu của Bộ NNPTNT, ước tính sản lượng rau cả nước đạt khoảng 14 triệu tấn, trong đó tiêu dùng trong nước chiếm 85%, còn lại xuất khẩu. Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Thị Xuân Thu, mặc dù một số địa phương đã xây dựng được thương hiệu, chứng chỉ cho sản phẩm rau an toàn (RAT), nhưng tỷ lệ người dân được sử dụng chưa cao.

Người dân thu hoạch su hào ở Bắc Ninh
Người dân thu hoạch su hào ở Bắc Ninh

Số liệu của Cục Chế biến thương mại nông lâm thuỷ sản và nghề muối (Bộ NNPTNT) cho thấy, tính đến nay diện tích sản xuất rau trên toàn quốc là hơn 823.800ha, trong đó 120.000ha chuyên canh, 430.000ha luân canh. Mặc dù chủng loại rau rất đa dạng và phong phú, song quy mô sản xuất rau hiện còn nhỏ lẻ, manh mún.

Riêng đối với RAT, diện tích quy hoạch đến đầu năm 2013 là 71.728ha, nhưng diện tích đã được cấp giấy chứng nhận (GCN) đủ điều kiện sản xuất RAT mới là 6.310ha; diện tích được cấp giấy chứng nhận VietGAP và các “GAP” khác là 491ha; diện tích sản xuất theo hướng an toàn là 16.797ha. Điều này cho thấy sự yếu và thiếu cả về nguồn lực lẫn quy chuẩn đối với việc sản xuất nông sản sạch ở Việt Nam.

Thực tế hiện nay, việc sản xuất, chế biến, tiêu thụ RAT vẫn được tiến hành thủ công, công nghệ bảo quản cũng như phương tiện vận chuyển còn thiếu và lạc hậu, tỷ lệ tổn thất cao từ 25-30%... Đặc biệt, trong khâu chế biến hầu như không có nhà xưởng dành riêng cho sơ chế, bao gói và bảo quản rau tươi, thiếu dụng cụ chứa sản phẩm bảo đảm chắc chắn và hợp vệ sinh, nước xử lý rau không đảm bảo chất lượng theo quy định. Người trồng rau cũng thiếu kiến thức và công nghệ về bảo quản và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Để khắc phục tình trạng trên, thời gian qua, Việt Nam đã phát triển được một số chuỗi quản lý RAT từ một số dự án hỗ trợ của Đan Mạch, Canada, Nhật Bản, nhưng khi kết thúc dự án thì rất khó duy trì những chuỗi như vậy do thiếu kinh phí. Chính vì thế, đến thời điểm này Việt Nam vẫn chưa xây dựng được các chuỗi nông sản an toàn bền vững, trong đó có RAT. Vấn đề cấp chứng chỉ vẫn còn nhiều bất cập liên quan đến xây dựng và đảm bảo thương hiệu sạch với người tiêu dùng. Thực tế, vẫn tồn tại sản phẩm sản xuất đạt chứng chỉ VietGAP nhưng khó bán, ngay cả khi giá không chênh lệch nhiều so với sản phẩm bình thường.

Cần sự đột phá…

"Đối với hệ thống bán lẻ rau an toàn, cần có chính sách hỗ trợ về tài chính, được vay vốn với lãi suất ưu đãi, ân hạn 2 năm cho các doanh nghiệp kinh doanh thuê nhà, đất để mở cửa hàng rau an toàn”.
Ông Nguyễn Như Tiệp

TS Trần Công Thắng- Trưởng Bộ môn Thể chế nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, đối với hàng nông sản Việt Nam tham gia thị trường quốc tế, doanh nghiệp không thể không đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thị trường trong nước cũng đang ngày càng đòi hỏi sản phẩm sạch, an toàn. Do vậy, cần thay đổi cách tiếp cận và xem xét vấn đề an toàn thực phẩm dưới góc nhìn khác - góc nhìn từ thị trường - quản lý an toàn thực phẩm theo cơ chế thị trường, đảm bảo cho tư nhân và các tổ chức xã hội được tham gia tích cực vào thị trường sản xuất và phân phối thực phẩm an toàn. Nhà nước có thể vẫn đóng vai trò định hướng tiêu dùng sản phẩm an toàn thông qua hệ thống pháp luật và cơ chế hỗ trợ đầu tư.

Còn ông Nguyễn Như Tiệp- Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NNPTNT) thì cho rằng, chúng ta cần có chính sách thúc đẩy liên kết sản xuất và tiêu thụ. Theo đó, cần đưa ra những chính sách ưu đãi tín dụng cho doanh nghiệp được vay vốn với mức lãi suất thấp để đầu tư vật tư và chi phí sản xuất cho nông dân. Đề nghị xem xét đưa các vùng sản xuất RAT tập trung chuyên canh được đầu tư cơ sở hạ tầng như trong chương trình nông thôn mới. Cần đưa “sơ chế rau” vào hạng mục, dự án đầu tư được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn...

2,2 triệu USD để nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm


Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục Dự án “Tăng cường năng lực thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm nhằm hỗ trợ triển khai Luật An toàn thực phẩm và Chiến lược quốc gia an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030”. Dự án được thực hiện từ 2013-2016 do Bộ Y tế là cơ quan chủ quản, tổng kinh phí 2,2 triệu USD. Dự án sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người tiêu dùng thực phẩm, đạo đức của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm để bảo vệ sức khỏe nhân dân.


Dự án cũng nhằm xây dựng năng lực và tổ chức các lớp tập huấn để nâng cao kỹ năng về an toàn thực phẩm cho các cán bộ chuyên môn làm công tác quản lý an toàn thực phẩm và cộng tác viên truyền thông ở các cấp khác nhau...
T.L


Mai Nguyễn (Mai Nguyễn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem