Ủy ban Quản lý vốn "kêu cứu", xin gói cứu trợ lãi suất 0%: Không thể ưu đãi theo cách 'cho không'?

10/04/2020 08:56 GMT+7
Giới phân tích cho rằng, đề xuất của “siêu ủy ban” cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tiếp cận gói tín dụng 250.000 tỷ, thời hạn vay tối thiểu 3 năm, lãi suất 0% là không khả thi. Ngân hàng cũng là doanh nghiệp, không thể bỏ vốn ra ưu đãi theo cách “cho không” lãi suất 0% cho doanh nghiệp.

Mới đây, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có báo cáo gửi Chính phủ, cho biết do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty trong 3 tháng đầu năm 2020 giảm khoảng 27.376 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019. 7/19 tập đoàn, tổng công ty đã bắt đầu không cân đối được thu chi, tổng số lỗ khoảng 3.728 tỷ đồng. Trong đó, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) là doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Cụ thể, Tổng công ty Hàng không Việt Nam lỗ 2.383 tỷ đồng; Tập đoàn Xăng dầu Việt nam lỗ 572 tỷ đồng; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam lỗ 440 tỷ đồng; Tổng công ty Hàng hải Việt Nam lỗ 111,3 tỷ đồng; Tổng công ty Lương thực Miền Nam lỗ 97 tỷ đồng; Tổng công ty Cà phê Việt Nam lỗ 25 tỷ đồng và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lỗ 100 tỷ đồng.

"Cứu" bằng cơ chế

Để "cứu" các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp và giúp doanh nghiệp có khả năng phục hồi sau dịch bệnh, "siêu uỷ ban" đã đề xuất 19 tập đoàn, tổng công ty không chỉ được tiếp cận gói tín dụng trên như một khách hàng thương mại bình thường với ưu đãi như các doanh nghiệp khác mà sẽ được vay tối thiểu 3 năm với lãi suất 0%.

Trong đó, Tổng công ty Hàng không Việt Nam đang rất khó khăn và đề nghị được hỗ trợ khoảng 12.000 tỷ đồng, bắt đầu từ tháng 4/2020 để duy trì hoạt động, bảo đảm thanh khoản cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia không đồng tình với đề xuất này và cho rằng khu vực cần ưu tiên nhất lúc này là các doanh nghiệp nhỏ và vừa bởi đối với các doanh nghiệp lớn, sức chịu đựng đối với dịch bệnh và khả năng phục hồi sau dịch sẽ cao hơn so với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, các chính sách tiền tệ chỉ hỗ trợ một phần, Chính phủ vẫn phải dành nguồn lực để hỗ trợ những khu vực kinh tế yếu hơn.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên trường Chính sách công và Quản lý Fullbright nêu quan điểm, theo ước tính sơ bộ, gói tín dụng 250.000 tỷ đồng cũng không đủ bù đắp tổn thất về doanh thu và những thiệt hại mà các doanh nghiệp đang đối mặt do Covid-19. Do đó, kể cả khi dành riêng gói tín dụng ưu đãi này cho 19 "ông lớn" cũng không thấm vào đâu.

Ngoài ra, theo chuyên gia này, nếu bây giờ cho các tập đoàn, tổng công ty cùng tiếp cận gói tín dụng, hỗ trợ ngang bằng với doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân thì sẽ xoá được sự quan liêu.

Đồng tình, một chuyên gia tại Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh phân tích, do đặc điểm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ cái gì cũng nhỏ nên cái gì cũng yếu từ tài sản đảm bảo, vốn... nên cần phải ưu tiên cho khu vực này trên hai bình diện bao gồm: tính kịp thời và ưu tiên bằng vật chất, nghĩa là lãi suất bằng 0% càng tốt. Còn đối với các doanh nghiệp lớn, lực lượng doanh nghiệp quốc doanh cũng cần "cứu" nhưng cứu bằng cơ chế.

Ủy ban Quản lý vốn "kêu cứu", xin gói cứu trợ lãi suất 0%: Không thể ưu đãi theo cách 'cho không'? - Ảnh 2.

Ngân hàng không thể bỏ vốn ra ưu đãi theo cách "cho không" doanh nghiệp khác được, trong khi họ đang phải chịu rất nhiều chi phí liên quan đến đồng vốn?

Không thể lấy tiền của dân "cho không" doanh nghiệp

Dưới góc nhìn của một chuyên gia ngành ngân hàng, TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng đề xuất của "siêu uỷ ban" không khả thi ở 3 khía cạnh.

Thứ nhất, việc cho vay với lãi suất 0% chỉ áp dụng cho các khoản vay để đảm bảo an sinh xã hội. Những khoản vay này sẽ được dành để trả lương cho người lao động bị ngừng việc trong 3 tháng và doanh nghiệp có trách nhiệm trả số tiền lương ngừng việc còn lại cho người lao động. 

Thứ hai, gói hỗ trợ 285.000 tỷ đồng của các ngân hàng thương mại không phải khoản tiền ngân sách nhà nước bỏ ra để hỗ trợ nền kinh tế, mà đó là nguồn vốn thương mại của các ngân hàng, tức là các ngân hàng phải huy động vốn từ người dân và doanh nghiệp để cho vay (hiện nay, lãi suất huy động dài hạn đang dao động từ 6,5% - 8,5%/năm).

Thứ ba, bản thân các tổ chức tín dụng cũng là doanh nghiệp, không thể bỏ vốn ra ưu đãi theo cách "cho không" doanh nghiệp khác được, trong khi họ đang phải chịu rất nhiều chi phí liên quan đến đồng vốn.

Tuy nhiên, việc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước không được tiếp cận vốn lãi suất 0% không có nghĩa là "đường cụt". Nếu chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 thì các "ông lớn" này hoàn toàn có thể tiếp cận vay gói tín dụng 285.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi mà các tổ chức tín dụng đang công bố. "Đấy là điều kiện ưu đãi rất tốt rồi", ông Lực nêu quan điểm.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục