Cam kết một đằng, làm một nẻo
Bà Lâm Thị Sửu- Trưởng Ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (đơn vị tổ chức diễn đàn) cho biết, hầu như không có công trình thủy điện nào ở Quảng Nam được xác nhận đã hoàn thành công tác bảo vệ môi trường nhưng vẫn được vận hành. Công tác hậu kiểm sau khi các nhà máy đi vào hoạt động cũng không được tổ chức một cách đầy đủ theo quy định do thiếu nguồn nhân lực và thiếu quyết tâm. Theo bà Sửu, các nhà máy thủy điện ở tỉnh này chưa bao giờ thực hiện và khó thực hiện cam kết bảo vệ môi trường trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐMT).
Đã có hàng loạt sai phạm trong công tác bảo vệ môi trường của Nhà máy Thủy điện Bình Điền (Thừa Thiên - Huế).
Ông Trần Bá Quốc (Trung tâm Nghiên cứu và phát triển xã hội) thì chỉ rõ hàng loạt sai phạm trong công tác bảo vệ môi trường của Nhà máy Thủy điện Bình Điền (Thừa Thiên- Huế). Bản báo cáo ĐMT của nhà máy này cam kết thiết lập một trạm quan trắc khí tượng thủy văn và môi trường tại khu vực hồ nhưng thực tế chỉ có một trạm quan trắc đặt ở đầu nguồn sông Hữu Trạch. Điều này gây hạn chế trong công tác dự báo thiên tai, lũ lụt, hạn hán và động đất. Mặt khác, số lượng các thông số được quan trắc thực tế của doanh nghiệp này cũng ít hơn nhiều so với cam kết trong báo cáo ĐMT. Cụ thể, nhà máy này cam kết quan trắc 15 thông số nhưng thực tế chỉ thực hiện được 3 thông số; cam kết quan trắc 26 thông số chất lượng nước theo tần suất 6 tháng/lần và 17 thông số theo tần suất 3 tháng/lần nhưng thực tế chỉ quan trắc 12 thông số theo tần suất 6 tháng/lần.
Dân suy sụp
Theo Nhóm tư vấn đánh giá tác động môi trường và xã hội (Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên-Huế), các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi Thủy điện A Lưới đang ở trong tình trạng khủng hoảng sinh kế do mất đất sản xuất. Nhóm nghiên cứu này cho biết, trong hơn 5 năm nữa, nếu không được chuyển đổi sinh kế, kinh tế các hộ gia đình này sẽ thực sự suy sụp và đói nghèo sẽ tăng mạnh.
Bà Lê Thị Nguyện (Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên- Huế) cho hay, trong số 54 hộ dân bị di dời đến khu tái định cư Bồ Hòn bởi dự án Thủy điện Bình Điền, hiện hơn 50% số hộ là hộ nghèo. Trước khi di dời đến khu tái định cư này, người dân được hứa cấp 1ha đất sản xuất nhưng thực tế mỗi hộ chỉ được cấp 2-3 sào đất xấu. Vì vậy, 89,59% số hộ dân ở đây có thu nhập thấp hơn nơi ở cũ và trên 50% người dân chán nản cuộc sống hiện tại. “Điều kiện sinh kế không bảo đảm, đời sống tinh thần ngàn đời của họ đã bị tước đoạt bởi sự tắc trách, vô cảm của chủ đầu tư”- bà Nguyện nói.
Đây cũng là thực trạng chung tại hầu hết các khu tái định cư thủy điện ở miền Trung - Tây Nguyên được nêu tại diễn đàn. Mong muốn của người dân là có đất sản xuất nhưng cái mà họ nhận được chỉ là lời hứa suông…
Ông Lê Anh Tuấn (Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu) “điểm mặt” một loạt dự án thủy điện “bức tử” môi trường, như: Thủy điện A Vương (Quảng Nam), Sông Ba Hạ (Phú Yên), An Khê- Kanat (Bình Định)… tạo ra những trận lũ dữ; Thủy điện Đăk My 4 (Quảng Nam), Vĩnh Sơn - Sông Hinh (Phú Yên), Thượng Kon Tum (Kon Tum)… gây khô hạn nghiêm trọng; Thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam), Đăk Mek 3 (Kon Tum), Ia Krel 2 (Gia Lai) bị nứt, rò rỉ nước thân đập, vỡ đập, lún sụt đất… khiến dân hoang mang.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.