Vắcxin gây “bệnh nghiêm trọng”
Quyết định của Chính phủ Philippines dựa trên một báo cáo mới nhất của Sanofi cho thấy trong khi vắcxin có thể phòng ngừa SXH cho những người đã từng mắc bệnh, thì đối với người chưa từng mắc bệnh lần nào vắcxin lại tỏ ra vô hiệu, thậm chí còn gây “bệnh nghiêm trọng”.
Cuối tuần qua vắcxin ngừa sốt xuất huyết (SXH) Dengvaxia của hãng dược phẩm Pháp Sanofi đã bị chính quyền nước này “treo” vô thời hạn trước thông tin nó có thể gây nguy hiểm cho người sử dụng.
Nguyên văn thông cáo của Sanofi: “Đối với những người chưa từng nhiễm virút dengue gây SXH, kết quả phân tích cho thấy lâu dài nhiều người sẽ mắc “bệnh nghiêm trọng” sau khi chích ngừa. Phát hiện này khẳng định bản chất phức tạp của tình trạng nhiễm dengue”.
Năm qua, Philippines là quốc gia đầu tiên trên thế giới thông qua sử dụng Dengvaxia cho một chương trình chích ngừa SXH dengue ở trường học. Tổng cộng 733.713 trẻ trên chín tuổi đã được chích ngừa một liều, nhưng 10% số đó, khoảng 70.000 trẻ, lại chưa hề mắc SXH và như thế chúng thuộc diện nguy cơ “mắc bệnh nghiêm trọng”.
Thứ bảy qua, bộ trưởng Y tế Philippines, Francisco Duque, kêu gọi Sanofi làm rõ định nghĩa thế nào là “bệnh nghiêm trọng”. Ông nói: “Chúng tôi đang chờ một định nghĩa rõ ràng từ nhà sản xuất, vì không có gì minh bạch ở đây”.
SXH dengue là bệnh lây truyền qua muỗi phổ biến nhất thế giới, gây ra do virút dengue với bốn type virus khác nhau (D1, D2, D3 và D4). Phần lớn người mắc bệnh sẽ tự lành, miễn nhiễm với type virus đầu tiên mà họ mắc. Tuy nhiên, một số người lại có thể mắc bệnh thêm một lần nữa trong đời với type dengue khác và lúc này họ có thể bị bệnh nghiêm trọng.
Dengvaxia là vắcxin ngừa SXH dengue đầu tiên trên thế giới và được phép lưu hành ở 17 quốc gia, phần lớn ở châu Á và Mỹ Latinh, nơi SXH dengue gây bệnh và tử vong cho nhiều trẻ em. Philippines và Brazil là hai quốc gia cho tiêm đại trà vắcxin SXH. Ước tính mỗi năm có khoảng 400 triệu người trên toàn cầu mắc bệnh này, 500.000 người phải nhập viện và khoảng 25.000 người tử vong.
Tại nước ta, SXH diễn biến phức tạp và thường xuyên là mối đe doạ sức khoẻ cho con người. Mỗi năm thường có hơn 100.000 người mắc bệnh, khiến hàng chục người tử vong, cá biệt vào năm 2010 SXH cướp đi sinh mạng của 109 người. Trong năm nay, SXH cũng bùng phát mạnh ở một số tỉnh, thành phố ở nước ta, chỉ trong tám tháng đầu năm số ca mắc đã gần bằng cả năm 2016.
Chuẩn bị “một kịch bản tệ hại nhất”
Dengvaxia không phải là cái tên xa lạ ở Việt Nam vì khi thử nghiệm lâm sàng vắcxin này trên người, Sanofi đã chọn một số quốc gia thường xuyên bị đe doạ bởi SXH, trong đó có nước ta.
Tuy nhiên, ngay sau khi tuyên bố thử nghiệm thành công, được tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận và một số quốc gia cho phép sử dụng, Dengvaxia lại gây tranh cãi trong giới chuyên môn vì khả năng bảo vệ không cao. Thật vậy, mặc dù nhà sản xuất xác nhận hiệu quả ngừa bệnh SXH của vắcxin là 60%, nhưng thực tế ở mỗi type gây bệnh hiệu quả này lại dao động. Cụ thể với type virus D3 và D4, hiệu quả bảo vệ là 75%, type D1 50% và type D2 chỉ còn… 35%. Cũng đáng lưu ý, vắcxin chỉ hiệu lực ở trẻ trên chín tuổi. Một chuyên gia bệnh nhiễm ở nước ta (giấu tên) từng nhận xét: “Vắcxin không đạt hiệu quả bảo vệ ít nhất 80 – 90% thì đó là một vắcxin thất bại, vì sử dụng không có ý nghĩa gì”.
Thực tế là khi SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và giải pháp phòng ngừa duy nhất vẫn là kiểm soát muỗi truyền bệnh (diệt lăng quăng, diệt muỗi, vệ sinh môi trường…), rõ ràng sử dụng vắcxin là một giải pháp khả dĩ cần tính đến. Vì thế có thông tin bộ Y tế Việt Nam định đưa Dengvaxia vào sử dụng từ năm 2018. Thế nhưng trước diễn tiến mới nhất của vắcxin SXH, có lẽ các nhà quản lý y tế nước ta cần phải cân nhắc cẩn thận. Tuần qua, khi trả lời hãng truyền hình ABS-CBN, Eric Tayag, phát ngôn viên của bộ Y tế Philippines, cho biết nước này đang “chuẩn bị một kịch bản tệ hại nhất”. Tệ hại vì khó có thể theo dõi kỹ lưỡng tất cả 70.000 trẻ thuộc diện nguy cơ – đã chích ngừa nhưng chưa mắc SXH – trong thời gian lên đến năm năm.
Sự thật là ngay từ đầu đã có nhiều ý kiến phản biện về việc sử dụng vắcxin Dengvaxia ở Philippines, vì nó quá mới mẻ với nhiều tác dụng chưa rõ ràng. Năm qua, một bé trai 11 tuổi bị bệnh tim bẩm sinh đã tử vong sau khi chích vắcxin, thế nhưng chính phủ nước này cho rằng sự cố chẳng liên quan gì đến chích ngừa.
Tuần qua, thượng nghị sĩ Nancy Binay đã cảnh báo về những tác dụng tiềm tàng của vắcxin trên sức khoẻ cộng đồng và kêu gọi bộ Y tế cũng như Sanofi cần nhanh chóng “đưa ra những khuyến cáo y khoa cần thiết và minh bạch thông tin”, cho những phụ huynh đã có con chích ngừa Dengvaxia.
Bà nói: “Tôi rất buồn khi bộ Y tế đã bỏ qua những cảnh báo về sự thiếu an toàn cho người sử dụng và không xem xét đầy đủ tổng thể các nghiên cứu về Dengvaxia. Tôi tin rằng về mặt đạo đức và luân lý Sanofi cần thông tin cho công chúng biết mọi vấn đề nghiêm trọng mà họ phát hiện được khi thử nghiệm lâm sàng”.
WHO sẽ làm rõ mọi chuyện
Giới chức y tế Philippines đã kêu gọi các phụ huynh có con chích ngừa vắcxin Dengvaxia không nên hoảng sợ, vì đến nay người ta chưa ghi nhận một sự cố nào liên quan. Dự tính vào ngày 12 hoặc 13.12 này, nhóm chuyên gia tham vấn chích ngừa của WHO sẽ họp để đánh giá mọi chuyện và đưa ra những nhận định cần thiết.
|
Châu Giang (Thế Giới Tiếp Thị)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.