Kinh doanh quán rượu và bánh đậu xanh Hàn Quốc ở phố tiệc tùng Nokdu hơn 30 năm, bà Jun Jook-sook thấy rằng mình lỗ nhiều hơn lời trong thời gian gần đây. Hình ảnh hàng dài người xếp hàng vào quán uống rượu gạo dần trở nên hiếm hoi ở con phố vốn sầm uất về đêm.
Nguyên nhân của sự thay đổi này xuất phát từ chủ trương hạn chế tiệc tùng sau giờ làm việc của nhiều công ty Hàn Quốc. Lạm phát kéo dài làm người tiêu dùng hạn chế “mở hầu bao”. Ngày càng nhiều lao động nữ giới mạnh dạn từ chối tham gia tiệc tùng với công ty cũng là yếu tố chính.
Sức mua giảm mạnh làm quán rượu của bà Jun thua lỗ liên tục, cho thấy văn hóa uống rượu đang dần biến mất tại quốc gia châu Á.
“Lâu rồi tôi không thấy ai say xỉn”
“Lâu rồi tôi không thấy ai say xỉn giữa đường. Con phố này vốn rất náo nhiệt nhưng giờ thì vắng vẻ quá”, bà Jun vừa nói vừa liếc nhìn hành lang trống trải. Nơi đó, khách của bà thường chơi kéo - búa - bao rồi phạt rượu lẫn nhau.
Lãi suất cao không chỉ cản trở người tiêu dùng chi tiêu mạnh tay mà còn làm không ít quán rượu nhỏ lẻ như quán bà Jun phải đóng cửa. Văn hóa rượu bia ở Hàn Quốc đang yếu dần.
Chuyên gia củaReuterskhẳng định nguyên nhân chính của vấn đề còn xuất phát từ hiện tượng giới trẻ châu Á có ý thức sâu sắc hơn trong việc giữ gìn sức khỏe. Ví dụ, theo khảo sát của Euromonitor, lượng rượu được tiêu thụ ở Nhật Bản đã giảm mạnh trong năm 2024 do nhận thức về sức khỏe và phong cách làm việc linh hoạt sau Covid-19.
Năm 2007, Tòa án Tối cao Hàn Quốc còn tuyên bố hành vi cấp trên ép nhân viên uống rượu là phạm pháp. Văn hóa hoesik (Tạm dịch: Tụ tập sau giờ làm việc) cũng bị nữ giới văn phòng chỉ trích vì làm mất thời gian chăm sóc gia đình và tăng nguy cơ quấy rối tình dục.
Hailey Kim, nhân viên văn phòng 40 tuổi tại công ty phụ tùng ôtô, cho rằng các buổi tụ tập sau giờ làm ngày càng ít là do thị trường lao động có nhiều nữ giới trẻ tuổi, cởi mở và mạnh dạn hơn.
Kim nói thêm Luật chống tham nhũng 2016 ở Hàn Quốc đã thiết lập giá trần cho những buổi ăn uống của công chức để ngăn hành vi hối lộ. “Trước đây, chúng tôi phải ghé thăm 3 địa điểm, bao gồm: quán thịt nướng, quán bia, quán karaoke. Hiện giờ mọi thứ chỉ dừng ở thịt nướng. Cảm ơn trời”, cô nói.
Lượng rượu được tiêu thụ ở Hàn Quốc đã giảm 12% so với mức đỉnh điểm năm 2015. Hàn Quốc là quốc gia có tốc độ suy giảm nhanh thứ hai trong những nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Chỉ số kinh doanh tại quán ăn nhỏ lẻ ở Hàn Quốc đã giảm xuống 88,4 vào năm 2023. Số quán karaoke của "xứ sở kim chi" chỉ còn 25.990 quán vào tháng 7, giảm từ con số 28.758 của năm 2020, theo Hiệp hội Thương mại Hàn Quốc.
Lượng rượu được tiêu thụ ở Hàn Quốc đã giảm 12% so với mức đỉnh điểm năm 2015. Ảnh: Reuters.
Chia đều
Hàn Quốc là nước có tỷ lệ người dân kinh doanh cao nhất thế giới, chiếm khoảng 25% thị trường làm việc. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với mức trung bình 15% của các nước OECD và làm Hàn Quốc đặc biệt dễ tổn thương trước suy thoái kinh tế.
Cuộc sống về đêm dần im ắng và các quán karaoke đóng cửa hàng loạt cho thấy vấn đề lớn hơn của Hàn Quốc: Sự chênh lệch giữa xuất khẩu mạnh mẽ và tiêu dùng trong nước kém.
Ngân hàng Quốc gia Hàn Quốc đang tìm cách giúp nền kinh tế “xứ sở kim chi” hạ cánh trong chu kỳ cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, nhu cầu xuất khẩu mạnh mẽ vẫn không bù lại được sức mua yếu kém của người dân.
“Chi tiêu trong nước yếu hơn cho thấy người dân không còn giàu như trước. Doanh số bán lẻ thể hiện người tiêu dùng chỉ thích mua đồ trong cửa hàng tiện lợi và ít đi ăn nhà hàng”, nhà nghiên cứu kinh tế Lee Jin-kook của Viện Phát triển Hàn Quốc cho biết.
Đối với những chủ quán rượu nhỏ lẻ như bà Jun, tiêu dùng chậm chạp đồng nghĩa bà phải đóng cửa cơ sở kinh doanh từ năm 1993. Bà đăng quảng cáo cho thuê mặt bằng từ năm 2022 nhưng đến nay vẫn không ai liên hệ.
“Ngày xưa người ta có thể mời nhau uống rượu chỉ vì cùng học một trường đại học, thậm chí những người đó chưa từng nói chuyện với nhau. Giờ đây những người bạn thân thiết đi uống rượu cũng chia đều hóa đơn”, bà kể.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.