Văn hóa an toàn Hàng không là gì?

Hiền Vy Thứ tư, ngày 21/01/2015 15:00 PM (GMT+7)
Tại buổi tọa đàm “Văn hóa an toàn hàng không” do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, phối hợp với Cục Hàng không VN và báo Sài Gòn Giải phóng tổ chức chiều ngày 21.01.2015, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Phước Thắng - Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động nâng cao nhận thức về Văn hóa an toàn Hàng không (Cục Hàng không VN) xung quanh vấn đề này…
Bình luận 0

Ông có thể nêu một vài thành tích nổi bật nhất của ngành hàng không trong công tác an toàn giao thông là gì thưa ông?

-Trong thành tích chung đạt được của Ngành Giao thông vận tải về công tác bảo đảm an toàn giao thông; Ngành Hàng không dân dụng Việt Nam có thành tích nổi bật nhất là  đã 17 năm liên tục không để xảy ra tai nạn nghiêm trọng gây thiệt hại về con người. Đây là một trong những thành tựu hết sức quan trọng. Để đạt được thành tích ấy, một trong những giải pháp mà Cục Hàng không Việt Nam triển khai trong những năm vừa qua đó là tổ chức “Cuộc vận động nâng cao nhận thức về Văn hóa an toàn Hàng không giai đoạn 2014 – 2020” nhằm mục đích tiếp tục xây dựng và phát triển nhận thức để trên cơ sở đó hình thành nên Văn hóa an toàn Hàng không, một khía cạnh của Văn hóa an toàn giao thông nói chung nhưng mang ý nghĩa rất đặc thù của Ngành Hàng không nói riêng.

img

Theo ông Văn hóa an toàn Hàng không là gì?

 - Văn hóa an toàn là một quá trình lịch sử tích lũy, hình thành và phát triển. Văn hóa an toàn nằm trong ý thức, cách ứng xử, tinh thần trách nhiệm của mỗi người tham gia giao thông hàng không, vì lợi ích bản thân, vì lợi ích cộng đồng.  Nói đến văn hóa là nói tới nhận thức của mỗi con người, như vậy Văn hóa an toàn Hàng không phải được xây dựng trên cơ sở: Ngành Hàng không gương mẫu, đi đầu nâng cao nhận thức về Văn hóa an toàn Hàng không trong tập thể cán bộ công nhân viên toàn Ngành; xây dựng một môi trường Văn hóa an toàn Hàng không lành mạnh để cho hệ thống bảo đảm an toàn hoạt động tối ưu; trên cơ sở đó lan tỏa Văn hóa an toàn Hàng không cho cộng đồng xã hội.

Văn hóa an toàn Hàng không là một bộ phận không thể tách rời của Văn hóa công sở, văn hóa ứng xử, văn hóa doanh nghiệp theo phương châm 4 xin và 4 luôn.  Chúng ta có thể thấy điều này qua khẩu hiện của ngành quản lý bay thế giới là “An toàn - Điều hòa -Hiệu quả”, trong đó yếu tố an toàn được đặt lên hàng đầu. Đối với ngành hàng không không có khái niệm tăng giảm tỷ lệ tai nạn, bởi vì chỉ một tai nạn tàu bay cũng là đòn giáng khủng khiếp với những hệ lụy vô cùng lớn. Đối với Ngành Hàng không, một tai nạn cũng là quá nhiều là nội dung thứ hai của Văn hóa an toàn Hàng không.

Với những cán bộ quản lý, cũng như tập thể cán bộ công nhân viên trong Ngành Hàng không và đặc biệt là những người trực tiếp làm công tác an toàn hàng không không bao giờ được phép tự mãn, chủ quan với kết quả an toàn đạt được. Mặt khác, nếu vì lý do kinh tế, sự thúc ép về sản lượng khai thác mà giảm nhẹ yếu tố an toàn toàn tất yếu sẽ dẫn đến sự thiệt hại lớn hơn rất nhiều, kể cả sự phá sản và diệt vong.  

img

Ngành hàng không rất coi nặng lỗi hệ thống. Lỗi hệ thống được tính khi vi phạm xảy ra do khiếm khuyết trong việc xây dựng và vận hành hệ thống quản lý an toàn của một đơn vị hoặc trưởng hợp lãnh đạo của đơn vị thờ ơ với những lỗi nhỏ của nhân viên của mình. Điển hình là việc phát hiện ra những khiếm khuyết của hệ thống giám sát an toàn, đảm bảo chất lượng bảo dưỡng của một Hãng hàng không qua đợt thanh tra của Cục HKVN tháng 10/2009; khuyến cáo của Nhà chức trách hàng không Pháp năm 2008 về khả năng xem xét đưa một Hãng hàng không vào danh sách cần tăng cường  kiểm tra chỉ vì hệ thống quản lý của Hãng đã không có hồi âm đối với khuyến cáo về việc tài liệu khai thác trên tàu bay của Hãng khi bay đến Pháp bị thiếu trang vì nhân viên sơ suất không đưa trở lại tàu bay sau khi đem đi làm thủ tục bay. Lỗi của nhân viên thì cá biệt nhưng lỗi của lãnh đạo không phản hồi khuyến cáo là lỗi hệ thống vì trong trường hợp này hệ thống quản lý an toàn không hoạt động. Do vậy, ý thức trách nhiệm đối với công tác bảo đảm an toàn hàng không trước hết phải từ tất cả các cấp lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu đơn vị, là nội dung thứ tư của văn hóa an toàn hàng không.

Đảm bảo an toàn hàng không là một hệ thống. Hiện nay quốc tế đưa hãng hàng không của một quốc gia vào danh sách “đen” về an toàn theo nguyên lý” nếu một hãng hàng không của một quốc gia vi phạm tiêu chuẩn an toàn mang tính hệ thống dẫn tới tai nạn tàu bay có nghĩ là hãng đó chịu sự giám sát yếu kém của Nhà chức trách hàng không của quốc gia đó; Nhà chức trách hàng không của quốc gia đó yếu kém có nghĩa là tất cả các hãng hàng không chịu sự giám sát của Nhà chức trách hàng không đó đều có nguy cơ để xảy ra tai nạn hàng không, kết luận: không chỉ riêng hãng hàng không gây tai nạn mà tất cả các hãng hàng không của quốc gia đó đều bị vào danh sách cấm bay quốc tế. Như vậy, một mình đơn vị ta tốt không đủ mà toàn ngành phải tốt.

Đối với ngành hàng không, chỉ sơ suất nhỏ có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường. Chỉ vì sơ suất không kéo phanh tay khi rời xe xăng dầu có thể không chỉ dừng lại thiệt hại nhiều triệu USD do hòng đọng cơ tàu bay vì bị xe trôi đâm vào, mà có thể dẫn đến cả một thảm họa cháy nổ thảm khốc cho cả sân bay. Sự bất cẩn của nhân viên bảo dưỡng đường băng, lơ đễnh của kiểm soát viên không lưu có thể dẫn ngay đến một vụ uy hiếp an toàn bay nghiêm trọng. Mặt khác, việc xử lý vi phạm trước đây chủ yếu nhằm vào nhân viên trực tiếp gây ra sự cố đã làm phát sinh tâm lý thờ ơ với các sự cố xay ra trong một số cán bộ, nhân viên, đặc biệt là coi thường công tác giám sát nội bộ của đơn vị cung cấp dịch vụ. Có trường hợp nhân viên che giấu sự cố, che giấu tình tiết xảy ra sự cố gây khó khăn cho công tác bình giảng, kết luận nguyên nhân và phòng ngừa sự cố. Không có vi phạm an toàn nào là vi phạm nhỏ, lỗi nhỏ cũng dẫn đến tai nạn thảm khốc là nội dung thứ sáu của văn hóa an toàn hàng không.

Vậy ngành hàng không đã làm gì để “Văn hóa an toàn hàng không” lan tỏa? Công tác tuyên truyền vận động thực hiện “Văn hóa an toàn hàng không” ra sao, thưa ông?

-Văn hóa an toàn Hàng không có sự gắn bó và liên hệ mật thiết với Văn hóa ứng xử, văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp trong Ngành. Để có thể hình thành văn hóa an toàn trong cơ quan, đơn vị luôn đòi hỏi một quá trình tiếp thu và rèn luyện lâu dài. Thực tế để có văn hóa an toàn phụ thuộc chủ yếu vào mỗi cá nhân chứ không phải do chế tài xử lý vi phạm chưa chặt hay luật chưa nghiêm. Việc nâng cao nhận thức, làm chuyển biến ý thức và thay đổi hành vi đối với người lao động góp phần kiềm chế và giảm dần tai nạn, sự cố. Văn hóa an toàn được cụ thể hóa bằng tiêu chí cơ bản như: người lao động phải hiểu biết đầy đủ, đúng các quy định an toàn trong lao động; khi làm việc phải có trách nhiệm với bản thân và với cộng đồng; tôn trọng, nhường nhịn và giúp đỡ người khác. Đồng thời phải có thái độ ứng xử văn minh lịch sự khi xảy ra tai nạn, sự cố, chấp hành xử phạt hành chính trong lĩnh vực hàng không và các khuyến cáo về an toàn…

Có thể nói đảm bảo an toàn hàng không không thể thiếu yếu tố ý thức chấp hành quy định của người dân tại khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay, người sự dụng dịch vụ của Ngành hàng không. Một cánh diều, một sự thâm nhập vô ý thức vào khu bay có thể dẫn đến cả một thảm họa lớn. Một sự tò mò đối với thiết bị cứu nạn, sự vô ý thức, không chấp hành các quy định về an toàn trên tàu bay có thể dẫn đến việc uy hiếp an toàn của cả chuyến bay.

Bên cạnh việc xử lý các trường hợp vi phạm, thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật, công tác dân vận có vai trò đặc biệt quan trọng đối với công tác đảm bảo an toàn hàng không. Việc đẩy mạnh sự ký kết hợp tác giữa các đơn vị cảng hàng không với chính quyền địa phương, tổ dân phố trong thời gian qua; việc phát động phong trào “Em yêu những chuyến bay trên bầu trời quê hương” bắt đầu từ Cảng hàng không Điện Biên năm 2009; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về Văn hóa an toàn Hàng không, các Hội thi, các Chương trình hoạt động xã hội tại địa phương có Cảng hàng không sân bay, tuyên truyền, phổ biến về Văn hóa an toàn Hàng không trên các phương tiện truyền thông đã góp phần không nhỏ trong công tác bảo đảm an toàn Hàng không. Đẩy mạnh công tác dân vận, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục để nâng cao ý thức cộng đồng xã hội về Văn hóa an toàn hàng không là nội dung thứ chín về văn hóa an toàn hàng không.

Như vậy, xây dựng văn hóa an toàn Hàng không là một nhiệm vụ khó khăn, bền bỉ, lâu dài đòi hỏi nỗ lực và quyết tâm rất lớn không những của riêng Ngành hàng không Việt Nam mà còn cả sự chung tay, góp sức của cộng đồng xã hội để Văn hóa an toàn Hàng không thực sự là nền tảng cho sự phát triển bền vững của Ngành Hàng không dân dụng, để Việt Nam luôn là một điểm đến an toàn trong mắt của bạn bè quốc tế.

-Xin cảm ơn ông…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem