Văn hóa thần tượng và những dấu hỏi phía sau cơn sốt dành cho các "Anh trai"
Văn hóa thần tượng và những dấu hỏi phía sau cơn sốt dành cho các "Anh trai"
Ma Khánh Yến
Thứ bảy, ngày 14/12/2024 14:30 PM (GMT+7)
Anh trai say hi và Anh trai vượt ngàn chông gai đang là hai hiện tượng văn hóa nổi bật của năm nay, định nghĩa lại "văn hóa thần tượng" của giới trẻ Việt Nam. Văn hóa thần tượng mang lại nhiều điều tích cực nhưng cũng ẩn chứa những dấu hỏi của "bất ổn" đi theo nó.
Nguyễn Ngọc Bảo Châu (24 tuổi, TP.HCM) đặt chân tới Hà Nội vào tối 5/12, dành toàn bộ những ngày nghỉ phép cuối cùng trong năm cho hai concert Anh trai say hi vào ngày 7 và 9/12. Không chỉ tham dự đêm nhạc, cô còn hào phóng chi tiền mua 80 suất kem và 100 chiếc card bo góc cho những người cùng fandom (cộng đồng người hâm mộ) ca sĩ cô yêu thích.
"Chương trình đã "cứu rỗi" tôi sau chuỗi ngày chán nản, trầm cảm vì công việc. Bởi vậy, chút hành động nhỏ này không có gì đang nói" – cô tâm sự.
Hòa cùng hàng chục ngàn khán giả tới SVĐ Mỹ Đình (Hà Nội), Bảo Châu góp phần tạo nên thành công của concert Anh trai say hi – một trong những sự kiện văn hóa được nhắc tới nhiều nhất trong năm 2024 cùng với concert Anh trai vượt ngàn chông gai. Cô cũng đại diện cho một thế hệ người hâm mộ mới - những người có đủ điền kiện tài chính và mạnh tay chi tiền cho thần tượng.
Những ngày qua, tôi đã gặp và trò chuyện với nhiều người hâm mộ như Bảo Châu. Họ góp phần tạo nên fandom economy (nền kinh tế từ cộng đồng người hâm mộ) - vốn là khái niệm đã tồn tại hàng chục năm qua tại các nền giải trí châu Á.
Tại đó, các nhà sản xuất tạo ra một hệ sinh thái xoay quanh những người hâm mộ (album, vé concert, các dịch vụ liên quan như thời trang, du lịch, quảng cáo...), khuyến khích họ tham gia vào các hoạt động quảng bá, ủng hộ nghệ sĩ. Sự vững mạnh của các cộng đồng này trở thành "xương sống", tạo thành công bền vững/đột phá, thu về hàng triệu đô la cho các hoạt động của ngành công nghiệp biểu diễn.
Mới đây, chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới The Eras Tour của nữ ca sĩ Taylor Swift kết thúc sau 150 ngày, thu về tổng cộng hơn 2,077 tỷ USD (tương đương hơn 52.231 tỷ VND), chỉ riêng tiền bán vé. Vâng, chính xác là hơn 2 tỷ USD, tôi không nói nhầm.
Trước đó, concert Born Pink của nhóm nhạc thần tượng Hàn Quốc Blackpink cũng mang lại hơn 331,8 triệu USD (khoảng 8.400 tỷ VND) cho công ty quản lý. Những con số trên cho thấy sức mạnh khủng khiếp của một ngành công nghiệp không khói, khi những người tiêu dùng (fan) sẵn sàng "móc hầu bao".
Tại Việt Nam, các fandom góp phần tạo nên bức tranh đẹp đẽ tại concert Anh trai say hi, Anh trai vượt ngàn chông gai những ngày qua, khi chỉ cần nhìn vào đó, ta thấy ngay sắc màu của một ngày hội văn hóa. Nhà sản xuất đầu tư các tiết mục bắt mắt, hoành tráng để chinh phục khán giả, nghệ sĩ chuyên nghiệp trong việc biểu diễn, tương tác với fan.
Trong khi đó, người hâm mộ sẵn sàng bỏ tiền để tạo nên những food truck, bảng biển cho thần tượng. Họ cũng chủ động make-up, làm tóc, diện trang phục đẹp đẽ cho chính mình, biến SVĐ Mỹ Đình thành một sự kiện thời trang – âm nhạc quy mô lớn.
"Người hâm mộ Việt Nam đã thay đổi" – Phương Anh (người từng tổ tham gia tổ chức một số concert quốc tế) nói vậy khi trò chuyện với tôi. Trước đó, khi làm việc với các đối tác nước ngoài, cô từng bắt gặp sự ngại ngần của họ khi đánh giá thị trường Việt. Họ nhận định người hâm mộ nước ta ngại chi tiền cho các sản phẩm văn hóa, giới phụ huynh cũng có phần khắt khe. Giờ đây, mọi thứ đã hoàn toàn thay đổi.
Người hâm mộ các nhóm nhạc Hàn Quốc từng bị đám đông chỉ trích khi chờ đợi thần tượng suốt đêm. Giờ đây, rất ít người chế giễu các fan dậy từ 5h sáng xếp hàng ở SVĐ Mỹ Đình. Nhiều gia đình tự hào khi săn được vé các show Anh trai cho con. Không ít bậc cha mẹ đưa con từ Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hòa Bình tới xem thần tượng biểu diễn. Nguyễn Mai Hoa (47 tuổi, Hà Nội) nói với tôi: "Lần đầu tiên chị nói chuyện được với con 30 phút sau nhiều năm qua, chỉ vì hai mẹ con cùng xem chung một chương trình truyền hình thực tế".
Những năm qua, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra các tác động tích cực của cộng đồng người hâm mộ đến sức khỏe tinh thần của con người, đặc biệt là giới trẻ. Tại các fandom, những thanh thiếu niên dễ dàng trở thành một phần của những trải nghiệm tập thể bằng cách chia sẻ các sự kiện và hoạt động liên quan đến những gì họ thích thú. Dù là một ca khúc, bộ phim, một chương trình truyền hình thực tế, họ đều có cảm giác kết nối sâu sắc với những tâm hồn đồng điệu.
Trong một xã hội mà con người ngày càng có xu hướng dễ rơi vào trạng thái cô độc, lạc lõng, fandom tạo nên một thứ kết nối đặc biệt, mở ra nhiều quan hệ bền vững, dẫn tới những kết nối thú vị khác.
Thần tượng một người cũng góp phần thúc đẩy những khát khao trong cuộc đời con người. Từ việc ngưỡng mộ thành quả của ngôi sao, fan có xu hướng bắt chước, noi gương họ, từ đó xây nên những ước mơ, hoài bão riêng của chính mình.
Thế nhưng, văn hóa thần tượng cũng ẩn chứa những "hiểm nguy" và thực tế nhiều năm nay luôn gây ra tranh cãi. Tại Trung Quốc, nhiều ý kiến cho rằng nền kinh tế fandom gây lãng phí thời gian, ngày càng tạo ra sự phân cách giàu nghèo.
Bên cạnh đó, với sức mạnh công nghệ và tài chính, cộng đồng người hâm mộ có thể đưa thần tượng lên đầu xếp hạng trong vài giờ nhưng cũng có thể nhanh chóng quay lưng, tạo nên hàng loạt thiệt hại cho nền giải trí. Nhiều sản phẩm được đưa lên đầu các bảng xếp hạng không bởi chất lượng âm nhạc, mà chỉ vì các fandom mạnh, người hâm mộ sẵn sàng "cày" view, bỏ tiền mua phiếu bình chọn. Nghệ sĩ chân chính, ít tham gia gameshow, ít xuất hiện trên mạng xã hội - đôi khi trở nên yếu thế.
Cùng với "cơn sốt" những chương trình Anh trai mang tới nhiều ngày qua, tôi chứng kiến nỗi buồn của một phụ huynh, khi con chị nhất định đòi mua vé đi xem Anh trai say hi, dù gia đình đang đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế.
Trên các diễn đàn, không ít người chỉ trích một fandom do không thể tạo sự kiện chào đón nghệ sĩ trong chương trình như những cộng đồng người hâm mộ khác. Trước đó, một trong các fanpage của chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai cũng từng phải đóng cửa sau khi admin của nhóm hô biến khoản sao kê tiền từ thiện từ 20.000 thành 20 triệu đồng. Một số người điều hành fandom bị lên án vì thiếu minh bạch các khoản tiền đóng góp ủng hộ nghệ sĩ.
Xây dựng cộng đồng người hâm mộ, tạo ra nền kinh tế fandom gần như trở thành một xu hướng tất yếu trong giai đoạn nền công nghiệp biểu diễn bứt phá mạnh mẽ tại Việt Nam.
Thế nhưng, vấn đề đặt ra là làm thế nào để lớp trẻ cân bằng thu nhập của bản thân với việc chi tiêu, mua sắm liên quan tới thần tượng? Chia sẻ ra sao để họ không "kiễng chân" cho "bằng bạn bằng bè", thậm chí đặt sức ép lên người thân xung quanh mình – đặc biệt là những người lao động vốn nhiều vất vả? Những người hâm mộ có điều kiện tài chính eo hẹp liệu có trở nên lạc lõng ngay giữa fandom của họ?
Điều này sẽ là bài toán không dễ dàng cho những bậc phụ huynh, cả những người làm truyền thông và giáo dục trong thời đại công nghiệp văn hóa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.