Đổi mới như mở cửa
Diễn ra trong suốt cả ngày hôm qua, hội thảo quốc gia với chủ đề “Sáng tác văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới: Thực trạng và triển vọng” được Viện Văn học chuẩn bị hết sức công phu. Đã có 72 tham luận của các đại biểu từ khắp mọi miền trong cả nước gửi về và Ban tổ chức đã chọn ra 20 tham luận để trình bày tại cuộc hội thảo.
Một số tác phẩm văn chương đang ăn khách trên thị trường hiện nay. Ảnh: N.A
Có thể nói từ sau thời kỳ Đổi mới, gần 30 năm đã qua, đủ để tất cả có thời gian nhìn lại khuôn mặt của văn chương Việt Nam trong suốt một giai đoạn đặc biệt của lịch sử. PGS - TS Nguyễn Đăng Điệp- Viện trưởng Viện Văn học đặt câu hỏi: “Từ sau cái mốc của công cuộc Đổi mới năm 1986, văn học Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ văn học thế giới, chúng ta đã góp thêm gì để làm giàu có hơn di sản tinh thần của nhân loại? Chính vì vậy mà cuộc hội thảo lần này đặc biệt coi trọng và muốn lắng nghe ý kiến của nhà văn, về quan niệm cầm bút cũng như những trăn trở, khát vọng sáng tạo của họ”.
Nhà thơ Vũ Quần Phương đã đặt tên cho bản tham luận của ông là “Đổi mới như mở cửa”, ông bày tỏ nỗi băn khoăn của việc từ sau năm 1975, nền văn chương không còn phải đấu tranh định hướng nữa, đất nước đã liền thành một dải, nhưng văn chương về với văn chương thế nào đây? Nhà thơ lo ngại: “Chúng ta có văn chương và có cả rác rưởi, rác văn chương đang hơi nhiều, rác phá nhà văn, phá độc giả, tấn công cả ban giám khảo nhưng chưa thấy ai lo dọn rác. Bên cạnh đó, việc định giá lại tác phẩm và đánh giá lại tác giả rất cần dù sẽ chạm vào nỗi đau nhưng chúng ta buộc phải minh oan cho người viết, khôi phục lại giá trị văn chương trước cách mạng”.
Các tham luận của GS Phong Lê, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, GS Trần Ngọc Vương đều là những ý kiến rất đáng chú ý khi tập trung vào phân tích con đường mà nhiều nhà văn lựa chọn hiện nay. GS Phong Lê thì cho rằng, nhiều cây bút đã chọn “cái khác” chứ không phải là “cái hơn” vì chỉ cần khác người đã được coi là thành công cho dù lập dị. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thì kể câu chuyện của chính ông, rằng từ khi đổi mới, ông đã viết về những điều bình thường trong cuộc sống, như vui buồn, yêu ghét... và đó chính là “đạo”. GS Trần Ngọc Vương thì lấy dẫn chứng về cuốn sách “Đạo mộ bút ký” của văn học Trung Quốc đã bịa đặt trắng trợn rằng người Trung Quốc đã có mặt ở Hoàng Sa, Trường Sa từ đời Tống, Nguyên, Minh. Theo ông, đó là một khoảng trống trong văn học Việt Nam hiện nay mà nhiều nhà văn đang bỏ ngỏ, mảng đề tài lịch sử, khẳng định chủ quyền Tổ quốc và dân tộc đang không có nhiều tác phẩm lớn.
Văn học thị trường gây tranh cãi
Quan điểm
TS Vũ Ngọc Hoàng- Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương
Chức năng của văn học phải là khai hoá văn minh, mở đường và chỉ đường, phải làm cho con người tự do, phát triển. Nhà văn phải xác định vấn đề nhạy cảm để xông vào chứ không được né tránh, vì vậy cần có nhưng người có tư tưởng lớn, tâm huyết thiết tha, và đừng quy chụp họ”.
PGS - TS Võ Văn Nhơn đến từ Trường ĐH KHXHNV TP.HCM cho biết: “Có rất nhiều người lo ngại về dòng “văn học thị trường” với mỗi cuốn bán vài chục vạn bản, có thông kê cho biết, từ năm 1995-2009, 3 nhà xuất bản chuyên dòng sách này đã xuất bản khoảng 60% số lượng sách tại TP.HCM. Có nhiều người e ngại, phân vân và cho rằng đó là sự xuống cấp của văn hoá đọc. Đặc điểm của “văn học thị trường” hiện nay chủ yếu dành cho những người trẻ, người viết trẻ, người đọc trẻ. Ví dụ sách của tác giả Anh Khang, cuốn “Buồn làm sao buông” bán 40.000 bản nhưng chính cây viết này không dám nhận mình là nhà văn. Nội dung của các tác phẩm dòng này sáo mòn, đơn giản, đề tài tình yêu, xa rời thực tế, đó là kết quả của việc nhập khẩu văn học ngôn tình ồ ạt vào Việt Nam”.
Nhà nghiên cứu trẻ Quách Thu Huyền đã nêu quan điểm: “Không nên đánh giá thấp văn học thị trường, tôi tự hỏi không hiểu xếp “văn học thị trường” và văn học bác học theo tiêu chí nào. Khi nhà văn viết tác phẩm thì nhu cầu lớn nhất là đối thoại với độc giả, muốn bán sách. Được công chúng đón nhận thì thành công, không đón nhận thì thất bại. Quyết định dừng đăng ký xuất bản truyện ngôn tình vừa rồi không hề được lòng độc giả trẻ. Tại sao phải can thiệp vào thị trường, nếu là tác phẩm có giá trị thì hôm nay người ta cần, mai người ta quên. Theo tôi đó là nhu cầu của độc giả, không phải là chuyện của các nhà quản lý”.
Ý kiến của GS Đoàn Lê Giang, các nhà nghiên cứu như Nguyễn Thanh Tâm, Thiên Sơn cũng có phần đồng tình với quan điểm không nên can thiệp vào việc xuất bản như là một cách giải quyết cái ngọn. Rất nhiều tác phẩm dễ dãi đã biến mất rất nhanh bởi chúng sẽ phải tuân theo quy luật đào thải, vấn đề là phải tập trung xây dựng thị hiếu thẩm mỹ cho độc giả trẻ.
Nhà thơ Vi Thùy Linh nêu một ý kiến rất đáng chú ý: “Văn học đã mở cửa nhưng rất ít nhà văn dám là mình, dám sáng tác solo mà chỉ đi đồng bước trong dàn đồng ca. Rất ít người dám đổi mới bởi lệ thuộc vào các cơ chế xin cấp phép xuất bản.
Tôi xin hỏi như trường hợp của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thì chúng ta xếp vào đâu? Sách của ông luôn luôn bán chạy nhất, bản thảo chưa có nhưng nhà xuất bản đã đặt trước tiền, vậy ông có phải nhà văn thị trường hay không? Các nhà văn phải đổi mới mình, thị trường đang sôi động ngoài kia nên các nhà văn cần phải xung kích, náo động, quyến rũ và bớt hèn nhát hơn”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.