|
Để giải bài toán thiếu điện, cần có nhiều giải pháp đồng bộ. |
Giá điện nhiều bất cập
Đại diện ngành điện, ông Đặng Hoàng An - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN ) cho rằng, vấn đề mấu chốt là giá điện hiện nay không đảm bảo giá trị kinh tế, do đó dẫn đến hệ lụy: Khó thu hút đầu tư và không tạo ra động lực để tiết kiệm năng lượng.
Đại diện Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia cho biết, lưới điện quốc gia hiện chỉ đáp ứng công suất nguồn điện, chưa có dự phòng, trong nhiều thời điểm, hệ thống vận hành trong tình trạng đầy tải và quá tải cục bộ, việc đầu tư của doanh nghiệp gặp khó khăn vì vốn đầu tư lớn, khó khăn về quỹ đất, mặt bằng, tư vấn, năng lực quản lý dự án, năng lực nhà thầu, thiết bị đồng bộ.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, tăng giá điện không phải là lời giải cho bài toán về thiếu điện hiện nay mà ở nhiều yếu tố khác. Để giải bài toán năng lượng điện, cần có cách tiếp cận đồng bộ cả từ phía cung, phía cầu, cũng như giá điện và cả thể chế quản lý. Riêng nguồn cung điện của chúng ta vẫn phát triển liên tục mà không đủ cho cầu nên phải mua điện ở nước ngoài.
Phải cải tổ hệ thống điện
Theo TS Nguyễn Quang A, việc cải tổ hệ thống điện tuy là việc phức tạp nhưng đây là cách chữa bệnh tận gốc vấn đề giá cả, tình trạng thiếu điện và là việc không thể trì hoãn.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, tăng giá điện không phải là lời giải cho bài toán về thiếu điện hiện nay mà ở nhiều yếu tố khác.
TS Nguyễn Quang A nhận định, cần phải tổ chức hệ thống điện dựa trên nguyên tắc: Phân rã hệ thống điện thành 5 bộ phận: Các nhà sản xuất là các nhà máy điện; hệ thống truyền tải điện quốc gia; các hệ thống bán lẻ điện; các tổ chức mua bán điện trung gian và các hộ tiêu dùng điện.
Hệ thống này vận hành theo phương thức sau: Các tổ chức phát điện hoạt động theo cơ chế thị trường có thể bán điện cho nhiều người mua; Hệ thống truyền tải điện quốc gia hoạt động như một công ty công ích do nhà nước sở hữu. Nhiều nhà bán lẻ hoặc bán buôn hoạt động một cách độc lập tại các khu vực địa lý khác nhau và có thể cạnh tranh với nhau để mở rộng hay thâu tóm địa bàn và khách hàng.
TS Vũ Đình Ánh cũng cho rằng, thị trường điện chỉ thật sự hình thành khi chúng ta thiết lập được thị trường: Phát điện; phân phối điện; tiêu thụ điện. Riêng bộ phận truyền tải điện phải giao cho cơ quan hay doanh nghiệp công ích phi lợi nhuận quản lý, tách hẳn với doanh nghiệp hoạt động vì lợi nhuận. “Khi đã hình thành được thị trường đủ yếu tố trên mới có thể vận hành quản lý giá điện theo cơ chế thị trường được” - TS Vũ Đình Ánh nói.
Thanh Xuân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.