Vẫn sợ nông dân thất nghiệp khi đầu tư nông nghiệp công nghệ cao

Hoàng Thắng Thứ tư, ngày 10/05/2017 18:35 PM (GMT+7)
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi phù hợp, đem lại hiệu quả cao về kinh tế. Song việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) hiện vẫn gặp nhiều khó khăn.
Bình luận 0

Trong khuôn khổ hội nghị giao ban khoa học và công nghệ các tỉnh, thành phố vùng ĐBSH lần thứ 11 diễn ra tại Ninh Bình, một số doanh nghiệp đã chia sẻ khó khăn khi đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.

Muốn sản xuất nhưng thiếu đất

img

Nhiều doanh nghiệp mong muốn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao những vẫn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: H.T

Cần có quy hoạch, phát triển những vùng nguyên liệu rau quả đồng bộ, rộng lớn. Rất mong các cơ quan chức năng hỗ trợ nghiên cứu, xây dựng các trung tâm kiểm nghiệm thuốc bảo vệ thực vật, an toàn thực phẩm ở các tỉnh, gắn liền với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu”.

Ông Phạm Ngọc Thành - Giám đốc kinh doanh Công ty CP
Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao

Là doanh nghiệp có mối liên kết tốt với nhiều hợp tác xã, nông dân song Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình) vẫn đang phải đối mặt với khó khăn về kiểm soát chất lượng sản phẩm và quy hoạch phát triển nguồn nguyên liệu.

Ông Phạm Ngọc Thành - Giám đốc kinh doanh cho biết 3.000ha đất do UBND tỉnh Ninh Bình giao, đã được công ty sử dụng để xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu dứa ứng dụng công nghệ cao, chiếm gần 40% diện tích đất sản xuất của công ty. Hơn 60% đất sản xuất còn lại, công ty phải thuê, tổ chức sản xuất bên ngoài. Điều này khiến vùng nguyên liệu và việc sản xuất trở nên nhỏ lẻ, chất lượng sản phẩm không đồng đều.

Ông Thành chia sẻ: “Sản xuất thực hiện không theo quy hoạch nên việc quản lý, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng rất khó khăn. Ngoài ra, công tác bố trí nguồn lực sản xuất không tập trung nên dễ xảy ra tình trạng nguồn cung thay đổi gây nên khủng hoảng thiếu hoặc khủng hoảng thừa. Nếu sở hữu một diện tích đất lớn, việc chúng tôi áp dụng khoa học công nghệ sẽ rất dễ dàng. Ngược lại, quá trình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất sẽ rất khó khăn. Điều này làm tăng chi phí sản xuất, gây khó khăn cho việc quản lý chất lượng an toàn thực phẩm”.

Lấy ví dụ về quá trình sản xuất rau chân vịt. Ông Thành chia sẻ, dù công ty đã chuyển giao kỹ thuật, công nghệ sản xuất cho nông dân. Song do diện tích sản xuất phân tán nên khó quản lý, bà con nông dân vẫn phun trộm các loại thuốc bảo quản. “Kết quả là sau khi thu hoạch, công ty phải bỏ hàng chục tấn rau vì chúng đã bị phun thuốc, chi phí hao tổn rất lớn. Bên cạnh đó, chúng tôi phải đối mặt với nguy cơ bị phá hợp đồng. Khi thấy có người trả giá cao hơn, bà con sẵn sàng bỏ qua doanh nghiệp từng đầu tư cho mình, giúp mình tiêu thụ sản phẩm khi giá cả không ổn định” - ông Thành cho hay.

img

Địa phương sợ nông dân thất nghiệp

Ông Vũ Trọng Nghĩa – Giám đốc Công ty CP TM&ĐT Biển Đông cũng chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Đầu tiên là sự phân vân của địa phương khi áp dụng công nghệ cao vào sản xuất. Theo ý kiến của địa phương, việc đưa công nghệ cao vào sản xuất sẽ dẫn đến nhiều lao động thất nghiệp.

Ông Nghĩa cho hay: “Công suất nhà máy của chúng tôi hiện nay có thể xẻ thịt  250 - 300 con lợn nặng từ 90 - 120kg trong vòng 1 giờ. Như vậy, chỉ trong 4 giờ đã có thể xẻ thịt được 1.000 con lợn, song chỉ cần có 12 người thôi. Khi giải trình với huyện Hải Hậu (Nam Định), họ nói rằng việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nghĩa là không cần nhiều người làm, không giải quyết được vấn đề lao động. Đây là nghịch lý với doanh nghiệp vì nếu không đầu tư công nghệ sẽ thất bại, còn đầu tư chưa chắc đã được ủng hộ”.

img

Ngoài ra, ông Nghĩa cũng chỉ ra nhiều chính sách chưa phù hợp để doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận, đầu tư cho nông nghiệp, ví dụ yêu cầu công ty phải thể hiện được tính khoa học cao nếu muốn tiếp cận, hỗ trợ các công nghệ mới. “Việc có một phát minh mang tính khoa học cao đối với nhà khoa học cũng không dễ dàng chứ chưa nói đến doanh nghiệp” - ông Nghĩa nói.

Ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Công Tạc cho rằng việc chỉ ra khó khăn sẽ giúp bộ, ban, ngành xác định được định hướng cơ bản để hoạt động khoa học và công nghệ của địa phương có trọng tâm, trọng điểm, đạt được hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Trên thực tế, hiện chỉ có 1% tổng số doanh nghiệp trên cả nước đầu tư vào nông nghiệp, trong đó 60% là doanh nghiệp nhỏ. Ông Tạc cho rằng con số này là quá nhỏ bé. “Chúng ta không chỉ thực hiện liên kết 4 nhà mà phải đẩy mạnh liên kết 5 nhà. Các nhà quản lý, nhà đầu tư, nhà nông, nhà khoa học và nhà băng phải kết nối chặt chẽ với nhau” - ông Tạc nói. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem