Tại Hà Nội, vàng miếng hiệu rồng Thăng Long của công ty Bảo Tín Minh Châu lúc 11 giờ 15 mua vào 37,09 triệu đồng/lượng, bán ra 37,20 triệu đồng/lượng, tăng lần lượt là 150.000 đồng và 140.000 đồng/lượng so giá đóng cửa ngày 14.4.
Trên thị trường thành phố Hồ Chí Minh, vàng SJC của công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn lúc 10 giờ 31 mua vào 37,13 triệu đồng/lượng, bán ra 37,20 triệu đồng/lượng, tăng 150.000 đồng/lượng trên cả giá mua và giá bán so với cuối ngày hôm qua.
Tỷ giá bình quân liên ngân hàng do ngân hàng nhà nước công bố hôm nay (15.4) là 20,723, tăng 5 đồng so với hôm qua. Tỷ giá giao dịch của ngân hàng thương mại cũng tăng trở lại mức 20,925 – 20,930 (mua vào – bán ra).
Giá vàng thế giới sáng nay lại leo lên mức kỷ lục mới: 1.478,32 USD/Oz, ghi được trong phiên giao dịch đầu ngày tại thị trường Singapore. Tuy nhiên, áp lực chốt lời ngắn hạn đã đẩy giá giảm trở lại, với giá vàng giao ngay trên biểu đồ 24 giờ của Kitco lúc 11 giờ đạt 1.473,50 USD/Oz.
Đồng USD giảm mạnh, cùng mối quan ngại về tình hình lạm phát trên thế giới, vẫn là những nguyên nhân chính đẩy giá kim loại quý tăng phi mã. Giá bạc cũng chạm mức cao nhất trong 31 năm, giữa lúc nhiều ngân hàng trung ương lớn bắt đầu thực hiện các biện pháp như nâng lãi suất cho vay cơ bản để ngăn chặn lạm phát leo thang.
Từ đầu tháng 10.2010 đến nay, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã bốn lần nâng lãi suất. Tuần trước, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cũng nâng lãi suất cho vay qua đêm lần đầu tiên sau gần ba năm. Động thái này khiến giới chuyên môn dự đoán Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) cũng sẽ “nối gót” ECB để nâng lãi suất cho vay, quay về chính sách thắt chặt tiền tệ.
Sự mất giá của đồng bạc xanh đã đẩy nhiều loại hàng hóa tăng. Các chính khách Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi hôm qua đã bày tỏ mối lo ngại xung quanh làn sóng tăng giá mạnh mẽ của hàng hóa có thể đe dọa khả năng hồi phục của kinh tế toàn cầu.
Thúy Yên
Vui lòng nhập nội dung bình luận.