Đông đảo người dân rút tiền tại các cây ATM trên đường Phan Văn Trị, Quận Gò Vấp, TP.HCM. (Ảnh: Quốc Hải)
“Vật vã” chờ ATM… nhả tiền
Trưa 21/1 (27 Tết), nhiều máy ATM ở các tuyến đường Nguyễn Thái Sơn, Nguyễn Oanh, Quang Trung… (Q.Gò Vấp) trong tình trạng “chết đứng”. Chị Nguyễn Thị Mi Lan (27 tuổi, ngụ P.5, Q.Gò Vấp) toát mồ hôi tìm chỗ rút tiền ATM. Chị than thở: “Tại điểm ATM nằm trong khuôn viên siêu thị Co.opmart Phan Văn Trị (Q.Gò Vấp) có 4 máy thì hết 2 máy không rút được tiền. Do chỉ có 2 máy hoạt động, người chờ quá đông nên tôi đành bỏ cuộc xếp hàng đi kiếm máy khác”.
Chạy đến đường Quang Trung, 2 máy ATM của ngân hàng MB thì một máy không phục vụ, một máy vẫn hoạt động nhưng khi đút thẻ vào dù rút 1 triệu đồng, máy vẫn báo số tiền rút quá hạn mức.
“Tôi không rút tiền ngày cuối tuần vì đoán sẽ có nhiều người rút, nên chờ đầu tuần với hy vọng ít người hơn, các ngân hàng làm việc thì máy ATM sẽ xuyên suốt hơn. Ai ngờ lại phải chạy vòng vo mà vẫn không rút được tiền”, chị Mi Lan bức xúc.
Cây ATM của Ngân hàng Vietcombank báo lỗi (Ảnh: Quốc Hải)
Cây ATM của DongABank cũng... "chết máy"
Cũng gặp tình trạng tương tự, anh Phan Minh Thành (Q.12) cũng bở hơi tai chạy dọc các tuyến đường Nguyễn Oanh, Phan Văn Trị… mới đến được điểm rút tiền ATM của BIDV… có tiền nằm trên đường Nguyễn Thái Sơn.
“Có trụ ATM hỏng, ATM hết tiền, có máy rút toàn tiền mệnh giá 50.000 đồng nên tôi phải đi nhiều máy ATM mới gom đủ số tiền cần. Chỉ chục triệu thôi mà mất hết gần ngày công làm”, anh Thành bực bội.
Trong khi đó, những người cần rút vài chục triệu tiêu tết chọn phương án vào ngân hàng giao dịch, tuy nhiên, lượng người quá đông khiến việc giao dịch cụng trở nên chậm chạp, tốn thời gian. Chị Hoàng Oanh (Q.Phú Nhuận) nói: “Tôi đến một ngân hàng có trụ sở trên đường Phan Đăng Lưu, lấy số thứ tự thì tới số gần 800 trong khi bảng điện tử mới nhảy tới số 300. Ngồi chờ hơn 40 phút nhưng vẫn chưa đến lượt nên tôi đành bỏ ra ngoài tìm các ATM rút gom gom lại, nhưng nhiều ATM của ngân hàng này trên đường Phan Đăng Lưu, Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận), Nơ Trang Long (Q.Bình Thạnh),… cũng báo lỗi nên để rút được tiền cũng mất cả buổi sáng”.
BIDV là ngân hàng có khá nhiều cây ATM bị "chết đứng" những ngày giáp Tết. (Ảnh: Quốc Hải)
Tại các KCX-KCN như Tân Bình (Q.Tân Bình), Vĩnh Lộc (Q.12)..., tình trạng ATM bị nghẽn còn cao hơn, do các khu vực này tập trung đông công nhân.
Chị Nguyệt, công nhân tại KCN Tân Bình cho biết: “Tôi tranh thủ ngày hôm nay trống ca buổi sáng đi rút tiền, ai dè nhiều trụ ATM trong các tuyến đường nội bộ ở đây cứ thấy báo lỗi giao dịch, một số thì báo rút vượt hạn mức dù tôi rút mỗi lượt có 2 triệu đồng. Sau cùng, tại cây ATM của ngân hàng BIDV rút được tiền thì cứ bắt chia nhỏ ra rút 1 triệu đồng/lượt mới được, nhưng toàn tiền mệnh giá 50.000 đồng. Rút có 6-7 triệu đồng mà thao tác mất gần 20 phút”.
Chủ động chống nghẽn, nhưng…
Tại cuộc họp tổng kết năm 2019 và triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2020 mới đây, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM, đã khẳng định: “Với khoảng 4.120 máy ATM, 80.000 máy POS và các giải pháp đang được triển khai, trên địa bàn TP.HCM khó xảy ra tình trạng tắc nghẽn lớn đối với các điểm ATM. Tuy nhiên, khả năng xảy ra sự cố kỹ thuật hoặc tắc nghẽn cục bộ lúc cao điểm vẫn có thể xảy ra, nhưng thường là đối với những ngân hàng không có sự đầu tư nâng cấp hệ thống ATM”.
Tuy nhiên, ông Minh cũng thừa nhận: Nhu cầu tiền lẻ trong dịp Tết rất lớn, chỉ tính riêng tháng cận Tết, NHNN Chi nhánh TP.HCM đã chi ra lượng tiền gấp 3 - 4 lần so với các tháng bình thường.
“Điều đáng mừng là xu hướng ngân hàng số và thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian gần đây đã giúp TP.HCM giảm tải khoảng 15-17% nhu cầu sử dụng tiền lẻ, tiền mặt và nhu cầu rút tiền tại các ATM. Thế nên, chúng tôi đang khuyến khích các điểm ăn uống, vui chơi giải trí… dịp tết nên đẩy mạnh các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt”, ông Minh nói thêm.
Dòng người xếp hàng chờ rút tiền những ngày giáp Tết.
Theo Phó Giám đốc một NHTM tại TP.HCM: “ATM dịp Tết, đặc biệt ở các KCX-KCN không bị nghẽn… mới lạ”.
“Thử nghĩ xem, công nghệ nào đáp ứng nổi cả nghìn người đứng xếp hàng mà rút tiền cùng một thời điểm? Vì vậy, nếu có thể, chúng tôi sẽ không đầu tư xây dựng ATM ở các KCX-KCN vì chi phí đầu tư cao mà không hiệu quả. Theo đó, chúng tôi có thể đề ra các giải pháp thiết thực hơn, chẳng hạn như bố trí cán bộ tới tận các khu chế xuất, khu công nghiệp và các doanh nghiệp có đông công nhân để trả lương, thưởng trực tiếp bằng tiền mặt nếu công nhân có nhu cầu. Tuy nhiên, về lâu dài vẫn là triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt thì mới giải quyết được bài toán ATM quá tải dịp Tết”, vị này nói.
Nhiều người tranh thủ buổi tối ra cây ATM để rút tiền. (Ảnh: Quốc Hải)
Để giải quyết bài toán ATM hay “nghẽn” mạng dịp tết, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, trước dịp Tết Nguyên đán 2020, đơn vị đã chỉ đạo các NHTM trên địa bàn tăng cường phối hợp với các Ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp để triển khai biện pháp giảm tải cho hệ thống ATM.
Theo ông Minh, hiện NHNN chi nhánh TP.HCM đang tổng hợp danh sách cập nhật các doanh nghiệp chi trả lương thưởng Tết từ các Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất để phối hợp với các NHTM hỗ trợ chi trả bằng tiền mặt trực tiếp cho công nhân, tạo thuận lợi cho họ mua sắm và về quê đón Tết. Đồng thời, yêu cầu các ngân hàng phải có cán bộ kỹ thuật trực thường xuyên để kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra. Bộ phận tiếp quỹ cũng phải trực liên tục, kể cả đêm Giao thừa và ngày mùng 1 Tết để tiếp quỹ kịp thời không để cho các ATM thiếu tiền khi có đông người đến rút.
Chờ tới lượt rút tiền...
Cùng với đó, các NHTM phải có chế độ bảo vệ an ninh cho các máy camera để tránh trường hợp trộm cướp có thể xảy ra, cũng như đảm bảo an toàn cho khách hàng khi đến rút tiền tại các điểm ATM.
Đặc biệt, bên cạnh việc thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng các máy ATM, các ngân hàng cũng tăng cường công tác bảo mật, an ninh đối với các giao dịch số; cảnh báo đến người dùng các trường hợp lừa đảo có thể xảy ra… đảm bảo cho hoạt động thanh toán diễn ra an toàn và thông suốt trong dịp Tết. Bởi lẽ, thời điểm cận Tết luôn là thời điểm khách hàng có nhu cầu giao dịch tăng cao đột biến, đặc biệt là các giao dịch mua sắm trực tuyến. Đây cũng là thời điểm mà các hoạt động gian lận, lừa đảo tài chính diễn ra phức tạp với các thủ đoạn ngày càng tinh vi…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.