Vay ngang hàng, quản thế nào?

  An Nhiên Thứ bảy, ngày 16/11/2019 14:38 PM (GMT+7)
Đánh mạnh vào tín dụng tiêu dùng, hình thức vay ngang hàng (P2P) ngày càng nở rộ. Tuy nhiên, việc chưa được kiểm soát chặt khiến hình thức này đang có nhiều “biến tướng” nguy hiểm cho cả người cho vay lẫn đi vay… Mới đây, Cục Cảnh sát hình sự (C02, Bộ Công an) phối hợp với Công an TP.HCM điều tra vụ án “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” do các đối tượng người Trung Quốc cùng đồng bọn thực hiện tại địa bàn TP.HCM và nhiều địa phương khác trong cả nước.
Bình luận 0

Lãi suất “cắt cổ” tới 1.600%/năm

Theo điều tra, đầu tháng 4, Jiang Miao và Niu Li Li (đều quốc tịch Trung Quốc), chủ Công ty Vinfin tạo ra các ứng dụng (app) mang tên “Vaytocdo”, “Moreloan”, “VD Online” chạy trên smartphone để cho khách vay tiền. Khi khách có nhu cầu vay tiền, phải tải 1 trong 3 ứng dụng trên về máy, khi hoàn tất việc đăng ký, hồ sơ vay tiền sẽ do nhân viên Công ty Vinfin thẩm định. Nếu người vay thỏa mãn đầy đủ điều kiện vay tiền, hệ thống tài khoản của Công ty Vinfin sẽ tự động chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của người vay. Tùy hình thức cho vay, khách hàng có thể được vay từ 1,7 - 2,75 triệu đồng với mức lãi suất lên đến… 1.600%/năm.

Khi người vay không trả được nợ, nhân viên sẽ liên tục điện thoại đến cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp của người vay để chửi bới, đe dọa với mục đích để những người này nói với người vay trả tiền. Theo kết quả điều tra của cơ quan công an, tính từ khi hoạt động đến lúc bị phát hiện các đối tượng đã thực hiện 60.000 giao dịch cho vay tiền trên cả nước với số tiền khoảng 100 tỷ đồng. Đây chỉ là một trong số hàng loạt hình thức vay ngang hàng “biến tướng” được phát hiện thời gian gần đây.

img

Động lực thúc đẩy cho vay ngang hàng nói riêng và cho vay trực tuyến nói chung trong thời gian tới rất lớn.

Tại Việt Nam, thống kê gần đây cho thấy, có hơn 40 công ty cho vay ngang hàng đang hoạt động, trong đó có 10 công ty có nguồn gốc từ Trung Quốc, Indonesia và Singapore. Trong khi đó, theo thông tin từ một số chuyên gia kinh tế, có từ 60 - 70 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho vay ngang hàng của Trung Quốc đã sang Việt Nam, sau khi mô hình P2P đổ vỡ tại quốc gia này.

Cũng theo các chuyên gia này, cho đến nay, chưa có thống kê nào về quy mô cho vay ngang hàng tại Việt Nam. Tuy nhiên, động lực thúc đẩy cho vay ngang hàng nói riêng và cho vay trực tuyến nói chung trong thời gian tới rất lớn khi tỉ lệ sử dụng internet và smartphone của người Việt, đi cùng nhu cầu tiêu dùng cao…

Hiểu thế nào về P2P?

TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định: “Dù có một vài công ty làm ăn bài bản, làm đúng pháp luật nhưng nhìn chung hình thức vay ngang hàng hiện tại đang tiêu cực, có nhiều biến tướng”. Tại Trung Quốc, theo lời ông Hiếu, mới đây Ngân hàng Trung ương của nước này đã đóng cửa vài chục công ty cho vay ngang hàng ở Thượng Hải vì việc cho vay ngang hàng đã có những biến tướng tiêu cực.

Các công ty cho vay ngang hàng không có chức năng huy động vốn và cũng không được phép cho vay. Tuy nhiên, các công ty này dùng tất cả mạng xã hội để huy động vốn, dùng số tiền này để cho vay. “Việt Nam chưa có quy định cụ thể để quản lý mô hình cho vay ngang hàng. Đây là lỗ hổng pháp lý nên những công ty vay ngang hàng đa cấp đang lợi dụng”, ông Hiếu nói.

Còn theo TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, mô hình vay ngang hàng là một trong hai loại hình chủ đạo của công nghệ Fintech. “Mô hình P2P đầu tiên xuất hiện ở Anh, sau đó lan sang Mỹ, có một công ty P2P của Mỹ đã được niêm yết trên sàn chứng khoán New York. Tất nhiên, đối với các nước phát triển, mô hình này hứa hẹn sẽ tạo ra cạnh tranh mạnh với tín dụng cá nhân do tính tiện lợi. Tuy nhiên, khi mô hình này du nhập sang Trung Quốc và lan sang Việt Nam, lại có nhiều điều nguy hại cho các bên tham gia”, ông Hiển bình luận.

“Cụ thể, mô hình P2P dựa trên sự cho vay rất nhanh bằng phân tích thuật toán big data (dữ liệu xã hội) của người vay để tính điểm, không cần dùng phân tích tín dụng như ngân hàng nên thủ tục cho vay rất nhanh. Nhưng, dữ liệu ở các nước phát triển khá tin cậy bởi đa số người dân đều có lịch sử tín dụng, thanh toán không dùng tiền mặt, làm việc qua các công ty rất rõ… nên phân tích qua Big Data sẽ rất sát. Còn ở Trung Quốc và Việt Nam, dữ liệu chưa nhiều nên những công ty cho vay ngang hàng chắc chắn gánh nợ xấu rất lớn”, ông Hiển phân tích.

Hiện nay, hoạt động của mô hình P2P có hai phần: cho vay và huy động. Nếu không huy động được vốn sẽ không có tiền cho vay. Vì Việt Nam không cho huy động vốn nên mô hình này sử dụng người có vốn sẽ được gọi là nhà đầu tư. Sau đó, công ty P2P làm trung gian để nhà đầu tư đưa tiền vào cho người cần vay. Như vậy, nếu có mất tiền, công ty sẽ không chịu trách nhiệm nên rủi ro thuộc về người cho vay rất lớn vì không kiện được các công ty tổ chức. Đây là dạng thứ nhất. Vì hình thức này không thu hút được nhiều người nên nó biến tướng qua đa cấp là “cam kết lợi nhuận để nhà đầu tư góp tiền vào”, đến lúc nào đó công ty này biến mất. Đây là dạng thứ hai.

(Theo Thế Giới Tiếp Thị)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem