VCBS có quá lạc quan về triển vọng Techcombank trong mối quan hệ tay ba Masan - Techcombank - Vingroup?

14/05/2021 12:52 GMT+7
Chiến lược xoay quanh hệ sinh thái của khách hàng lớn như Masan hay Vingroup sẽ mang lại những cơ hội phát triển đột phá, nhưng, cũng có thể khiến Techcombank gặp khó khăn nếu có xảy ra sự gián đoạn trong hoạt động của các khách hàng lớn, theo VCBS.

Chứng khoán Vietcombank (VCBS) vừa phát hành báo cáo về Techcombank (HoSE: TCB) đề cập đến triển vọng của nhà băng này trong mối quan hệ hợp tác cùng Masan và Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Cơ hội và rủi ro của Techcombank khi xoáy quanh hệ sinh thái của Masan hay Vingroup

Theo VCBS, Techcombank đang kết hợp triển khai dịch vụ tài chính với One Mount Group, Vinmart và Vinshop giúp nâng trải nghiệm khách hàng của TCB trong dài hạn.

Theo đó, ngân hàng đang trong quá trình xây dựng sản phẩm, chiến lược xoay quanh các đối tác lớn Vingroup và Masan.

"Các sản phẩm mới nếu triển khai thành công sẽ giúp TCB tăng độ phủ và trải nghiệm khách hàng", VCBS nhấn mạnh.

Một trong số các sản phẩm Techcombank đang nghiên cứu là việc tích hợp các dịch vụ tài chính tại các của hàng Vinmart và Vinmart+.

Đây là mô hình thành công đã triển khai tại hệ thống gần 12.000 cửa hàng 7-eleven tại Thái Lan với các dịch vụ như thanh toán hóa đơn điện, nước; gửi tiền tiết kiệm, rút tiền, chuyển tiền…

Chiến lược xoay quanh Vingroup và Masan, Techcombank được gì? - Ảnh 1.

Chiến lược xoay quanh các khách hàng lớn như Vingroup và Masan, có thể tăng độ phủ của Techcombank

Theo tìm hiểu, hiện Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang hiện đang sở hữu 20% cổ phần Techcombank (công ty liên kết). Trong kế hoạch được tiết lộ trước đó, Masan và Techcombank cùng nhau biến các cửa hàng bán lẻ hiện đại của VinCommerce thành một nơi vượt ra ngoài phạm vi của các cửa hàng nhu yếu phẩm thông thường. Theo đó, bắt đầu từ năm nay, VinMart (tương lai là WinMart) sẽ triển khai các dịch vụ tài chính do Techcombank cung cấp, ít nhất trên 50% số cửa hàng.

"Cú bắt tay" giữa Masan và Techcombank hướng đến hơn 2 tỷ USD CASA (tiền gửi không kỳ hạn) từ 50 triệu khách hàng; 6 tỷ USD giao dịch thông qua các trung gian thanh toán; 1 - 2 tỷ USD cho vay tiêu dùng; hơn 200 triệu USD cho vay bán lẻ; và 1 – 2 tỷ USD sản phẩm đầu tư,... Đây cũng chính là những chỉ tiêu cho tầm nhìn của Masan – Techcombank, theo chia sẻ của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang.

Tại ĐHĐCĐ năm 2021 vừa qua, CEO Jens Lottner của Techcombank cũng nhấn mạnh, đến năm 2025, nếu thành công trong việc đưa hệ thống siêu thị mini trở thành điểm giao dịch tài chính, Masan và Techcombank có thể thu hút 2 tỷ USD tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của 50 triệu khách hàng. Như vậy, thay vì mở phòng giao dịch, Techcombank có thể tận dụng luôn các siêu thị mini Vinmart+ để làm nơi cung cấp dịch vụ tài chính ngân hàng.

Hiện, tỷ lệ CASA của Techcombank đã đạt 43%, giữ vững vị thế là ngân hàng có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn cao nhất Việt Nam. Đây là một lợi thế cạnh tranh rất lớn của TCB giúp cho tỷ suất sinh lời trên tài sản duy trì cao trong dài hạn.

Chiến lược xoay quanh Vingroup và Masan, Techcombank được gì? - Ảnh 2.

Mặc dù, chiến lược xoay quanh hệ sinh thái của một số khách hàng lớn sẽ mang lại những cơ hội phát triển đột phá. Tuy nhiên, cũng có thể khiến cho TCB gặp phải khó khăn trong quá trình tăng trưởng về dư nợ cũng như ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của ngân hàng nếu như có xảy ra sự gián đoạn trong hoạt động của các khách hàng lớn đó - theo VCBS.

Điểm danh các lợi thế của Techcombank

Ngoài "cú bắt tay" kể trên, lợi thế khác của Techcombank là ngân hàng nay không phải chịu áp lực lớn từ trích lập dự phòng khi ngân hàng đang ghi nhận tỷ lệ nợ tái cơ cấu trên danh mục cho vay cuối quý I/2021 ở mức 2,3%, giảm so với mức 3,6% ở thời điểm cuối quý II/2020.

VCBS cho rằng việc một số khách hàng có dư nợ tái cơ cấu không thể hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh và chuyển thành nợ xấu trong năm 2021 là không thể tránh khỏi và ngân hàng sẽ phải thực hiện trích lập xử lý lượng nợ xấu này.

Tuy nhiên với việc thực hiện trích lập dự phòng mạnh mẽ ngay trong năm 2020, áp lực trích lập nợ xấu trong năm 2021 được kỳ vọng ở mức thấp.

Cũng theo VCBS, dự báo tốc độ tăng trưởng tín dụng của Techcombank cao hơn trung bình ngành. Hiện TCB có hệ số CAR đạt 15,8%, cao hơn nhiều so với mức tối thiểu yêu cầu theo thông tư 41 nên có khả năng được cấp room tăng trưởng tín dụng năm 2021 cao nhất ngành ngân hàng.

Cùng với việc lãi suất huy động giảm, nhóm phân tích kỳ vọng biên lãi ròng NIM của Techcombank tiếp tục mở rộng và yếu tố này sẽ tiếp tục giúp cho lợi nhuận tăng trưởng cao trong nửa đầu năm 2021.

Ngoài ra, TCB có chi phí vốn giảm nhanh hơn tốc độ giảm trung bình của toàn ngành giúp NIM của TCB sẽ tiếp tục duy trì cao hơn trung bình ngành ngay cả trong trường hợp các ngân hàng thực hiện giảm lãi suất cho vay đầu ra hỗ trợ khách hàng theo lời kêu gọi của Ngân hàng Nhà nước

Việc tập trung triển khai các dự án công nghệ cao cũng giúp duy trì hoạt động hiệu quả trong dài hạn của TCB.

H.Anh
Cùng chuyên mục