Vẽ bản đồ Rồng: Việt Nam trong mắt các nhà làm bản đồ Hà Lan

V.N Thứ sáu, ngày 03/11/2023 15:58 PM (GMT+7)
Nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam đã trao tặng Học viện Ngoại giao Bộ sưu tập bản đồ về Việt Nam và các nước Đông Nam Á có niên đại khoảng thế kỷ 16 - 17 do các nhà làm bản đồ Hà Lan vẽ.
Bình luận 0

Các bản đồ về Việt Nam được thể hiện trong Triển lãm trực tuyến Lập bản đồ Rồng: Việt Nam trong mắt các nhà vẽ bản đồ Hà Lan dựa trên bộ sưu tập của Thư viện Đại học Leiden.

Triển lãm này được thực hiện với sự cộng tác của Đại sứ quán Hà Lan tại Hà Nội, đánh dấu hơn 400 năm giao lưu nhân dân và 50 năm quan hệ ngoại giao song phương Việt Nam- Hà Lan.

Vẽ bản đồ Rồng: Việt Nam trong mắt các nhà làm bản đồ Hà Lan - Ảnh 1.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte thăm các bản sao bản đồ do Đại sứ quán Hà Lan tặng Học viện Ngoại giao. Ảnh: ĐSQ Hà Lan.

Qua nhiều thế kỷ, rất nhiều loại bản đồ - từ hải đồ sử dụng trong điều hướng hàng hải đến tập bản đồ atlas - đã được sản xuất. Chúng phản ánh sự thay đổi tình hình chính trị và địa lý của khu vực.

Hầu hết các bản đồ trong triển lãm này đều thể hiện một vùng rộng lớn hơn Việt Nam, cung cấp cái nhìn sâu sắc về mối quan hệ giữa Việt Nam và các khu vực xung quanh. Theo thời gian, một số bản đồ và tập bản đồ atlas chi tiết và toàn diện được xuất bản.

Triển lãm lần này tập trung vào các bản đồ Việt Nam được sản xuất tại Hà Lan, một phần trong bộ sưu tập bản đồ của Thư viện Đại học Leiden.

Công ty Đông Ấn và hải đồ

Theo thông tin từ Đại sứ quán Hà Lan, vào thập niên cuối của thế kỷ 16, người Hà Lan đã tiến hành những chuyến thám hiểm đầu tiên tới châu Á, những con tàu Hà Lan đầu tiên cũng đã đi vòng quanh Mũi Hảo Vọng. Để thực hiện những chuyến đi đầu tiên này, hải đồ đã được vẽ ra. Những hải đồ của Hà Lan về vùng biển châu Á này phần lớn dựa trên nguồn bản đồ trước đó của Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.

Công dân Hà Lan Jan Huygen van Linschoten làm việc phục vụ cho Bồ Đào Nha, sống ở Goa (1583- 1589). Trở lại Hà Lan, ông đã xuất bản một cuốn ghi chép hành trình chi tiết về những chuyến đi của mình đến châu Á và thời gian ông làm việc ở Goa, dẫn tới việc thành lập công ty Đông Ấn Hà Lan VOC vào năm 1602, phá bỏ độc quyền thương mại của Bồ Đào Nha ở khu vực Đông Nam Á.

Những con tàu VOC được trang bị một loạt hải đồ tiêu chuẩn để dẫn đường. Những người lập hải đồ chính thức của công ty đã phải thề giữ bí mật. Tất cả các bản đồ đều được vẽ tay, việc xuất bản thông tin địa lý của các khu vực buôn bán bị nghiêm cấm.

Các bản đồ về hành trình lớn từ châu Âu đến châu Á được sản xuất tại văn phòng bản đồ ở Amsterdam, các hải đồ liên châu Á phần lớn được sản xuất tại Batavia (nay là Jakarta). Chỉ mãi tận đến nửa sau thế kỷ 18, một tập bản đồ atlas với các hải đồ về vùng biển châu Á mới được xuất bản ở Amsterdam. Thời điểm đó VOC đã qua thời kỳ hoàng kim và giải thể vào năm 1799.

Việt Nam trên bản đồ Hà Lan

Việt Nam và Hà Lan đã thiết lập quan hệ giao thương từ thời Công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC). Ngay từ trước khi VOC được thành lập, nhiều bản đồ miêu tả bờ biển Việt Nam đã được vẽ và in ấn tại Bỉ, Hà Lan, Luxembourg.

Trên các bản đồ phương Tây, vùng đất Việt Nam ngày nay thường được gọi là 'Bắc Kỳ' chỉ miền Bắc, và 'Cochinchina' hay 'Quinam', chỉ khu vực miền Nam Việt Nam. Địa danh 'Champa' hoặc 'Tsiompa' còn được dùng để chỉ khu vực phía Nam trong các bản đồ cổ hơn.

Tuy Việt Nam không phải là nước trọng yếu trong thương mại biển của Hà Lan, nhưng vẫn có hai thương điếm ở Việt Nam. Năm 1630, công ty VOC ký hiệp định với Bắc Kỳ - còn gọi là Đàng Ngoài dưới sự cai trị của chúa Trịnh - mở một thương điếm ở Phố Hiến, gần Hà Nội. Trạm này được duy trì cho đến năm 1699.

Năm 1637, thương điếm thứ hai được mở tại Faifo (Hội An ngày nay) tại Quinam, do các chúa Nguyễn ở Đàng Trong cai trị. Trạm này chỉ hoạt động trong thời gian ngắn cho đến năm 1652.

Một trong những bản đồ đầu tiên của Hà Lan mô tả bản đồ bờ biển Việt Nam là hải đồ Đông

Á và Đông Nam Á này. Hải đồ do Arnold Floris van Langren vẽ và em trai ông là Hendrik Floris van Langren khắc để in. Hải đồ này nằm trong cuốn nhật ký Itinerario của Jan Huygen van Linschoten, kể về chuyến đi đến châu Á của ông trong quân ngũ Bồ Đào Nha.

Bản đồ có hướng Đông chỉ lên trên. Tên các vùng của Việt Nam (Cauchinchina và Champa) không được ghi trực tiếp trên bản đồ nhưng ghi trong tiêu đề. Chúng ta thấy tên một số sông như Mecon (MêKong), đảo Pulo Cecir (Phú Quý) và Pulo Condor (Côn Đảo) dọc theo bờ biển Việt Nam, cũng như một số thành phố: Coaynam (Hội An), Auarella (Đại Lãnh), Champaa (Nha Trang) và Calamea (Cam Ranh). Khu vực xung quanh Biển Nam Trung Hoa mà ngày nay Việt Nam gọi là Biển Đông với quần đảo Hoàng Sa được vẽ khá chính xác, các khu vực xa hơn về phía bắc và phía nam (Hàn Quốc, Nhật Bản, Java) thì kém chính xác hơn.

Ngoài ra tại triển làm còn có Hải đồ Blaeu của công ty VOC vẽ năm 1686 trên đó có thể hiện

vịnh Thái Lan, bờ biển Chăm Pa và miền Nam Việt Nam; Hải đồ biển Đông của công ty VOC vẽ khoảng 1750, trong đó phần bên trái hải đồ thể hiện các bờ biển của Việt Nam với các thành phố 'Poefoe' (Phú Xuân) và 'Faijfol' (Hội An) được nêu rõ; Bản đồ dành cho thuyền trưởng của Van Keulen vẽ năm 1753 trong đó có hai bản đồ miêu tả bờ biển Việt Nam, dựa trên bản thảo hải đồ của VOC trước đó: Một hải đồ thể hiện các bờ biển xung quanh phần phía nam của Biển Đông, bao gồm cả bờ biển phía nam của Việt Nam. Bức còn lại - với kích cỡ lớn hơn một chút - cho thấy các bờ biển từ Hội An (viết sai là'Taisoe') đến Canton (Quảng Châu), bao gồm cả Vịnh Bắc Bộ.

Các thông tin trên do các nhà nghiên cứu tại Đại học Leiden thực hiện. Theo các tác giả triển lãm, Việt Nam còn được thể hiện trên nhiều bản đồ, hải đồ, atlas, minh họa sách khác của Hà Lan.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem