Tỷ lệ nợ xấu của Sacombank tính đến hết quí I.2017 là 19,6%
Ngân hàng TMCP Sài gòn Thương tín (Sacombank) vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2015, 2016. Đơn vị kiểm toán là Ernst & Young Việt Nam.
Theo báo cáo tài chính năm 2015, 2016 (BCTC riêng) cho thấy, tổng tài sản tính đến 31.12.2016, đạt 329.187 tỷ đồng, tăng 13,4% so đầu năm, đạt 116% kế hoạch và duy trì trong nhóm các NHTM lớn nhất Việt Nam.
Vốn tự có đạt 19.120 tỷ đồng với vốn cấp 1 đạt 16.632 tỷ đồng, vốn cấp 2 đạt 2.488 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 21.752 tỷ đồng, tăng 0,4% so với đầu năm, trong đó, vốn điều lệ đạt 18.852 tỷ đồng.
BCTC cũng cho thấy, đến 31.12.2016, tổng nguồn vốn huy động đạt 302.806 tỷ đồng, tăng 14,4% so với đầu năm. Dư nợ tín dụng đạt 232.157 tỷ đồng, tăng 18,6% so với đầu năm, phù hợp với mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu sau sáp nhập. Cho vay khách hàng đạt 193.098 tỷ đồng, tăng 6,9% so với đầu năm.
Tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối năm 2016 là 6,81%, tương đương là 13.165 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn là 8.461 tỷ đồng, tăng so với mức 5,92%, tương đương 10.708 tỷ đồng, tại thời điểm đầu năm. Trong đó ghi nhận nợ có khả năng mất vốn tăng 641 tỷ đồng. Tỷ lệ này cũng đã được giảm mạnh xuống còn 4,88% tính đến hết quý I.2017.
BCTC có giải thích chất lượng dư nợ cho vay bao gồm trong nợ đủ tiêu chuẩn tại ngày 31.12.2016 là một số khoản cho vay sẽ được xử lý theo các giải pháp nêu trong Đề án tái cơ cấu được NHNN phê duyệt với tổng dư nợ là 8.379 tỷ đồng. Các khoản nợ cho vay của ngân hàng đang được trích lập dự phòng rủi ro tín dụng dựa trên năng lực tài chính trong thời gian thực hiện Đề án tái cơ cấu.
Tổng số nợ xấu Sacombank bán cho VAMC tính đến cuối năm 2016 là 37.300 tỷ đồng. Riêng trong năm 2016, Sacombank đã bán nợ xấu cho VAMC với tổng giá trị là 23.680 tỷ đồng và thực hiện xử lý dự phòng rủi ro là 209 tỷ đồng, đồng thời nhận các trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành với mệnh giá là 23.471 tỷ đồng. Nếu tính cả nợ xấu bán cho VAMC, tỷ lệ nợ xấu của Sacombank rất cao. Tuy nhiên, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 19,6% tính đến hết quý I.2017.
Có thể, tỷ lệ nợ xấu không dừng ở đấy khi nhìn vào khoản lãi dự thu của Sacombank. Hết năm 2016, Sacombank có các khoản phải thu hơn 42.179 tỷ đồng, trong đó lãi dự thu là 25.299 tỷ đồng.
Dù vậy, kết quả thu nợ cũng đạt khả quan. Trong năm 2016 tự xử lý được 1.992 tỷ đồng, thu hồi được 516 tỷ trái phiếu VAMC… Kết quả thu hồi khoản phải thu quá hạn trong hoạt động đầu tư đạt 16,5 tỷ đồng. Thanh lý các tài sản đã nhận cấn trừ nợ, thu hồi được 539 tỷ đồng.
Nhờ vậy, lợi nhuận ngân hàng vẫn không rơi vào trạng thái lỗ. Theo báo cáo tài chính, lợi nhuận trước thuế năm 2016 của Sacombank sụt giảm mạnh từ 698 tỷ đồng (năm 2015) xuống còn 97 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế là 76 tỷ đồng, trong khi năm 2015 là 536 tỷ đồng.
Các chỉ số an toàn vốn của Sacombank luôn tuân thủ quy định của NHNN. Trong đó, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt 9,61%, tăng 0,1% so đầu năm. Các tỷ lệ còn lại đều nằm trong giới hạn an toàn cao.
Thực tế, hoạt động kinh doanh Sacombank trở nên sa sút kể từ khi sáp nhập SourtherBank vào hệ thống với gánh nặng nợ xấu rất cao. Mấy năm qua, Sacombank loay hoay với bài toán xử lý nợ xấu, lợi nhuận được bao nhiêu đều dùng để trích lập dự phòng. Trong khi đó, với hành lang pháp lý hiện tại, Sacombank khó có thể thoát khỏi gánh nặng xử lý nợ xấu.
Tuy nhiên, tương lai mở ra với Sacombank khi Chính phủ đã trình Quốc hội về Nghị quyết xử lý nợ xấu và được nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình.
Hai cựu thống đốc NHNN cho rằng việc xử lý nợ xấu là cần thiết và cần phải có một Nghị quyết về xử lý nợ xấu. Mặc dù Nghị quyết xử lý nợ xấu chỉ giải quyết nợ xấu đến năm 2016, nhưng đây là thời điểm mà nợ xấu của Sacombank cao nhất.
Cùng với việc được NHNN thông qua đề án tái cơ cấu, Nghị quyết xử lý nợ xấu (nếu) được Quốc hội thông qua sẽ là cơ hội tốt để Sacombank phục hồi và trở lại là một trong ba ngân hàng TMCP quyền lực như trước đây.
Cuối tuần qua, Ngân hàng TMCP Sài gòn Thương tín (Sacombank) lại công bố hoãn đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên măm 2015, 2016 đến ngày 30.6. Trong thông cáo phát đi, Sacombank cho biết lý do hoãn tổ chức ĐHĐCĐ thường niên là do công tác chuẩn bị nhân sự HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2017-2021 và một số tài liệu Đại hội chưa hoàn tất nên Sacombank không thể tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm tài chính 2015, 2016 vào ngày 26.5.2017 như dự kiến.
Tuy vậy, Đề án tái cấu trúc Sacombank sau sáp nhập đã được NHNN phê duyệt ngày 22.5.2017 nên Báo cáo tài chính được kiểm toán cùng các tài liệu Đại hội và danh sách nhân sự dự kiến bầu HĐQT, Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2017-2021 đang được khẩn trương hoàn tất.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.