Về thăm làng lãnh tân thời

Thứ ba, ngày 04/03/2014 07:11 AM (GMT+7)
Thông tin nhà thiết kế Võ Việt Chung bỏ nhiều tiền để thiết kế bộ trang phục bằng chất liệu Lãnh Mỹ A nhuộm trái mặc nưa cho người đẹp Lý Nhã Kỳ mang ra thế giới khiến chúng tôi trở lại quê lụa Tân Châu nổi tiếng một thời để tìm hiểu thực hư…
Bình luận 0
Quyết giữ làng nghề

Ông Lê Văn Hai - Chủ tịch Hội Nông dân phường Long Châu, thị xã Tân Châu (An Giang) niềm nở đưa chúng tôi đi một vòng “quê lụa Tân Châu” nhưng buồn giọng: “Quê lụa hiện chỉ còn 5 cơ sở dệt lụa, lãnh. Đó là: Hồng Ngọc, Tám Lăng, Út Sua, Hai Lộc, Chín Chừng. Đồng hành là khoảng chục hộ làm nghề xe tơ và số tơ này mua từ Bảo Lộc về…”.

  Phơi lãnh sau khi nhuộm.
Phơi lãnh sau khi nhuộm.

Chủ cơ sở Hồng Ngọc, bà Lê Thị Kiều Hạnh là thế hệ thứ ba trong gia đình tiếp nối nghề. Chỉ tay về phía hàng chục khung dệt đang liên tục thoi đưa mà chỉ có vài ba công nhân đứng máy, chị Hạnh ngậm ngùi: “Ngày xưa cũng tại nơi này, thời ông bà già tôi làm, nhân công đông lắm nhưng bây giờ thì vắng nhiều. Một phần cũng do gia đình tôi áp dụng hiện đại hóa phương tiện…”.

Chị Hạnh giới thiệu thêm, phân xưởng chị hiện làm 3 mặt hàng cơ bản, một là Lãnh Mỹ A (dệt bằng tơ tằm Bảo Lộc) nhuộm trái mặc nưa, loại này đắt nhất, giá bán hiện tại 400.000đồng/m (khổ 90 cm); hai là nylon-saten (giá bán 40.000 đồng /m) và ba là gấm các loại (dệt từ sợi polyte) giá bán 20.000 đồng /m.

Mỗi năm sản xuất (dệt) trung bình khoảng 100 cây Lãnh Mỹ A (một cây dài 20m, khổ 90 cm), 600 cây nylon-saten và khoảng 500.000m gấm các loại. Ngoài thị trường trong nước, các mặt hàng này còn xuất sang Campuchia. Đặc biệt, những năm gần đây nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, khách du lịch nước ngoài đến Tân Châu ghé quê lụa “ăn hàng” cũng khá mạnh, nhất là mặt hàng Lãnh Mỹ A.

Anh Trần Minh Trung - con của bà Hạnh, người được xem là thế hệ thứ tư tiếp nối nghề của cơ sở dệt nhuộm Hồng Ngọc chia sẻ: Vừa rồi nhà thiết kế Võ Việt Chung lấy hàng Lãnh Mỹ A của gia đình tôi sản xuất để thiết kế trang phục cho người đẹp Lý Nhã Kỳ mặc khi ra thế giới khiến mặt hàng này ngày càng nhiều du khách quốc tế biết hơn…”.

Cùng tham quan “quê lụa” với chúng tôi, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiệp (huyện Phú Tân, An Giang) cho biết, trong các sản phẩm làm ra từ tơ lụa tằm của An Giang có lãnh đen rất nổi tiếng gọi là Lãnh Mỹ A. Mặt hàng này xuất ngoại được là nhờ không nhuộm theo phương cách và phẩm màu hoá học (mau phai màu lại mau mục) mà nhuộm bằng mủ trái mặc nưa.

Không ai trồng mặc nưa nữa

Phải ở lại “quê lụa” nhiều ngày, chúng tôi mới được “mục sở thị” các công đoạn nhuộm mặc nưa. Chị Hạnh cho biết: “Mặc nưa bây giờ khó mua lắm, chủ yếu mua từ Campuchia, ở quê lụa này chỉ còn vài ba cây thôi. Trái mặc nưa tăng giá liên tục, hồi trước có vài ba trăm đồng một ký, sau tăng lên năm trăm, một ngàn, hai, ba, bốn ngàn đồng cho đến hiện nay là 6.500 đồng một ký, nhưng không phải lúc nào cũng có…

Theo ông Nguyễn Hữu Hiệp, những thập niên năm mươi, sáu mươi của thế kỷ trước, dâu tằm được trồng khá nhiều tại một số vùng ở Bảy Núi, đặc biệt trên các bãi bồi, các cù lao ven sông Tiền từ Cù lao Giêng, Cù lao Ông Chưởng (huyện Chợ Mới) dẫn ngược lên Tân Châu và vùng phụ cận. Thời thuộc Pháp, có năm những vùng thuộc tỉnh Châu Đốc, diện tích trồng dâu chiếm đến 200 ha trong tổng số 450 ha diện tích trồng dâu toàn Nam Bộ.

Theo “Địa phương chí tỉnh An Giang năm 1959”, vào thời điểm này diện tích trồng dâu là 330 mẫu, sản xuất được 1.320 tấn lá. Đến năm 1965, ở Tân Châu có 60 xưởng dệt lớn nhỏ với khoảng gần 350 khung dệt hoạt động nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm. Những năm nghề nhuộm phát triển mạnh, mỗi vụ (mùa nắng) các “làng nhuộm” ở An Giang tiêu thụ hàng ngàn tấn loại trái mặc nưa nhờ có công dụng rất độc đáo như trên.

Chỉ quê lụa Tân Châu thôi cũng “ăn” đến trên 1.500 tấn trái. Để có thể chủ động về nguyên liệu mặc nưa cho các làng nghề, vào khoảng năm 1960, nhiều nông dân phía hữu ngạn sông Tiền đã phá bỏ vườn tạp để trồng đại trà cây mặc nưa. Nông dân ở vùng Phú An, Phú Lâm (huyện Phú Tân) và một số xã ở vùng đầu nguồn nước nổi của tỉnh An Giang cũng trồng. Thế nhưng bây giờ thì không ai trồng nữa do có nhiều nguyên nhân…

Từ tài liệu sưu tầm nhiều năm qua, ông Hiệp khẳng định: Năm 1959 trong điều kiện chỉ còn 40 lò ươm (600 khuôn dệt) tức đã giảm 1/3 so với trước năm 1945 (120 lò ươm), tỉnh An Giang sản xuất được 30.000 cây Lãnh Mỹ A, giá trị bằng 105 triệu đồng. Nếu tính theo mặt bằng giá lúa (lúc ấy 35 đồng/giạ; hiện nay 35.000 đồng/giạ, tức tăng 1.000 lần) ta sẽ suy ra được giá trị tương đối của 30.000 cây lãnh là 105 tỷ đồng.
Trọng Bình (Trọng Bình)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem