Niềm kiêu hãnh của buôn làng
Bắc Tây Nguyên mấy chục năm về trước là vùng thuần dưỡng voi có tiếng ở Đông Nam Á. Các ngôi làng ở xã Chư Mố cũng từng hằn in dấu chân của những đàn voi hùng tráng. Thế nhưng theo thời gian, đàn voi ấy đã chết dần vì già yếu, bệnh tật, bom đạn và cuối cùng chỉ còn lại một mình Ya Tao. Trước đây chủ của Ya Tao là ông Ksor Chăm, sau khi ông Chăm mất, anh Ksor Alưh (con rể của ông) được giao nhiệm vụ trông coi và chăm sóc Ya Tao.
Chú voi già duy nhất còn lại của Bắc Tây Nguyên
Xuôi từ trung tâm TP.Pleiku, phải mất 3h đồng hồ đi ô tô, chúng tôi mới kịp có mặt tại nhà anh Alưh lúc 5h sáng - khung giờ mà anh Alưh lên rừng, đến nơi ở của chú voi già Ya Tao, đưa Ya Tao đi ăn. Trước đây, khi những cánh rừng còn xanh tốt, nơi xa nhất của những chú voi già cũng chỉ 20km, giờ rừng bị “cạo sạch” nên chỗ ở của Ya Tao cũng dần bị thu hẹp lại, lọt thỏm vào rừng sâu. Phải cuốc bộ hơn 2h đồng hồ đường rừng, chúng tôi mới đến nơi ở của Ya Tao giữa cái nắng gay gắt của vùng “chảo lửa”.
Anh Alưh kể: “Sau khi mua con voi đực Bak Xôm về, thấy nó lủi thủi một mình nên đến năm 1990 bố mình tiếp tục mua thêm 1 con voi cái là Ya Tao để về làm vợ Bak Xôm. Nhưng mới ở cùng nhau được thời gian ngắn, đến năm 1995, Bak Xôm bỗng dưng chết. Thời điểm ấy, không riêng gì Bak Xôm mà một số con voi khác trong vùng cũng lần lượt chết theo. Chỉ mỗi Ya Tao là con voi nhà còn sống duy nhất trên mảnh đất Bắc Tây Nguyên”.
Đôi mắt đượm buồn ẩn chứa sự cô đơn của Ya Tao
Cũng theo anh Ksor Alưh, trước đây đã có người hỏi mua Ya Tao với giá 1,5 tỷ, nhưng gia đình bên vợ anh không bán, vì Ya Tao không chỉ là một tài sản lớn mà còn là một con vật linh thiêng, là niềm kiêu hãnh của cả dòng họ, buôn làng.
“Nhân vật lịch sử”
“Trước đây, lúc bố vợ mình còn sống, mình cũng thường xuyên theo ông ấy vào rừng chăn voi, hồi đó mình còn sợ voi lắm, nhưng khi làm quen với nó mình lại thấy nó hiền. Tuy nhiên, Ya Tao rất hung khi gặp người lạ và đặc biệt là phụ nữ. Hiện tại, Ya Tao vẫn ăn uống bình thường nhưng sức khỏe không còn được như trước, nên không bắt Ya Tao đi làm nữa. Cứ một ngày mình vào rừng một lần và dẫn Ya Tao đi ăn rồi uống nước. Mình với Ya Tao hiện tại chẳng khác gì vợ chồng đâu, ngày nào cũng vào dẫn Ya Tao đi ăn, không vào là nhớ Ya Tao lắm…”, anh Alưh tâm sự.
Trước đây, Ya Tao làm rất nhiều việc như kéo gỗ, chở mỳ, nhưng hiện tại sức khỏe của Ya Tao đã yếu hơn nhiều.
Những ngôi nhà sàn, nhà rông to lớn sừng sững kia đều có công lao to lớn của những con voi già, trong đó có Ya Tao. Ya Tao đã dùng hết sức lực của mình để kéo gỗ trong rừng sâu về, giúp dân làng có gỗ dựng nhà. Những năm sau này, nhiều cánh rừng đã bị khai thác kiệt quệ, gỗ cũng hết dần, Ya Tao nhàn rỗi hơn. Thế nhưng, nhìn ánh mắt buồn rười rượi của Ya Tao trong cánh rừng, chúng tôi cũng hiểu được nỗi niềm của chú voi già cô đơn ấy.
“Nói về công lao của Ya Tao thì nhiều lắm, kể không hết đâu. Ya Tao là “nhân vật" gắn với những giai đoạn lịch sử của buôn làng. Ya Tao đưa các chú bộ đội qua sông, kéo gỗ, chở mỳ, Ya Tao là biểu tượng hùng mạnh của buôn làng. Cứ vào dịp cuối năm, gia đình mình thường dẫn Ya Tao về nhà làm lễ cúng để cầu cho Ya Tao có được sức khỏe tốt, không ốm đau bệnh tật…”, anh Alưh cho biết thêm.
Một mình Ya Tao cô quạnh giữa cánh rừng già.
Dù Ya Tao đã có tình yêu, sự quý mến của dân làng và gia đình anh Alưh, nhưng ánh mắt của chú voi già ấy vẫn chứa đựng những nỗi buồn. Ánh mắt của Ya Tao như nói lên tất cả, Ya Tao muốn có một gia đình để không phải cô đơn, hiu quạnh dưới tán rừng xa xăm kia.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.