Vì đâu các chuyên gia dự báo năm 2021 tín dụng sẽ vượt mức 12%?

26/01/2021 07:01 GMT+7
Dù mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2021 được Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề cập tại Chỉ thị 01-CT/NHNN chỉ vào khoảng 12%, song theo các chuyên gia, tăng trưởng tín dụng có thể "vượt" mục tiêu này.

Tại Chỉ thị 01-CT/NHNN, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã chỉ rõ các mục tiêu và nhiệm vụ tổng quát của ngành Ngân hàng năm 2021. Trong đó, tăng trưởng tín dụng vào khoảng 12%.

Năm 2021 tăng trưởng tín dụng sẽ "vượt" mục tiêu 12%?

Nêu quan điểm về mục tiêu này, một chuyên gia tài chính cho rằng, xét trong bối cảnh bình thường thì tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn khoảng 2 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP là hợp lý. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% do Ngân hành Nhà nước đặt ra có phần khiêm tốn.

Bằng chứng là trong năm 2019, tín dụng cũng tăng khoảng 12%. Ngay cả khi trừ đi số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ khoảng 355 nghìn tỷ đồng, thì lượng tín dụng mới tăng thêm trong năm qua khoảng 7- 8%. Thế nhưng, tăng trưởng kinh tế năm qua chỉ 2,91%, có nghĩa tín dụng tăng thêm 2,5 - 2,6 đồng thì mới tạo thêm 1 đồng GDP.

Động lực nào cho tăng trưởng tín dụng năm 2021?  - Ảnh 1.

Năm 2021, nhiều dự báo cho rằng tăng trưởng tín dụng sẽ đạt trên 13%, cao hơn mức 12,13% của năm 2020

Thực tế, theo dự báo của nhiều công ty chứng khoán và chuyên gia kinh tế, tăng trưởng tín dụng năm 2021 sẽ vượt qua con số 12%.

Đơn cử như ước tính của các chuyên gia đến từ công ty chứng khoán VNDirect, tăng trưởng tín dụng năm 2021 sẽ đạt khoản 13%. Với mức tăng trưởng này, tỷ lệ tín dụng trên GDP được dự báo sẽ tăng lên 124%, từ mức 110% của năm 2019.

Dưới góc nhìn của mình, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, tăng trưởng tín dụng năm 2020 sẽ cải thiện hơn so với năm trước do các hoạt động kinh tế - xã hội được dự báo sẽ phục hồi mạnh hơn. Nhất là khả năng chống chịu các cú sốc của các ngân hàng ngày càng tốt hơn.

Mặc dù vậy, theo vị chuyên gia này, dù kinh tế phục hồi nhưng vẫn còn rất nhiều rủi ro đang chờ đợi các ngân hàng trong năm 2021. Tín dụng tuy khởi sắc, song chưa thể tăng trưởng cao trở lại. Bên cạnh đó, nợ xấu tiềm ẩn đang tăng lên rất nhanh, lợi nhuận có nguy cơ giảm.

Còn tại báo cáo Triển vọng ngành ngân hàng năm 2021, các chuyên gia tại Công ty CP Chứng khoán SSI dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm 2021 có thể đạt từ 13-14% nhờ những tín hiệu phục hồi kinh tế. Con số này cao hơn mức tăng trưởng tín dụng năm 2020 là 12,13% và tương đối sát với trung bình tăng trưởng tín dụng năm 2018 và 2019 là trên 13%.

Động lực cho tăng trưởng tín dụng năm 2021

Đề cập về động lực cho tăng trưởng tín dụng theo SSI, năm 2021 kinh tế sẽ phục hồi bắt đầu từ việc điều chế vắc xin ngừa COVID-19 thành công sẽ tạo cú hích cho nền kinh tế dần phục hồi vào nửa cuối năm. Kéo theo đó thương mại quốc tế, sản xuất và tiêu dùng có thể khôi phục và giúp hoạt động cho vay tăng trở lại.

Theo đó, cho vay bán lẻ ước tính quay lại quỹ đạo tăng trưởng như trước đây sau khi gián đoạn trong năm 2020. Nhu cầu nợ vay có thể được hỗ trợ phần nào bởi lãi suất cho vay thấp và việc các ngân hàng có thể cân nhắc nới lỏng tiêu chuẩn cho vay về tương đương mức trước COVID-19 khi nhận thấy những dấu hiệu phục hồi rõ rệt hơn của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, do việc thắt chặt các điều kiện phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp theo nghị định 81 của Chính phủ, do vậy doanh nghiệp có khả năng quay lại với các khoản vay ngân hàng, từ đó thúc đẩy tín dụng tăng.

Ngoài ra, các khoản cho vay tài chính tiêu dùng cũng sẽ được tái khởi động sau một thời gian các công ty đầu ngành tập trung thu hồi nợ và thắt chặt các tiêu chí cho vay do lo ngại nợ xấu tăng vì dịch COVID-19. Điều này cũng sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng chung.

Báo cáo chiến lược đầu tư 2021 của Công ty Chứng khoán VNDirect cũng đã đặt kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu sẽ dần dần phục hồi, tương quan với xu hướng phục hồi nền kinh tế của Việt Nam hiện nay. Nhờ vậy, các hoạt động thương mại, sản xuất, dịch vụ; trong đó có du lịch sẽ dần quay trở lại hoạt động bình thường, qua đó thúc đẩy nhu cầu tín dụng năm 2021.

Động lực nào cho tăng trưởng tín dụng năm 2021?  - Ảnh 3.

Nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp tăng nhanh trở lại (ảnh minh họa)

Trong cuộc điều tra xu hướng tín dụng của các tổ chức tín dụng được Vụ Dự báo - Thống kê (Ngân hàng Nhà nước) công bố mới đây cũng cho thấy, tín dụng được kỳ vọng tăng trưởng khả quan trở lại trong năm 2021, dẫn đầu là kỳ vọng về nhu cầu vay thương mại và dịch vụ, đặc biệt là vay xuất nhập khẩu.

Theo đó, dự kiến 6 tháng đầu năm và cả năm 2021, các tổ chức tín dụng tiếp tục tập trung cho vay các lĩnh vực có tiềm năng phục hồi cao như bán buôn - bán lẻ (55,8-57,7%), xuất nhập khẩu (54,8-56,7%); phục vụ nhu cầu đời sống (44,2-45,2%), xây dựng (38,5-44,2%)…

Đáng chú ý, các tổ chức tín dụng được cho là sẽ 'nới lỏng nhẹ' tiêu chuẩn tín dụng đối với các nhóm khách hàng trong năm nay. Cơ sở để thực hiện việc nới lỏng này là triển vọng kinh tế vĩ mô khả quan, phù hợp chính sách và định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

"Hiện nhiều khách hàng ngoài việc quan tâm tới câu chuyện kinh doanh mùa vụ dịp Tết Nguyên đán 2021 cũng bày tỏ sự lạc quan về khả năng phục hồi kinh tế và diễn biến tích cực hơn của dịch bệnh Covid-19, cho nên nhu cầu vay vốn thời gian qua đã tăng nhanh trở lại. Cùng với đó là việc các ngân hàng dự kiến "nới lỏng nhẹ" tiêu chuẩn tín dụng đối với các nhóm khách hàng, đây sẽ là chìa khóa cho kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm 2021 cao hơn mục tiêu", lãnh đạo một ngân hàng thương mại trên địa bàn Hà Nội đánh giá.

Nhật Minh
Cùng chuyên mục