Vì đâu lợi nhuận của các công ty chứng khoán lao dốc trong quý 4/2022?

28/01/2023 09:12 GMT+7
Kết quả kinh doanh của nhiều công ty ngành chứng khoán trong quý 4/2022 đã cho thấy sự tụt dốc khi không chỉ sụt giảm mạnh mà tiến tới thua lỗ sâu.

Loạt công ty chứng khoán báo lỗ sâu trong quý 4/2022

Công ty CP Chứng khoán VIX (HoSE: VIX) trong quý 4/2022 ghi nhận doanh thu hoạt động đạt hơn 237 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu môi giới, lãi từ cho vay và phải thu lần lượt giảm 62% và 42%, tương ứng đạt 32 tỷ đồng và 45 tỷ đồng.

Trong khi doanh thu giảm, chi phí hoạt động của VIX tăng gấp 3,9 lần so với cùng kỳ, đạt 361 tỷ đồng do lỗ nặng từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) gấp 7,3 lần cùng kỳ.

Kết quả, VIX báo lỗ sau thuế 102,6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 162 tỷ đồng. Nguyên nhân thua lỗ của VIX đến từ hoạt động tự doanh kém hiệu quả khi lỗ ròng 190 tỷ đồng trong quý 4.

Cả năm 2022, doanh thu hoạt động của VIX giảm 24 % còn 1.187 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 312 tỷ đồng, giảm 58 % so với thực hiện trong năm 2021.

Theo báo cáo tài chính được công bố, doanh thu hoạt động của Chứng khoán APG (HoSE: APG) quý cuối năm nay chỉ đạt 3,3 tỷ đồng do ghi nhận lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn là âm 75,8 tỷ đồng.

Khác với việc ghi nhận thu từ hoạt động môi giới cao đột biến lên tới 142,3 tỷ đồng quý cuối năm 2021, Chứng khoán APG chỉ đạt doanh thu gần 1 tỷ đồng mảng này trong quý 4/2022.

Vì sao lợi nhuận của các công ty chứng khoán lao dốc trong quý 4/2022? - Ảnh 1.

Nguồn: VietstockFinance

Trong bối cảnh doanh thu hoạt động sụt giảm mạnh, chi phí hoạt động của APG cao đột biến trong quý 4 do khoản lỗ từ các tài sản tài chính FVTPL gần 177 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2021 chỉ là 50,3 tỷ đồng.

Kết quả là, Chứng khoán APG báo lỗ trước thuế hơn 177 tỷ đồng và lỗ sau thuế 159,6 tỷ đồng quý cuối năm 2022, đánh dấu chuỗi lỗ 3 quý liên tiếp. Cả năm 2022, Chứng khoán APG ghi nhận lỗ sau thuế  với 208 tỷ đồng, trong khi năm trước đó lãi 268,4 tỷ đồng.

Một ông lớn trong ngành chứng khoán cũng ghi nhận kinh doanh âm trong quý 4/2022 là Công ty CP Chứng khoán VNDirect (HoSE: VND) vừa công bố báo cáo tài chính riêng quý 4 với doanh thu hoạt động đi ngang so với cùng kỳ, đạt hơn 1.961 tỷ đồng. Lãi từ các tài sản tài chính thông qua lãi/lỗ (FVTPL) vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu, đạt hơn 1.261 tỷ đồng tương đương tăng trưởng 53%.

Ngược lại, doanh thu từ nghiệp vụ môi giới chứng khoán và lãi từ các khoản cho vay và phải thu lần lượt giảm 62% và giảm 23%, tương ứng dạt 206 tỷ đồng và 335 tỷ đồng.

Doanh thu đi ngang trong khi đó chi phí hoạt động và chi phí tài chính tăng phi mã. Cụ thể, chi phí hoạt động tăng 90% so với cùng kỳ, đạt hơn 1.450 tỷ đồng chủ yếu do lỗ từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL). Chi phí tài chính tăng gấp 2,5 lần, đạt hơn 424 tỷ đồng do gia tăng chi phí lãi vay.

Chốt quý 4, VNDirect báo lãi trước thuế gần 8,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 911 tỷ đồng. Công ty ghi nhận lỗ sau thuế là hơn 13,9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 724,6 tỷ đồng.

Giải trình về kết quả, VNDirect cho biết công ty vẫn đang phát huy hiệu quả các nền tảng kinh doanh cốt lõi để thích nghi với bối cảnh thị trường, tuy nhiên doanh thu giảm mạnh, mảng tự doanh và cho vay ký quỹ kém tích cực, cộng thêm chi phí lãi vay tăng mạnh khiến công ty ghi nhận thua lỗ.

Lũy kế cả năm 2022, VNDirect ghi nhận doanh thu hoạt động đạt gần 7.000 tỷ đồng và lãi sau thuế 1.365,9 tỷ đồng, giảm 37% so với năm 2021.

Kinh doanh giảm sâu

Chứng khoán Bản Việt (VCSC; HoSE: VCI) công bố kết quả kinh doanh quý 4/2022 với lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 28,4 tỷ đồng, giảm 94% so với cùng kỳ dù tổng doanh thu đã hồi phục đáng kể từ mức thấp quý liền trước đó.

Năm 2022, tổng doanh thu hoạt động của VCSC đạt 3.156 tỷ đồng, giảm 15% so với năm liền trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 869 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ và hoàn thành chỉ 56% kế hoạch được ĐHĐCĐ thông qua hồi đầu năm. Chi phí tài chính tăng vọt và trở thành một yếu tố đáng chú ý kéo tụt lợi nhuận của VCSC năm qua.

Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) báo lãi ròng quý 4 ở mức 229 tỷ đồng, giảm 71% so với cùng kỳ. Doanh thu môi giới sụt giảm mạnh gần 57% còn 141.75 tỷ đồng. Doanh thu nghiệp vụ bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán cũng giảm hơn 50% còn 166 tỷ đồng. 

Ở mảng tự doanh, lãi tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) sụt giảm mạnh 74% còn 95 tỷ đồng, lỗ tài sản tài chính FVTPL tăng hơn 270% lên 144 tỷ đồng. Theo đó, Công ty lỗ tự doanh gần 50 tỷ đồng (năm trước, lãi hơn 325.5 tỷ đồng).

Lũy kế cả năm, TCBS báo lãi 2.422 tỷ đồng giảm 21% so với năm trước đó.

Công ty CP Chứng khoán FPT (FPTS, HoSE: FTS) cũng đã công bố báo cáo tài chính quý 4/2022 với doanh thu hoạt động sụt giảm 39% so với cùng kỳ năm trước, đạt 218 tỷ đồng, chủ yếu do lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua doanh thu môi giới giảm mạnh 63% xuống 72 tỷ đồng.

Kết quả, FPTS lãi sau thuế 91 tỷ đồng, giảm 48% so với thực hiện trong quý 4/2021.

Lũy kế cả năm 2022, doanh thu hoạt động của FPTS giảm 39% xuống 850 tỷ đồng, lãi sau thuế giảm 62% xuống 319 tỷ đồng. Năm 2022, FPTS thận trọng với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế giảm 6% so với thực hiện năm trước về mức 680 tỷ đồng. Dù vậy, cả năm FTS mới chỉ hoàn thành 65% mục tiêu lợi nhuận đề ra.

Công ty chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) công bố báo cáo tài chính quý 4 với doanh thu hoạt động giảm 5% so với cùng kỳ, đạt 664 tỷ đồng.

Kết thúc quý 4/2022, MASVN báo lãi 150,5 tỷ đồng, giảm 38%. Doanh thu môi giới sụt giảm 43%, về mức 153 tỷ đồng cộng với chi phí lãi vay và lỗ từ các khoản cho vay tăng 145% lên 280 tỷ đồng đã kéo lợi nhuận của Công ty sụt giảm mạnh.

Cả năm 2022, công ty ghi nhận doanh thu hoạt động đạt hơn 2.640 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 772,2 tỷ đồng, lần lượt tăng 8% và giảm 3% so với năm 2021.

Công ty CK SSI (HoSE: SSI) chịu mức sụt giảm lãi sau thuế quý 4 tới 38%, xuống còn gần 224 tỷ đồng. Doanh thu sụt giảm ở các mảng chủ đạo - môi giới, cho vay, tự doanh là nguyên nhân của kết quả này.


An Vũ
Cùng chuyên mục