Vì đâu xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ giảm sâu trong tháng 1/2023?

20/02/2023 18:09 GMT+7
Trong tháng 1/2023, xuất khẩu cá tra tiếp tục giảm sâu 61% so với cùng kỳ năm 2022, xuống còn 83,6 triệu USD so với cùng kỳ năm 2022.Trong đó, riêng thị trường Mỹ giảm sâu nhất, khối lượng xuất khẩu giảm tới 76%.

Theo Hiệp Hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), tất cả các thông số chính của xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong tháng qua đều ở mức âm sâu. Khối lượng xuất khẩu giảm 76% so với cùng kỳ năm trước và giảm 44% so với tháng trước. Giá trị xuất khẩu sang Mỹ trong tháng 1/2023 chỉ đạt 9,84 triệu USD, giảm 40% so với tháng 12/2022. Giá trung bình xuất khẩu cá tra sang thị trường này chỉ đạt 2,97 USD/kg, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2022 và tương đương với giá xuất của tháng 12/2022.

Vì đâu xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ giảm sâu trong tháng 1/2023? - Ảnh 1.

Nguồn Vasep

Sụt giảm sâu và liên tục, Mỹ rơi xuống là thị trường nhập khẩu cá tra đứng thứ 3 sau Trung Quốc và cả EU. Tại Mỹ, lạm phát thủy sản vẫn thấp hơn so với nhiều sản phẩm khác, nhưng giá tăng tiếp tục ảnh hưởng đến doanh số bán hàng.

Vì đâu xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ giảm sâu trong tháng 1/2023? - Ảnh 2.

Nguồn: Vasep

VASEP cho rằng mặc dù giá thủy sản tại Mỹ tăng có thể không nghiêm trọng như các mặt hàng khác, nhưng vẫn ảnh hưởng đến nhu cầu của người tiêu dùng. Thực phẩm tươi sống, thịt và thủy sản mặc dù lạm phát ở mức dưới trung bình trong năm qua nhưng vẫn là một trong những mặt hàng được người tiêu dùng nhắc đến nhiều nhất khi nhắc đến tăng giá thực phẩm.

Tuy vẫn quan ngại về lạm phát, nhưng vẫn có một số tin tức kinh tế tích cực, theo đó năm 2023 dự báo lạm phát lương thực tổng thể sẽ thấp hơn vào so với năm 2022, lạm phát thủy sản cũng sẽ thấp hơn.

Ngày càng có nhiều người Mỹ chuẩn bị bữa ăn tại nhà để tiết kiệm, do vậy một số nhà bán lẻ đang quảng cáo các bữa ăn thủy sản với giá hợp túi tiền. Một số siêu thị đã tăng thêm các lựa chọn hải sản đông lạnh và hải sản bảo quản lâu trong bối cảnh lạm phát.

Ngành thủy sản đươc kỳ vọng vào sự hồi phục về nhu cầu và đơn hàng từ quý II/2023. Kỳ vọng mặt hàng cá tra sẽ có cơ hội trước những điều chỉnh nhu cầu ở thị trường Mỹ cũng như những tín hiệu lạc quan hơn về tình hình lạm phát.

Tính đến hết tháng 1, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam chỉ đạt gần 600 triệu USD, giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, mực, bạch tuộc và các loài cá biển khác nhích nhẹ nhưng cá tra, tôm, cá ngừ đều giảm sâu ở mức hai con số, riêng cá tra giảm 50%. Tín hiệu đi xuống của tiêu thụ cá tra đã rõ nét từ quý cuối năm 2022, với kim ngạch 475 triệu USD, giảm 12% so với cùng kỳ 2021.

Mỹ và Trung Quốc là hai thị trường được được đánh giá là triển vọng khả quan trong năm 2023. Năm ngoái, đây là hai bạn hàng chủ lực, chiếm tỷ trọng lần lượt 30% và 23% của xuất khẩu cá tra.

Ngành thủy sản Việt Nam sẽ có một giai đoạn trầm lắng trong nửa đầu năm 2023

Chứng khoán SSI cũng cho rằng, nửa cuối năm có thể là thời điểm xán lạn hơn cho ngành thủy sản. Cụ thể, việc Trung Quốc mở cửa trở lại là chất xúc tác cho ngành, với doanh thu từ thị trường này sẽ bù đắp một phần cho sự suy giảm doanh thu từ Mỹ và EU, nhưng không đủ để mang lại cơ hội phục hồi lợi nhuận của các công ty trong nửa đầu năm nay.

Trong khi đó, lạm phát tại các thị trường tiêu thụ và bối cảnh hàng tồn kho còn lại luân chuyển chậm có thể vẫn là thách thức trong ít tháng tới. SSI không cho rằng các sự kiện mang tính thời vụ như Super Bowl và Lễ Phục sinh ở Mỹ sẽ giúp giảm nhiều lượng hàng tồn kho. Do vậy, nhóm phân tích của công ty dự báo phải đến quý III, hàng tồn kho mới được xử lý hoàn toàn để có nhiều đơn hàng mới.

Năm nay, mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam là 6% so với 2022, tương đương 393-394 tỷ USD. Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá đây là mức tăng "nhiều thách thức khi cầu thế giới giảm, thương mại toàn cầu tiếp tục khó khăn".

Các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Mỹ, EU... lạm phát tăng cao, sức mua người tiêu dùng giảm và cú sốc chuỗi cung ứng làm giá nguyên vật liệu tăng khiến giá hàng hoá ở mức cao.

Tuy vậy, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng,Việt Nam cũng có nhiều lợi thế với nền kinh tế độ mở lớn, nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký, có hiệu lực... Nếu tận dụng tốt những cơ hội này, Thứ trưởng Hải nhìn nhận sẽ là điểm mạnh cho xuất khẩu trong năm được dự báo nhiều khó khăn này.

Tương tự, Chứng khoán ACB (ACBS) trước đó cho rằng, các đơn đặt hàng cho quý I/2023 vẫn chưa được thực hiện và nhiều nhà máy đã đóng cửa nhiều tháng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng ngành thủy sản Việt Nam sẽ có một giai đoạn trầm lắng trong nửa đầu năm 2023.

Mặt khác, giá xuất khẩu cá tra tăng trung bình 25% trong năm 2022, cùng với đó là giá cá tra nguyên liệu tăng cao. Với nhu cầu giảm trong tháng 11 và 12/2022, giá cá tra nguyên liệu bắt đầu giảm nhưng duy trì ở mức cao trên 28.000 đồng/kg. Điều này cho phép hầu hết người nuôi có lãi, duy trì nguồn cung bền vững cho năm 2022. Tuy nhiên, nhìn vào giá cá giống, ACBS nhận thấy giá vẫn ở mức cao với mức tăng 13,1% và các chuyên gia nghi ngờ về nguồn cung cá tra trong nửa đầu năm 2023.

Năm 2023, khi Trung Quốc mở cửa trở lại và nhu cầu tại Mỹ và EU tiếp tục yếu, Trung Quốc được kỳ vọng sẽ là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam. Mặc dù sụt giảm trong tháng 12/2022, ACBS tin rằng các nhà hàng và dịch vụ ăn uống mở cửa trở lại tại Trung Quốc vào tháng 1/2023 sẽ thúc đẩy tiêu thụ cá tra Việt Nam trở lại.

Trong khi đó, nhóm nghiên cứu kỳ vọng, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu cá tra lớn thứ hai của Việt Nam, đóng góp 23% kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong năm 2023.


An Vũ
Cùng chuyên mục