Vì sao Campuchia lọt top 5 xuất khẩu gạo vào EU?

P.V Thứ tư, ngày 29/07/2020 06:08 AM (GMT+7)
Trong nửa đầu năm 2020, Campuchia đã thu về hơn 264 triệu USD nhờ xuất khẩu 397.660 tấn gạo, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2019. Liên minh châu Âu và Anh là thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Campuchia, chiếm 34%, đạt 135.576 tấn.
Bình luận 0

Trong nửa đầu năm 2020, Campuchia đã thu về hơn 264 triệu USD nhờ xuất khẩu 397.660 tấn gạo, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2019. Liên minh châu Âu và Anh là thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Campuchia, chiếm 34%, đạt 135.576 tấn.

Vì sao Campuchia lọt top 5 xuất khẩu gạo vào EU? - Ảnh 1.

Nông dân Campuchia thu hoạch lúa. Ảnh tư liệu

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu gạo chủ yếu của Campuchia, chiếm 37% tổng lượng gạo xuất khẩu, tương đương khoảng 147.949 tấn. Bên cạnh đó, Campuchia cũng xuất khẩu gạo sang thị trường các nước ASEAN khoảng 52.987 tấn, chiếm 13% tổng lượng gạo xuất khẩu của Campuchia. Malaysia là quốc gia ASEAN nhập khẩu gạo Campuchia lớn nhất với khoảng 21.904 tấn. Các thị trường khác chiếm khoảng 16% còn lại, tương đương 61.148 tấn, chủ yếu xuất sang các nước Gabon và Australia.

Trong các loại gạo xuất khẩu của Campuchia, gạo thơm chiếm 77% tổng khối lượng, khoảng 306.786 tấn, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt, gạo trắng và các loại gạo khác chiếm 23% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng gần 80% so với cùng kỳ năm 2019, do nhu cầu cao đối với các loại gạo này trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành.

Tính riêng trong tháng 6/2020, tổng doanh thu xuất khẩu gạo của Campuchia đạt khoảng 23,7 triệu USD. Trong đó, Campuchia xuất khẩu 13,566 tấn gạo sang thị trường EU, 11.124 tấn gạo sang thị trường Trung Quốc, 16.873 tấn sang các thị trường ASEAN và thị trường khác.

Giá xuất khẩu gạo trung bình giao tại cảng đối với gạo thơm cao cấp của Campuchia vào khoảng 900 USD/tấn, giá gạo thơm ở mức 760 USD/tấn, còn giá gạo trắng (nấu mềm) là 520 USD/tấn. Theo các chuyên gia thị trường, nhu cầu gạo hữu cơ ở châu Âu (EU) cũng như các thị trường trọng điểm khác như Mỹ, Australia và Trung Quốc đang tiếp tục tăng cao do người tiêu dùng ngày càng có ý thức coi trọng sức khỏe hơn.

Các số liệu thống kê từ EU cho thấy, Campuchia đã xuất khẩu 8.467 tấn gạo hữu cơ vào khối này trong năm 2018, chiếm 3,9% thị phần gạo hữu cơ nhập khẩu của EU. Hiện Mỹ vẫn là nước xuất khẩu gạo hữu cơ lớn nhất sang EU, chiếm gần 70% phân khúc. Tiếp đến là Pakistan và Ấn Độ, với tỷ lệ lần lượt là 10% và 9%. Thái Lan đứng ở vị trí thứ tư với 4,9% thị phần, tương đương 10.522 tấn.

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Campuchia cho hay, lượng gạo hữu cơ sản xuất trong nước phục vụ xuất khẩu đã tăng mạnh trong năm nay. Tiêu biểu là công ty lương thực quốc gia Amru, với số lượng gạo hữu cơ xuất khẩu chiếm tới 90%.

Ông Kann Kunthy - Phó Chủ tịch Amru cho biết, công ty đã ký hợp đồng sản xuất, bao tiêu với khoảng 5.000 nông dân và năm nay đặt mục tiêu xuất khẩu 20.000 tấn gạo hữu cơ, trong đó 80- 90% là thị trường EU.

Nếu xét về sản lượng gạo xuất khẩu, Campuchia không phải là đối thủ của Việt Nam. Song, xét về chất lượng và thương hiệu trên thị trường thế giới, gạo Campuchia đã lọt top 5 xuất khẩu vào EU.

Theo ông Sok Puthivuth- Chủ tịch Liên đoàn Gạo Campuchia (CRF), Campuchia đã biết duy trì được giống gạo thơm ngon từ tổ tiên để lại như gạo "Malys Angkor", thanh lọc giống lúa, cải thiện chất lượng gạo, tăng tiêu chuẩn xay xát gạo ở cấp độ quốc gia và quốc tế. Campuchia cũng có một vị trí địa lý thuận lợi cho nông nghiệp, đặc biệt là khu vực trồng lúa ở xung quanh biển hồ Tonle Sap và sông Mekong.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem