Vì sao chiến dịch bắt cóc Churchill của Hitler thất bại?

M.A (theo Features) Thứ năm, ngày 19/03/2020 20:30 PM (GMT+7)
Tại vùng ven biển Norfolk, Bắc nước Anh có một ngôi làng hẻo lánh tên là Sdelecon, trong nghĩa trang phía sau ngôi nhà thờ của làng có dựng một tấm bia đá với dòng chữ khắc bằng tiếng Đức như sau: "Nơi đây Trung tá Đức Hans Schtaninne và 13 lính dù Đức yên nghỉ. Thời gian tử vong mùng 6/11/1943".
Bình luận 0

Phía dưới tấm bia mộ ấy ẩn chứa một bí mật của Chiến tranh thế giới thứ II - Hitler từng táo tợn thực hiện một vụ bắt cóc Churchill ngay trên đất nước sương mù. Đây là nấm mồ chôn chung toàn bộ thành viên Đội đặc nhiệm quân Đức thực hiện nhiệm vụ đặc biệt ấy!

Nữ điệp viên Đức lần ra hành tung của Winston Churchill

Năm 1943, quân đội Đồng minh đổ bộ thành công lên đảo Sicilia, ở Italia đã nổ ra cuộc bạo loạn. Ngày 3/9, Italia đã tuyên bố đầu hàng, ký với Đồng minh bản Hiệp định đình chiến. Tên phát xít Mussolini bị phe nổi dậy bắt giam. Nhưng tên hung thần chiến tranh Hitler chưa chịu thất bại. Hắn đã cử một đội biệt động siêu hạng, lập nên một kỳ tích: giải cứu thành công “chiến hữu ruột” Mussolini. Vô cùng đắc ý với chiến tích của mình, Hitler tiếp tục ra lệnh cho Đô đốc hải quân Canaris thực hiện kế hoạch bắt cóc nguyên thủ nước Anh - Thủ tướng Churchill.

img

Thủ tướng Anh Churchill.

Đô đốc Canaris hạ lệnh cho thuộc hạ là Trung tá Otto Rader khởi thảo một kế hoạch hành động thật tỉ mỉ và bí mật, trong thâm tâm ông ta thì cho rằng, đây là một nhiệm vụ bất khả thi vì cuộc chiến đang diễn ra ác liệt mà luồn vào hậu phương nước Anh, bắt cóc thủ tướng của họ, đưa về nước Đức thì quả là chuyện "ăn gan trời"! Trong khi Otto Rader đang vò đầu bứt tai nghĩ kế, thì một hôm, nhận được bản báo cáo mật của Joranna Gra, một nữ điệp viên nằm vùng tại Anh, gửi về. Điệp viên này cho biết vào ngày 6/11/1943, Thủ tướng Anh Churchill sẽ đến thị sát căn cứ không quân Hoàng gia gần làng Sdelecon, nơi thị đang ở, buổi tối sẽ tới thăm một nhà máy quốc phòng, sau đó tới nghỉ cuối tuần tại trang trại của Herry Waytowpe, Tư lệnh Hải quân đã về hưu, chỉ cách làng trên 8km.

Trung tá Otto Rader mừng rơn. Hắn vội giở bản đồ và dò ngay ra được địa điểm làng Sdelecon. Đó là khu vực bờ biển hẻo lánh miền Bắc nước Anh, men theo ven biển là cồn cát và vạt đầm lầy rộng lớn, rất thích hợp cho một cuộc đổ bộ đường không. Hắn còn biết, sau khi triệt thoái khỏi phòng tuyến Dunkerque, một đơn vị lớn quân đội Anh từng đồn trú tại nơi đây nên đã chỉ thị nữ điệp viên Gra tiếp tục điều tra thật kỹ, làm rõ mọi tình hình hoạt động của quân Anh trong khu vực lân cận.

Gra nhanh chóng báo cáo tình hình diễn biến mới: Ở gần làng Sdelecon thường xuyên có các đơn vị quân đội Đồng minh thuộc nhiều quốc tịch tới luyện tập, trong đó có cả đơn vị đặc nhiệm không quân Anh. Người dân bình thường không được phép lai vãng tới gần đó. Sau khi nghiên cứu quy luật, Otto Rader quyết định cho một toán lính Đức đóng giả thành một đơn vị dù Ba Lan trực thuộc đơn vị đặc nhiệm không quân Hoàng gia Anh, thực hiện sứ mệnh đặc biệt bắt cóc Thủ tướng Anh và do đích thân Trung tá Hans Schtaninne chỉ huy chiến dịch này.

Mật lệnh của Hitler: Dốc toàn bộ lực lượng cho chiến dịch bắt cóc

Otto Rader soạn thảo một bản kế hoạch hết sức chi tiết, hí hửng đệ trình lên thượng cấp. Trong khi Đô đốc Canaris vẫn tỏ ra hoài nghi về viễn cảnh thành công của kế hoạch này thì trùm mật vụ Himmler lại tỏ ra rất hứng thú, hắn gọi Otto Rader tới phòng làm việc của mình, giao cho Otto Rader một phong thư đóng dấu tuyệt mật. Otto Rader tái mặt khi bóc phong thư và nhận ra đây là một bản mật lệnh của Hitler, nguyên văn như sau: “Mật lệnh của nguyên thủ kiêm Thủ tướng quốc gia: Trung tá Otto Rader là người thực thi nhiệm vụ theo lệnh trực tiếp của tôi. Anh ta chỉ phải báo cáo tình hình với tôi".

Có sự ủng hộ của Hitler, Otto Rader cũng vững niềm tin vào việc thực thi thành công kế hoạch hành động. Tại Ranzvonght, một thôn nhỏ cách thủ đô Hà Lan 32km về phía bắc, Otto Rader đã thiết lập một căn cứ huấn luyện đổ bộ đường không để cho Hans Schtaninne và 13 tên lính đặc nhiệm dưới quyền tập nhảy dù, đồng thời cử thêm điệp viên siêu hạng là Raim Diverin tới phối hợp cùng Gra tiếp nhận hành động đổ bộ đường không. Sau khi đã hoàn thành mọi công việc chuẩn bị, Hitler chỉ thị cho Otto Rader: “Nhằm tránh vi phạm điều khoản trong Hội nghị Genève quy định quân đội tham chiến không được giả mạo mặc quân phục của đối phương, vì vậy cho lính dù mặc quân phục Đức bên trong, bên ngoài mặc quân phục Anh, khi chính thức hành động, sẽ trút bỏ lớp ngoài; còn đối với Churchill, hết sức cố gắng bắt sống, vạn bất đắc dĩ mới được phép hạ sát”.

Do từ rất nhỏ đã được theo học tại Anh nên Schtaninne nói tiếng Anh rất lưu loát. Phục vụ trong quân đội Đức Quốc xã, Schtaninne đã lập nhiều chiến công. Trong chiến dịch Stalingrad, binh sĩ dưới quyền chỉ huy của hắn bị thương vong nặng nề, khi qua Warsaw, thủ đô Ba Lan trên đường rút chạy về Đức, do tỏ ra bất bình trước hành vi giết hại một bé gái người Do Thái của bọn lính SS, hắn bị đưa ra tòa án binh và bị đày ra một đảo nhỏ, cùng các “lao công đào binh” thực hiện một nhiệm vụ cực kỳ nguy hiểm: chuyên tập kích các tàu thuyền của phe Đồng minh đi ngang qua. Schteninne được chọn vào lực lượng thực hiện chiến dịch bắt cóc.

Hành động bại lộ vì chuyện bất ngờ

Tối 5/11/1943, nhóm biệt kích do Schtaninne cầm đầu nhảy dù thành công. Sau khi trời sáng, bọn chúng mặc quân phục Anh, công khai luyện tập bắn súng gần nhà máy xay Sdelecon, dân làng đổ ra xem đứng chật cả cây cầu nhỏ gần đấy; nhưng lan can gỗ cây cầu quá cũ, bị ải mục, không chịu đựng nổi sức đè của quá đông người, đột nhiên bị gãy gục, hai đứa trẻ theo đà rơi xuống lòng sông và bị dòng nước cuốn xuôi xuống phía nhà máy xay. Toán biệt kích Đức mặc quân phục Anh nghe tin vội dừng tập bắn, lao ra bờ sông, hai binh sĩ để nguyên cả quân phục lao xuống nước, bơi ra chỗ hai cháu nhỏ đang vùng vẫy giữa dòng nước. Trung sĩ Sdim bơi phía trước chộp được cánh tay một bé trai, giao cho Thượng sĩ Brandt bơi ở phía sau, lại vội quay ra cứu tiếp cháu bé gái kia, nhưng gặp phải xoáy nước, Sdim bị cuốn vào bánh xe nước cực lớn của cối xay. Khi mọi người đến ứng cứu và vớt được Sdim lên thì đầu Sdim đã bị dập nát, máu nhuộm đỏ cả một vùng nước. Brandt vội vàng cởi phăng áo ngoài của Sdim để cấp cứu, nhưng Sdim đã chết.

Lúc ấy, cậu bé vừa được cứu sống đứng bên cạnh đột nhiên chỉ vào bộ quân phục Đức trên người Sdim và hét toáng lên. Dân làng để ý tới người anh hùng xả thân cứu người đúng là đang mặc bên trong bộ quân phục Đức. Hans Schtaninne thấy chân tướng đã bại lộ liền ra lệnh cho toán biệt kích dùng vũ lực khống chế, lùa tất cả dân làng giam trong nhà thờ và phong tỏa quanh làng, lẳng lặng chờ Thủ tướng Churchill tới.

Vị linh mục cai quản nhà thờ phán đoán rằng, rất có thể bọn lính Đức này đột nhập nhằm đón lõng Churchill, liền nháy mắt, thầm bảo em gái mình thông qua đường dây bí mật, báo cáo với Tổng bộ Biệt động Mỹ đóng tại Mermsh. Sau khi nhận được nguồn tin khẩn cấp, Thượng tá Satoff chỉ huy Đội biệt động Mỹ lập tức ra lệnh cho cấp phó của mình là Thiếu tá Caine dùng xe jeep phóng đi ngăn đoàn xe của Thủ tướng Anh lại. Bản thân Thượng tá Satoff tự mình dẫn đầu hơn 40 binh sĩ biệt động Mỹ ngồi trên 8 chiếc xe jeep, chia ra thành ba toán bao vây chặt quanh nhà thờ. Không lâu sau khi Thiếu tá Caine đón đường đưa được đoàn xe của Churchill vào lánh tại Tổng bộ Biệt động Mỹ, ông ta đã dẫn một toán binh sĩ tới tăng viện quanh nhà thờ.

Nhằm tránh gây thương vong cho thường dân bị bắt làm con tin trong nhà thờ, Satoff đề nghị đàm phán với đội biệt kích Đức. Schtaninne đồng ý thả hết thường dân bị giam giữ, nhưng thề tử thủ đến cùng, quyết không đầu hàng. Cũng chính lúc ấy, gã điệp viên tăng cường tới trước là Diverin, qua một cô gái mới làm quen, hắn biết được lối thoát bí mật của nhà thờ. Khi tiếng súng của lực lượng bao vây bên ngoài nhà thờ rộ lên uy hiếp thì Schtaninne dẫn theo toán biệt kích Đức nhảy lên chiếc xe con của vị linh mục, lao ra con đường lớn thông ra bãi biển.

Khi trời tối, Schtaninne cho xe chạy về phía Tổng bộ Biệt động Mỹ ở Mermsh. Tại một trạm gác, quân cảnh Mỹ phát hiện ra, lập tức báo động và huy động lực lượng truy kích, bắn đuổi tới tấp. Chiếc xe chở toàn bộ toán biệt kích Đức bị trúng nhiều phát đạn, vỡ lốp, lạc tay lái, lao xuống vực nhưng Schtaninne chỉ bị thương nhẹ vì hắn kịp thời nhảy ra khỏi xe. Khi kiểm tra các xác lính biệt kích Đức, quân Mỹ thấy thiếu toán trưởng Schtaninne, liền tỏa ra các hướng truy tìm ráo riết.

Kết cục đầy kịch tính

21 giờ, trời bắt đầu mưa nặng hạt. Một lính thông tin quân đội Anh trên đường đưa tin tới Đội biệt động Mỹ bị lạc lối, phải dừng lại bên đường và soi xem bản đồ dưới ánh đèn  pha xe môtô. Anh ta chợt phát hiện có tiếng động gần đâu đây, vội ngẩng nhìn lên, bỗng bắt gặp một người choàng áo mưa đã đứng ngay bên cạnh. “Cậu bị lạc đường phải không?”. “Đúng vậy, mình muốn tới Mermsh gấp, đằng ấy có chỉ giùm được không?”. Người lính thông tin tiếp tục cúi xuống lần tìm đường trong bản đồ. “Để mình giúp cậu” - Vừa nói, Schtaninne vừa móc khẩu súng ngắn trong túi ra nhắm thẳng vào người lính Anh nhả đạn. Schtaninne lột ngay bộ quân phục lính thông tin Anh mặc lên người. Khi lục tìm trong cặp công văn, anh ta phát hiện một bức thư mật gửi Thượng tá biệt động Mỹ Satoff.

Schtaninne nhảy lên chiếc môtô của tên lính thông tin Anh, phóng thẳng tới Tổng bộ Biệt động quân Mỹ. Tới trạm gác cổng lớn, hắn giơ bức thư lên vẫy vẫy nói to: “Đây là công văn khẩn gửi tận tay Thượng tá Satoff”. Viên lính gác phẩy tay ra hiệu, hắn thoải mái phóng qua cổng vào trong sân Tổng bộ, vòng qua tiền sảnh, men theo con đường nhỏ tới sân sau. Hắn bỏ xe, lội bộ qua vườn hoa, trút bỏ bộ quân phục thông tin Anh, bước thẳng về phía cầu thang gác 2.

Cùng lúc ấy, Caine đang báo cáo với Satoff về việc Schtaninne vẫn còn sống và đang lẩn trốn thì viên trung sĩ cảnh vệ đẩy cửa bước vào hỏi Caine: “Thưa Thiếu tá, ngài cho gọi tôi?”. “Đúng. Trạm gác ngoài cổng có tình hình gì không? - Caine hỏi. Viên trung sĩ báo cáo: “Mấy phút trước có một lính thông tin Anh mang theo một bức thư mật gửi Trung tá Satoff. Thiếu tá Caine và Trung tá Satoff bất giác nhìn nhau nghi hoặc, cảm thấy đã xảy ra chuyện chẳng lành, liền móc súng cùng  lao về phía phòng nghỉ của Thủ tướng Anh Churchill.

Lúc này Schtaninne đã bước qua nấc cầu thang trên cùng. Bước chân gấp gáp của hắn làm Churchill giật mình, ông quay lại hỏi: “Nếu tôi không lầm thì anh chính là Trung tá quân dù Đức Quốc xã Hans Schtaninne?”. Schtaninne nói rõ từng tiếng: “Thưa ngài Churchill, tôi rất lấy làm tiếc vì chuyện xảy ra hôm nay, nhưng với tư cách là một người lính, tôi buộc lòng phải thi hành nhiệm vụ của mình”. “Vậy anh còn chờ gì nữa?” - Thủ tướng Churchill cất giọng rất bình tĩnh. Schtaninne nâng súng chĩa thẳng vào Churchill, đặt ngón tay trỏ vào cò súng. Đúng lúc ấy, Caine đạp cửa xông vào, lẩy cò súng, bắn liền một loạt đạn. Schtaninne gục xuống cùng tiếng nổ liên hồi. Thủ tướng Anh không hề biểu lộ chút hoảng hốt, sợ hãi nào, nói giọng bình thản: “Thật kỳ lạ. Hắn đã đặt ngón tay vào cò súng, tới tích tắc cuối cùng, hắn lại do dự. Nói gì thì nói, anh ta vẫn là một người lính dũng cảm. Hãy mai táng anh ta thật đàng hoàng”.

Thế là, người ta chôn cất Schtaninne cùng 13 đội viên biệt kích Đức ngay tại nghĩa trang sau nhà thờ và đặt tấm bia đá với dòng chữ như đã kể phần đầu. Nhưng thật mỉa mai với Cơ quan Tình báo Đức là, khi cả toán đặc nhiệm thực thi nhiệm vụ bắt cóc cực kỳ ngông cuồng và phải vùi xác trên lãnh thổ Anh thì trớ trêu, Churchill không hề đặt chân tới làng Sdelecon mà đang chuẩn bị đáp chiếc kỳ hạm của Hải quân Hoàng gia Anh, đi dự Hội nghị Teheran, và trên đường đi còn ghé thăm Algers; ngày 17/11, ông tới Malta. Còn người hoạt động thị sát tại vùng Sdelecon lúc đó là người đóng thế của Churchill - George Howard Forster. Cơ quan tình báo Đức đã hoàn toàn trúng kế đánh lừa của người Anh.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem