Vì sao ĐH Kinh tế Quốc dân chỉ cho thôi học 7 SV gian lận thi cử?

Hà My Thứ hai, ngày 22/04/2019 16:02 PM (GMT+7)
Có 7/11 sinh viên đến từ Sơn La và Hòa Bình bị cho thôi học, còn 4 em vẫn được tiếp tục theo học tại trường ĐH Kinh tế Quốc dân dù có dính líu tới gian lận thi THPT Quốc gia 2018.
Bình luận 0

Hôm nay, 22.4, PGS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã thông tin nhà trường có quyết định xóa tên 5 sinh viên có tên trong danh sách thí sinh gian lận thi THPT Quốc gia 2018 đến từ Sơn La.

Cụ thể, trong số các sinh viên là thí sinh Sơn La đang theo học năm thứ nhất của trường, có 7 em nằm trong danh sách thí sinh có điểm thi gian lận sau khi Bộ GDĐT chấm thẩm định. Trong số 7 em này, có 5 em điểm thật thấp hơn điểm chuẩn ngành mà các em theo học, 2 em còn lại điểm thật của các em vẫn đạt chuẩn. Vì vậy, 2 sinh viên còn tại tuy có tên trong danh sách gian lận thi  THPT Quốc gia 2018 nhưng vẫn tiếp tục được theo học tại trường.

img

Trường ĐH Kinh tế quốc dân tiếp tục buộc thôi học 5 sinh viên đến từ Sơn La gian lận thi THPT Quốc gia 2018. Ảnh minh họa: IT

Đây không phải là trường hợp duy nhất tuy bài thi có liên quan đến gian lận thi THPT Quốc gia 2018 nhưng sinh viên vẫn tiếp tục được học tại trường do điểm gốc sau khi chấm thẩm định vẫn đủ điểm xét tuyển.

Trước đó, trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng đã có 2 trường hợp tới từ Hòa Bình được tiếp tục học vì lý do tương tự cho dù có tên trong danh sách gian lận thi THPT. Còn lại 2 em khác bị thôi học do điểm chấm lại thấp hơn điểm trúng tuyển. Ngoài ra, một số sinh viên vẫn được tiếp tục theo học tại các trường đại học khác, nâng tổng con số thí sinh "ngoại lệ" này lên con số 10 sinh viên. 

Lý giải về điều này, hôm nay (ngày 22.4), Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có những chia sẻ với báo chí. Ông Nhạ nhấn mạnh rằng sẽ xử lý tới cùng đối với những sinh viên có dấu hiệu gian lận thi cử THPT Quốc gia 2018.

Bộ trưởng Nhạ khẳng định: "Xử lý những sai phạm liên quan đến kết quả thi THPT Quốc gia của thí sinh không chỉ được áp dụng bởi các quy định trong Quy chế mà còn các quy định của nhiều văn bản quy phạm pháp luật và các quy định khác của cơ sở giáo dục đại học. Vì thế, khi xử lý một trường hợp, chúng ta phải áp dụng các quy định để đảm bảo tính chính xác, công bằng, nghiêm minh". 

img

Bộ trường Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh việc cương quyết xử lý các đối tượng liên quan tới vụ việc việc gian lận thi THPT Quốc gia 2018.

"Theo quy định của Luật Giáo dục Đại học, việc tuyển sinh thuộc quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, nên việc xử lý các trường hợp thí sinh bị hạ điểm thi trước hết thuộc thẩm quyền của các trường. Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học có quyền và trách nhiệm xử lý, không thụ động đợi chỉ đạo của Bộ. Vừa qua, các trường đại học khối Công an đã chủ động xử lý theo quyền và trách nhiệm của họ. Tôi ủng hộ cách xử lý của các trường này" - Bộ trưởng chia sẻ.

Ông Phùng Xuân Nhạ cho biết thêm, Bộ GDĐT đóng vai trò chỉ đạo các trường Đại học phải căn cứ vào quy định của Quy chế tuyển sinh, của Đề án tuyển sinh đã công bố, các quy định riêng của từng trường và quy định có liên quan của cơ quan có thẩm quyền (bộ, ngành, địa phương…nếu có) để chủ động xử lý nghiêm, đúng pháp luật, đảm bảo có căn cứ và có trách nhiệm giải trình với xã hội.

Trước đó, cùng chung quan điểm trên về việc xử lý các thí sinh gian lận thi THPT Quốc gia 2018 nhưng vẫn đủ điểm sau khi chấm thẩm định, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) cho biết: "Hiện tại, cơ quan điều tra chỉ mới làm rõ được vai trò của đối tượng trực tiếp sửa điểm trong vụ việc gian lận thi cử trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018.

Vì vậy, chưa đủ chứng cớ về mặt hình sự để có thể có chế tài xử lý đối với các sinh viên bị sửa điểm. Nếu điểm số sau khi chấm thẩm định thấp hơn điểm xét tuyển của trường thì xử lý dễ dàng là buộc thôi học, thế nhưng điểm bằng hoặc cao hơn thì lại chưa có cơ sở pháp lý nào để xử lý. Các thí sinh này vẫn có quyền được tiếp tục học tập tại nơi mình đăng ký học".

img

TS Lê Viết Khuyến cho rằng phải xử lý triệt để vụ việc gian lận thi THPT Quốc gia 2018 để lấy lại niềm tin của xã hội.

TS Lê Viết Khuyến cũng nhấn mạnh, việc đầu tiên và quan trọng nhất của Bộ GDĐT và cơ quan điều tra hiện tại là phải làm rõ sự liên quan của phụ huynh, thí sinh đối với việc gian lận thi cử THPT Quốc gia 2018. Từ đó mới có hướng giải quyết cụ thể với từng trường hợp, mang lại niềm tin cho xã hội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem