Vì sao đường bay "vàng" không nhiều "vàng" như kỳ vọng?

Thứ sáu, ngày 05/09/2014 10:50 AM (GMT+7)
Cựu phi công Mai Trọng Tuấn cho rằng, những ai hiểu về hàng không đều hiểu rằng tiết kiệm được một phút bay với vài ba chục cây số cũng là rất quý.
Bình luận 0

img

Ông Mai Trọng Tuấn (76 tuổi) nguyên là phi công của đoàn bay 919, Quân chủng Phòng không không quân. Rời quân ngũ năm 1983 với quân hàm Trung tá, ông hiện là tổng giám đốc một doanh nghiệp tại TP HCM.

Cục Hàng không Việt Nam vừa chính thức công bố kết quả chuyến bay thử nghiệm đường bay thẳng Nội Bài - Tân Sơn Nhất qua không phận hai nước Lào và Campuchia.

Theo đó, đường bay này chỉ nhanh hơn được 5 phút so với đường bay hiện hữu, tiết kiệm được quãng đường 85,2km và 190kg dầu.

Số thời gian tiết kiệm được cho là khá “khiêm tốn” mặc dù trong lần bay này, tổ bay thiết lập nhiều thông số thuận lợi hơn cho hành trình. Ví dụ, mực bay đoạn qua Lào được thiết lập tối ưu, thay vì ở mức thấp như phía Lào yêu cầu.

Theo tính toán trước đó của cựu phi công Mai Trọng Tuấn, bay kéo thẳng kinh tuyến 106o Đông từ Hà Nội đi TP. HCM có thể rút ngắn được quãng đường 110km, nếu xuất phát từ sân bay Gia Lâm.

Giải thích về sự chênh lệch số thời gian tiết kiệm giữa hai đường bay trong kết quả bay thử nghiệm của Vietnam Airlines với nghiên cứu dự tính của mình từ năm 2009, ông Mai Trọng Tuấn cho biết: Đường bay hiện tại đã được “nắn” lại so với đường bay năm 2009, không bay đến Đà Nẵng mà chỉ bay đến Huế rồi xuôi xuống Pleiku như vậy khoảng cách và thời gian đều sẽ ít hơn.

Vị cựu phi công này cho rằng nếu tính đầy đủ thì thời gian tiết kiệm chắc sẽ nhỉnh hơn một chút. “Cách giao đề bài khác nhau, đối tượng được đem ra so sánh khác nhau và trong thời điểm khác nhau sẽ cho ra kết quả khác nhau”, ông Tuấn nói.  

Ông Tuấn dẫn chứng: Cất cánh thì phải tính từ mặt đất đến mặt đất, nhưng kết quả thử nghiệm lại lấy từ các đỉnh đài với nhau. Thêm nữa, mỗi một chặng khác nhau, điểm xuất phát khác nhau sẽ cho ra kết quả khác nhau. Và ngay cả cùng một người lái với cùng một chặng đường ở những lần khác nhau với những điều kiện khác nhau, hoặc họ chỉ tăng vận tốc lên một chút cũng sẽ ra kết quả chênh lệch...

Tuy nhiên ông Tuấn vẫn tỏ ra tin tưởng kết quả thử nghiệm này khi khẳng định “con số chênh nhau chỉ trên dưới 100km thôi thì hoàn toàn có thể tin tưởng được. Chứ tiết kiệm lên tới vài trăm km và vài chục phút mới khó tin”.

Trước câu hỏi về việc có nên bay theo “đường bay vàng” khi số thời gian tiết kiệm được khá khiêm tốn, ông Mai Trọng Tuấn cho rằng: Quyết định có lập đường bay này hay không là do Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải cân nhắc, xem xét. Còn sau đó có bay hay không là do các hãng hàng không quyết định.

“Tuy nhiên, theo tôi, về thời gian, những ai hiểu về hàng không đều hiểu rằng tiết kiệm được một phút bay với vài ba chục cây số cũng là rất quý, tất nhiên phải kèm theo những yếu tố an toàn”, ông Tuấn nói.

Cũng theo quan điểm của vị cựu phi công này, không cần thiết đề xuất để nhiều hãng bay khác tham gia bay thử.

“Chiều ngày 3.9, lãnh đạo Cục Hàng không cũng đã mời tôi tham gia bay thử nghiệm nhưng tôi đã không tham dự vì cho rằng không cần thiết. Là phi công và là giáo viên huấn luyện bay, tôi tin tưởng vào sự chính xác của SIM (buồng lái giả định)”, ông Tuấn nói.
(Theo BizLIVE )
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem