Vì sao Hoàng Anh Gia Lai liên tục bị thu hồi dự án?

Bạch Dương Thứ tư, ngày 01/06/2016 11:37 AM (GMT+7)
Sau khi dự án bò của Hoàng Anh Gia Lai bị UBND tỉnh Kon Tum thu hồi, UBND tỉnh Gia Lai lại vừa có quyết định thu hồi 50,89 ha đất trồng tiêu của Hoàng Anh Gia Lai.
Bình luận 0

Số đất này được giao cho Công ty Cổ phần Nông nghiệp NuTi thuê để tiếp tục đầu tư và chăm sóc cây hồ tiêu.

img

50 ha đất hiện đang trồng tiêu cấp cho Hoàng Anh Gia Lai vừa bị thu hồi. Ảnh minh họa

Ông Kpă Thuyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai vừa ký quyết định thu hồi trên 50ha đất của Hoàng Anh Gia Lai, đồng thời giao số đất này cho Cty Nông nghiệp NUTI để tiếp tục đầu tư và chăm sóc cây hồ tiêu tại xã Ia Băng (Chư Prông) và xã Gào (TP Pleiku).

Diện tích đất bị thu hồi này nằm ở 2 xã Ia Băng (Chư Prông) và xã Gào (TP Pleiku), được cơ quan chức năng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Hoàng Anh Gia Lai có thời hạn từ năm 2011 đến tháng 2.2042.

img

Số đất trên hiện nay đang trồng tiêu. Ngày 11.5, Cty Nông nghiệp NUTI có đơn đề nghị thuê đất và đến ngày 23.5 được UBND tỉnh Gia Lai chấp thuận.

UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu Hoàng Anh Gia Lai bàn giao lại toàn bộ diện tích đất trên cho Cty cổ phần nông nghiệp NUTI quản lý để đầu tư chăm sóc cây hồ tiêu.

Trước đó, UBND tỉnh Kon Tum cũng đã đã thống nhất thu hồi giấy chứng nhận đầu tư số 38121000171 cấp ngày 15.5.2015 và chấm dứt hoạt động Dự án trồng cỏ, nuôi bò thịt công nghệ cao của Hoàng Anh Gia Lai với lý do “nhà đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án"....

img

Dự án nuôi bò 1.600 tỉ của Hoàng Anh Gia Lai cũng bị thu hồi

Khi công bố dự án nuôi bò tại Kon Tum, phía HAG đã kỳ vọng sẽ có đóng góp lớn cho ngân sách địa phương cũng như giải quyết công ăn việc làm người dân tại đây. Do đó việc HAG chấm dứt hoạt động đầu tư tại dự án này đã khiến không ít người cảm thấy bất ngờ.

Khi được đề cập đến vấn đề này, ông Võ Trường Sơn, tổng giám đốc Hoàng Anh Gia Lai cho biết, nguyên nhân mà Tập đoàn rút khỏi dự án bò ở Kon Tum là do đất tại đây không liền vùng, diện tích không đủ lớn nên nếu đầu tư sẽ khó có hiệu quả cao.

Dù được phát tín hiệu chấp thuận giãn nợ từ phía ngân hàng song nợ vay của Hoàng Anh Gia Lai thực tế hiện vẫn đang vượt 28.000 tỷ đồng. Trong khi đó, khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngành chăn nuôi được dự báo sẽ khó khăn khi thuế với các loại thịt bò, gà… sẽ về 0% trong lộ trình 10 năm.

Hoàng Anh Gia Lai là một trong số ít doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam đầu tư trọng điểm vào nuôi bò công nghệ cao. Công ty đã dành tới 6.300 tỷ đồng vào dự án chăn nuôi với tổng đàn 236.000 con, trong đó có 120.000 con bò sữa.

Cùng với thu hồi diện tích đất trồng tiêu, UBND tỉnh Gia Lai cũng đã thống nhất chủ trương cho Hoàng Anh Gia Lai chuyển đổi công năng 2 dự án. Đó là chuyển cơ cấu cây trồng từ trồng cỏ chăn nuôi bò sang trồng cây ăn trái để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến các sản phẩm từ cây ăn trái của Hoàng Anh Gia Lai đối với các đơn vị trực thuộc là CTCP Bò sữa Tây Nguyên và CTCP Chăn nuôi Gia Lai.

Theo đó, CTCP Bò sữa Tây Nguyên sẽ được chuyển đổi cây trồng từ trồng cỏ nuôi bò sang trồng cây ăn trái với diện tích 195,8 ha tại xã Ia Pếch, huyện Ia Grai. Còn CTCP Chăn nuôi Gia Lai thì được chuyển đổi diện tích 488,8 ha sang trồng cây ăn trái tại các xã Lơ Pang, Kon Thụp, Đê Ar, huyện Mang Yangi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem