Moscow khẳng định rằng, nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un đã chấp nhận lời mời và sẽ góp mặt trong buổi lễ đánh dấu 70 năm chiến thắng của Liên Xô trước Đức Quốc xã trong chiến tranh thế giới thứ 2 vào tháng 5 tới.
Sự hiện diện của ông Kim tại sự kiện này được cho là sẽ hút sự chú ý và quan tâm của dư luận. Nhân sự kiện này, nhiều người băn khoăn, tại sao nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên lại trì hoãn quá lâu việc công du nước ngoài? Và nay lý do gì khiến ông quyết định ra mắt toàn cầu? Giới phân tích đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi trên.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un
Một số người cho rằng, việc nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un trì hoãn công du nước ngoài trong 3 năm qua kể từ khi lên cầm quyền lãnh đạo Triều Tiên xuất phát từ việc ông muốn hoàn tất việc để tang người cha quá cố, lãnh đạo Kim Jong-il theo truyền thống. Hạn để tang vừa kết thúc vào tháng 12 năm ngoái và do đó, đã đến thời điểm thích hợp để nhà lãnh đạo Kim thực hiện chuyến xuất ngoại đầu tiên.
Một số người khác bình luận, ông Kim Jong-un còn trẻ tuổi và khi lên cầm quyền vẫn còn thiếu nhiều kinh nghiệm lãnh đạo. Do đó, ông muốn hoàn thành vai trò lãnh đạo ở trong nước trước khi mạo hiểm tìm cách "gây tiếng vang" ở nước ngoài.
Trên thực tế, các nhà lãnh đạo tiền nhiệm của Triều Tiên cũng không thường xuyên công du nước ngoài. Tính đến nay, ông nội của nhà lãnh đạo Kim Jong-un là cố Chủ tịch Kim Nhật Thành được cho là người "chăm chỉ xuất ngoại nhất" khi từng đi tới thăm hầu hết các nước thuộc khối Đông Âu cũ cũng như hai đồng minh ruột lâu năm của Triều Tiên là Trung Quốc và Nga.
Trong khi đó, kể từ khi lên nắm quyền vào năm 1994, cố lãnh đạo Kim Jong-il hiếm khi xuất ngoại. Theo nhiều chuyên gia, chứng sợ máy bay là một trong những nguyên nhân chính khiến những chuyến công du nước ngoài hiếm hoi của ông Kim Jong-il chỉ gói gọn ở hai nước Trung Quốc và Nga.
Về phần đương kim lãnh đạo Kim Jong-un, theo các nhà phân tích, lựa chọn thăm Nga lần này của ông cho thấy Bình Nhưỡng đang nỗ lực củng cố quan hệ với Moscow, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế và thương mại.
Trong khi đó, Nga cũng đang tìm cách mở rộng quan hệ kinh tế với Triều Tiên khi đang "để mắt" tới dự án đại tu lại hệ thống đường sắt của nước này trị giá lên tới 25 tỷ USD (20 tỷ euro).
Ngoài ra, lựa chọn thăm Nga cũng là tín hiệu chỉ ra rằng, ông Kim Jong-un muốn giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc - đồng minh số 1 của nước này trên lĩnh vực ngoại giao và kinh tế.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã duy trì mối quan hệ khá xa cách khi chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới bán đảo Triều Tiên của ông Tập vào năm ngoái không phải là Bình Nhưỡng mà lại là Seoul trong bối cảnh Bắc Kinh cũng ngày càng tỏ ra không hài lòng với tham vọng hạt nhân của đồng minh ruột, theo chuyên gia phân tích Andrei Lankov.
Tuy nhiên, bất chấp các tuyên bố từ Điện Kremlin, Bình Nhưỡng đến nay vẫn chưa chính thức xác nhận ông Kim Jong-un sẽ thăm Nga. Theo ông Andrei Lankov, hiện vẫn chưa có gì bảo đảm chắc chắn lãnh đạo tối cao của Triều Tiên sẽ tới Moscow cho tới khi ông thực sự có mặt ở đó.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.