Vì sao lao động nữ về hưu từ 1.1.2018 bị giảm tới 10% lương hưu?

Thùy Anh Thứ tư, ngày 01/11/2017 13:08 PM (GMT+7)
Ngoài vấn đề lương giáo viên mầm non thấp thì vấn đề lương cho lao động nữ nghỉ hưu sau 1.1.2018 cũng đang “nóng” trong phiên họp quốc hội trong những ngày gần đây.
Bình luận 0

Sở dĩ vấn đề này được dư luận khá quan tâm là bởi tới đây nếu lao động nữ nghỉ hưu sau ngày 1.1.2018 thì tiền lương hưu sẽ bị giảm. Tức là chỉ cần nghỉ hưu sau 1 đêm, lao động nữ sẽ bị giảm trừ 10% lương hưu.

Luật BHXH năm 2014 quy định, từ năm 2018 trở đi, cách tính tỷ lệ phần trăm lương hưu đối với người lao động có sự thay đổi theo chiều hướng tăng số năm đóng, tăng điều kiện hưởng. Đặc biệt với lao động nữ, tỷ lệ phần trăm lương hưu mỗi năm giảm từ 3% xuống 2% (giảm 1%).

img

Từ năm 2018 trở đi, tỷ lệ lương hưu mỗi năm giảm trừ 1%. Ảnh: I.T

Từ 1.1.2018, tiền lương hưu của cả nam và nữ đều giảm sút một phần do nam phải đạt 31 năm công tác thì mới được 75%; còn đối với nữ, nếu như trước năm 2018, sau 15 năm đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) được hưởng 45%, sau đó cứ mỗi năm tham gia BHXH được cộng thêm 3%, nhưng bắt đầu từ 2018 chỉ còn 2%.

Như vậy, giả sử một lao động nữ sinh ngày 31.12.1962 thì thời điểm về hưu là 31.12.2017, đối chiếu theo quy định cũ thì mức lương hưu người này được hưởng là 75%.

Tuy nhiên, với lao động nữ sinh ngày 1.1.1963 (sau chỉ 1 ngày) thì thời điểm nghỉ hưu là 1.1.2018, đồng nghĩa rằng, lương hưu của lao động này được tính theo quy định mới và chỉ còn 65%.

Trước thực trạng trên, nhiều ý kiến từ phía Bộ LĐTBXH, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội và ngay cả BHXH Việt Nam cũng cho rằng cần thiết phải xem lại lộ trình tính lương hưu với lao động nữ nghỉ hưu từ 1.1.2018.

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm UBCVĐXH Quốc hội làm một phép so sánh nhỏ, giữa Luật BHXH 2006 và Luật BHXH năm 2014 thì rõ ràng lao động nữ đã bị thiệt kép.

Cụ thể, nếu đóng BHXH từ 16 năm trở đi bị thì giảm 1% (trước đây là 3% giờ giảm 2%) tỉ lệ lương bình quân, thời gian đóng BHXH tăng lên 5 năm (đóng 30 năm thay vì chỉ 25 năm như trước đó) để được hưởng tối đa 75% lương bình quân và điều này áp dụng ngay mà không có lộ trình. Với cách tính toán “thiệt” – “hơn” như vậy, rõ ràng sẽ có không ít lao động nữ muốn xin nghỉ hưu sớm để “né” chính sách.

Cá nhân ông Bùi Sỹ Lợi thì ủng hộ quan điểm có thể kéo dài lộ trình tính tỷ lệ hưởng lương hưu từ 5 đến 10 năm để giảm bớt sự bức bách và hẫng hụt cho lao động nữ và thể hiện ưu đãi đối với lao động nữ khi về hưu.

Ông Lợi phân tích: “Mặc dù thời gian áp dụng gần nhưng nếu Chính phủ có bước chuẩn bị tốt thì sẽ thực hiện được bằng cách thông qua Nghị quyết hoãn thực hiện tại kỳ họp Quốc hội lần này. Trước đó, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết lùi thời gian thực hiện Điều 60 của Luật BHXH 2014 liên quan đến việc nhận chế độ BHXH một lần đã có trước đó”.

Theo ông Lợi nếu Chính phủ thấy rằng cần thực hiện có lộ trình như với lao động nam để lao động nữ không bị giảm sút về mức lương và không gây tâm lý hụt hẫng thì Chính phủ cũng phải đề xuất cách thức, nghiên cứu, đánh giá tác động và báo cáo Quốc hội để xử lý.

img

Nhiều chuyên gia kiến nghị nên có lộ trình giảm tỷ lệ hưởng lương hưu cho lao động nữ. Ảnh: I.T

Đại diện cơ quan BHXH, ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cũng cho biết đơn vị này đã nhận thấy những bất cập trong chính sách và có văn bản kiến nghị Chính phủ để có giải pháp với những trường hợp này. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời. Ông Sơn lo ngại nếu không được giải quyết sớm sẽ dẫn tới câu chuyện “chạy”  giám định BHXH để được nghỉ hưu sớm hoặc hưởng tỉ lệ tính lương hưu cao nhất.

Đại diện Vụ BHXH (Bộ LĐTBXH) cho biết, đơn vị này cũng đã tham mưu để Bộ LĐTBXH báo cáo Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội về vấn đề này, trong đó cũng đề xuất một số phương án giải quyết, giãn lộ trình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem