Vì sao mặt bằng lãi suất tại Việt Nam ở mức cao hơn so với thế giới?

30/09/2020 15:03 GMT+7
Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, lạm phát, mức độ rủi ro khi đầu tư vào doanh nghiệp Việt Nam, chi phí giao dịch thị trường tài chính cao và việc cần phải duy trì mức lãi suất huy động hợp lí là những nguyên nhân chính khiến lãi suất ở nước ta cao hơn so với mặt bằng chung khu vực.
 - Ảnh 1.

TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV. (Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn).

Tại sự kiện Diễn đàn Ngân hàng Việt Nam năm 2020 sáng nay (30/9), TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV cho rằng việc giảm lãi suất ngân hàng để hỗ trợ các doanh nghiệp hiện tại là không nhất thiết. Bởi vì lãi suất không phải là rào cản của tăng trưởng tín dụng mà là do sức cầu tín dụng yếu của nền kinh tế.

"Hỗ trợ lãi suất là bài toán mà chúng ta đã không thành công trong năm 2009 bởi vì khi đó có gói hỗ trợ lãi suất 1 tỉ USD, bơm vốn hàng tỉ USD cho vay đại trà ra nền kinh tế. Cho đến bây giờ hệ thống ngân hàng vẫn còn phải xử lí những hệ luỵ từ chính sách này", ông nói.

Ông cho rằng nếu có thực hiện gói hỗ trợ cần sự chọn lọc kĩ càng, hỗ trợ đối với những doanh nghiệp, nhóm ngành chịu hậu quả nặng nề, chỉ nên tối đa khoảng 1 năm và cần thông qua những định chế tài chính đặc biệt như Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) hay Ngân hàng Chính sách xã hội để tinh gọn.

Theo ông, không nên so sánh lãi suất tại Việt Nam và thế giới. Ông chỉ ra 4 nguyên nhân chính khiến lãi suất tại Việt Nam phải ở mức trung bình cao so với quốc tế và khu vực.

Thứ nhất, lạm phát của Việt Nam ở mức cao luôn ở mức 3,5 - 4%; Thứ hai là rủi ro doanh nghiệp của Việt Nam là lớn với mức xếp hạng tín nhiệm BB là hạng đầu cơ. Các nhà đầu tư quốc tế muốn đầu tư vào Việt Nam họ yêu cầu tỉ suất sinh lời phải từ 15% trở lên. 

Thứ ba, chi phí giao dịch tại nền kinh tế của Việt Nam rất cao và rất lớn chính thức và không chính thức cao. Và cuối cùng, lãi suất đầu vào phải duy trì ở mức hấp dẫn để thu hút nguồn vốn cho hệ thống ngân hàng.

Chuyên gia cho rằng cố gắng giữ ổn định mặt bằng lãi suất như thời gian vừa qua là thành công rồi vì khi nền kinh tế phục hồi thì nhu cầu tăng lên và lãi suất có thể tăng nhẹ trong thời gian tới.


Theo Diệp Bình/Kinh tế và Tiêu dùng
Cùng chuyên mục