Vì sao Mỹ nghiện chiến tranh?

Phương Đăng (theo NI) Thứ tư, ngày 31/08/2016 10:00 AM (GMT+7)
Mặc dù mọi cuộc can thiệp đều dẫn đến những cuộc xung đột lớn hơn, xong Mỹ vẫn không ngừng nhúng tay vào các cuộc chiến tranh trên khắp thế giới dựa trên niềm tin rằng, họ có thể giải quyết mọi vấn đề, bao gồm: Khủng bố có thể bị tiêu diệt, Iraq, Syria sẽ được bình định, không còn đổ máu hay Nga và Trung Quốc cuối cùng sẽ phải khuất phục... theo Giáo sư Doug Bandow của Viện Cato.
Bình luận 0

img

Theo ông Bandow, những cuộc can thiệp quân sự gần đây của Mỹ đều chứng minh, mỗi cuộc can thiệp đều đặt nền móng cho một cuộc xung đột lớn hơn.

Tuy nhiên, các "kiến trúc sư" của những cuộc can thiệp quân sự thất bại trên luôn nhấn mạnh rằng, tất cả những sứ mệnh đó sẽ thành công hoặc hiệu quả hơn nếu Washington hành động nhiều hơn, dứt khoát hơn. Theo quan điểm của những "kiến trúc sư" này, vấn đề không nằm ở việc Mỹ quyết định nhúng tay vào một chiến tranh mà là đã không tham chiến đầy đủ.  

Quan niệm trên xuất phát từ niềm tin cho rằng, Washington có thể giải quyết mọi vấn đề, bao gồm: Khủng bố có thể bị tiêu diệt, tổ chức khủng bố khét tiếng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) sẽ bị ngăn chặn, Iraq, Syria được bình định, không còn đổ máu hay Nga và Trung Quốc cuối cùng sẽ phải khuất phục...  

Tuy nhiên, theo Giáo sư Bandow, kết quả thực tế cho thấy chính sách như vậy hoàn toàn không tồn tại. Minh chứng là các hoạt động quân sự của Mỹ ở nước ngoài gần đây đều thất bại.

Vậy nếu can thiệp quân sự đã không thể thành công trong 15 năm qua, vậy vì sao có những người vẫn kêu gọi những chiến dịch như vậy tiếp tục diễn ra trong 15 năm tới? Những người này kêu gọi tiếp tục để quân đội đồn trú và chiến đấu ở nước ngoài lâu hơn, ném thêm bom và thiết lập nhiều hơn nữa các vùng cấm bay trên khắp thế giới mà không cần quan tâm đến hậu quả cũng như hiệu quả thực tế của chính sách đó.

Theo ông Bandow, cuộc xâm lược Iraq của Mỹ đã gây ra xung đột phe phái trên diện rộng ở đất nước Trung Đông này. Nó cũng cướp đi mạng sống của hàng trăm nghìn người dân vô tội địa phương, khai sinh ra những tổ chức, mạng lưới khủng bố khét tiếng như Al Qaeda hay IS đồng thời cũng biến quân đội Mỹ và công dân Mỹ trở thành mục tiêu của những kẻ cực đoan, khủng bố Hồi giáo.   

Sau cuộc can thiệp quân sự của Mỹ vào Libya dẫn đến kết quả là chính quyền Đại tá Qaddafi bị lật đổ, đất nước Bắc Phi hiện vẫn chìm trong xung đột phe phái. Chính phủ Libya do Mỹ và phương Tây hậu thuẫn dựng nên không đủ mạnh để tiếp quản và điều hành đất nước đi đúng hướng.

Đối với Syria, nhiều người ở Washington vẫn tin rằng, Tổng thống Bashar al-Assad cuối cùng sẽ bị lật đổ và chịu chung số phận như Đại tá Qaddafi, IS sẽ bị diệt sạch. Tuy nhiên, theo ông Bandow, nhìn vào những gì đang diễn ra ở Afghanistan, Iraq, Libya, thì đây chỉ là một câu chuyện viễn tưởng tuyệt vời.

Đặc biệt, hiện ngày càng có nhiều lời kêu gọi mạnh mẽ, quyết liệt yêu cầu chính quyền Obama phải vạch ra "đường giới hạn đỏ" nhằm ngăn chặn Nga khôi phục tầm ảnh hưởng và vị thế siêu cường thời Xô viết cũng như sự bành trướng của Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thậm chí, có một số người ở Washington công khai ủng hộ một cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc hoặc Nga...  

Tuy nhiên, mọi nỗ lực hay chiến lược của Washington nhằm gây áp lực với Moscow và Bắc Kinh sẽ chỉ khiến những cường quốc hạt nhân này tìm cách củng cố quân đội để chứng minh rằng, họ sẽ không bị Mỹ khuất phục.

Theo đó, Giáo sư Bandow cho rằng, Mỹ nên ngừng phung phí hàng trăm tỷ đô la để tìm cách "quản lý" toàn cầu vì đây là nỗ lực vô ích.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem