Vì sao Mỹ tính điều tàu sân bay đắt nhất thế giới đến châu Á'?

Chủ nhật, ngày 10/07/2016 12:00 PM (GMT+7)
Siêu tàu sân bay USS Gerald R. Ford sẽ được triển khai đến điểm nóng ở châu Á nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Hải quân Trung Quốc.
Bình luận 0

Tạp chí National Interest cho biết Hải quân Mỹ đang phối hợp với nhà sản xuất hoàn thành công đoạn cuối cùng để bàn giao siêu tàu sân bay USS Gerald R. Ford (CVN-78) cho Hải quân Mỹ vào tháng 9. Siêu hàng không mẫu hạm này sẽ chạy thử từ đầu năm 2017.

Tàu sân bay Ford sẽ tiến hành thử nghiệm khả năng chịu rung xóc trong điều kiện sóng lớn hoặc vụ nổ của vũ khí đối phương ở gần tàu vào năm 2019. Tàu sẽ chính thức được triển khai hoạt động từ năm 2021.

Một quan chức Hải quân Mỹ nói với tờ tin tức quân sự Scout Warrior rằng việc triển khai CVN-78 sẽ phụ thuộc vào tình hình an ninh đầu những năm 2020.

“Quyết định triển khai tàu sân bay đến một địa điểm nào đó thường cần quá trình suy nghĩ và cân nhắc kỹ”, vị quan chức Hải quân Mỹ nói.

Nhà phân tích quân sự Kris Osborn nhận định, tái cân bằng châu Á là một trong những chiến lược ưu tiên hàng đầu của Mỹ, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu siêu tàu sân bay đắt nhất thế giới được triển khai đến châu Á.

Sức mạnh của hàng không mẫu hạm thế hệ mới được thiết kế như một vật cản để ngăn chặn Hải quân Trung Quốc mở rộng hoạt động bên ngoài chuỗi đảo thứ nhất.

img Siêu hàng không mẫu hạm USS Gerald R. Ford (CVN-78) trên sông James vào ngày 11.6. Ảnh: Hải quân Mỹ

Tàu sân công nghệ cao hoạt động ở Thái Bình Dương cho phép Hải quân Mỹ nâng cao sức mạnh chiến đấu. Siêu tàu sân bay USS Gerald R. Ford được áp dụng nhiều công nghệ mới để giải quyết các mối đe dọa trong tương lai.

CVN-78 được trang bị máy phóng điện từ thay cho loại dùng hơi nước trên tàu sân bay lớp Nimitz. Hệ thống radar băng tần kép thế hệ mới, cáp hãm đà cao cấp AAG. Tháp chỉ huy được thiết kế lại cho phép tăng 25% diện tích boong so với Nimitz.

Tàu sân bay Ford được lắp 4 máy phát điện với công suất 26 MW/máy. Hệ thống cung cấp điện với tổng công suất 104 MW đủ cung cấp năng lượng cho máy phóng điện từ, đặc biệt là có thể lắp vũ khí năng lượng định hướng trong tương lai.

Một chỉ huy Hải quân Mỹ từng phát biểu, khi công nghệ vũ khí laser được phát triển hoàn thiện, nó có thể thay thế cho các loại pháo, tên lửa trên sân bay để tăng khả năng phòng thủ. Hệ thống điện trên tàu sân bay Ford đủ cung cấp cho pháo laser, pháo ray điện từ để đánh chặn tên lửa của đối phương.

Các nhà phân tích quân sự đều có cùng nhận định, tàu sân bay đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng hoạt động. Việc triển khai hoạt động siêu hàng không mẫu hạm Ford ở Thái Bình Dương sẽ phải đối mặt với nhiều mối đe dọa.

Trung Quốc gần đây đã giới thiệu tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D với biệt danh “kẻ giết tàu sân bay”. Ngoài ra, Trung Quốc sở hữu nhiều loại tên lửa hành trình chống hạm nguy hiểm. Giới hoạch định quân sự Mỹ đang thảo luận các kế hoạch để tăng cường vũ khí mới cho tàu sân bay, phát triển các hệ thống không người lái để giảm thiểu rủi ro cho binh lính.

Trong đó, kế hoạch bổ sung vũ khí năng lượng định hướng để tăng khả năng phòng thủ được xem là những vũ khí không thể thiếu đối với tàu sân bay trong tương lai.

Quốc Việt (Zing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem