Vì sao nhiều lao động ngừng việc do Covid-19 ở miền Tây chưa nhận được tiền hỗ trợ?

Chúc Ly - Hồng Cẩm - Huỳnh Xây Thứ ba, ngày 31/08/2021 19:00 PM (GMT+7)
Do các nguyên nhân khác nhau, nhiều lao động ngừng việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại các tỉnh, thành ĐBSCL vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ.
Bình luận 0

Bà Lê Thanh Giang – Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Bạc Liêu cho biết, trong Nghị quyết 68 có nhiều nhóm đối tượng được hỗ trợ. Trong đó, tỉnh Bạc Liêu đã chi hỗ trợ cho 6 nhóm đối tượng, riêng nhóm đối tượng lao động bị ngừng việc thì chưa phát sinh hồ sơ.

Vì sao nhiều lao động ngừng việc ở miền Tây chưa nhận được tiền hỗ trợ? - Ảnh 1.

Do các nguyên nhân khác nhau, nhiều lao động ngừng việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại các tỉnh, thành ĐBSCL vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. Trong ảnh, khu công nghiệp Hòa Phú ở Vĩnh Long. (Ảnh: CTV)

"Việc chi hỗ trợ cho nhóm đối tượng lao động ngừng việc ở đây có cái khó là quy định người sử dụng lao động phải đối thoại với người lao động, sau đó có biên bản. Tuy nhiên, ngay thời điểm tỉnh thực hiện giãn cách xã hội người lao động đã nghỉ việc nên chưa làm thủ tục được. Từ đó dẫn đến việc chi hỗ trợ bị chậm trễ", bà Giang cho hay.

Cũng theo bà Giang, mới đây quy định được sửa đổi, người sử dụng lao động và lao động được đối thoại trực tuyến. Hiện đã có một số doanh nghiệp hứa sẽ đẩy nhanh việc thực hiện thủ tục để hỗ trợ cho lao động ngừng việc. Trong thời gian tới, phía Sở sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc chi hỗ trợ cho lao động.

Tại An Giang, theo kết quả thực hiện Nghị quyết 68 đến ngày 30/8, tỉnh này chỉ duyệt hỗ trợ cho 6 người lao động ngừng việc, trong đó mới thực hiện chi cho 1 lao động.

Ông Châu Văn Ly - Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh An Giang cho biết, sở dĩ đến nay tỉnh chưa triển khai hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng là do thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 kéo dài.

Vì sao nhiều lao động ngừng việc ở miền Tây chưa nhận được tiền hỗ trợ? - Ảnh 2.

Đến ngày 27/8, TP.Cần Thơ vẫn chưa phát sinh hồ sơ đề nghị hỗ trợ lao động ngừng việc. (Ảnh: Huỳnh Xây)

"Để đảm bảo phòng chống dịch bệnh, mỗi cơ quan, đơn vị chỉ có 5 người đi làm, còn ở địa phương lực lượng phải tăng cường phục vụ cho công tác chống dịch nên rất khó khăn trong việc thống kê bổ sung đối tượng. Trong khi đó Nghị quyết 68 của Chính phủ có nhiều nhóm đối tượng nên việc thống kê, lập danh sách bị hạn chế", ông Ly thông tin.

Ở địa phương khác là Vĩnh Long, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, từ ngày 4/8, Sở LĐTB&XH tỉnh Vĩnh Long đã có một số công văn gửi các địa phương hướng dẫn, đôn đốc lập danh sách đề nghị hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ.

Tuy nhiên, tính đến ngày 27/8, chỉ có TP. Vĩnh Long gửi danh sách đề nghị hỗ trợ cho 3 lao động ngừng việc, 76 lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương.

Do đó, chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc chỉ mới thực hiện được cho 3 lao động, số lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương nêu trên cũng đã có quyết định hỗ trợ.

Theo Sở LĐTB&XH tỉnh Vĩnh Long, phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều tạm ngưng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, người lao động phải ngừng việc, mất việc gặp nhiều khó khăn rất cần hỗ trợ kịp thời. Do đó, Sở LĐTB&XH tỉnh Vĩnh Long vừa đề nghị UBND các địa phương trong tỉnh khẩn trương hướng dẫn các doanh nghiệp tiếp cận chính sách theo Nghị quyết 68.

Tại TP.Cần Thơ, đến ngày 27/8, vẫn chưa phát sinh hồ sơ đề nghị hỗ trợ lao động ngừng việc. Theo Sở LĐTB&XH TP.Cần Thơ, do quy định người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng, lao động bị ngừng việc theo khoản 3, Điều 99, Bộ luật Lao động và đồng thời phải thuộc đối tượng phải cách ly y tế (hoặc trong các khu vực bị phong tỏa) nên thực tế đối tượng thỏa mãn cả 2 điều kiện đó là không nhiều.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem