Vì sao Sony cố giữ mảng smartphone?

09/02/2021 07:10 GMT+7
Ông Jaron Schneider, Tổng biên tập của PetaPixel cho rằng Sony hoàn toàn có đủ tiềm năng để kết hợp 2 mảng di động và hình ảnh với nhau.
Vì sao Sony cố giữ mảng smartphone? - Ảnh 1.

Trong giai đoạn đỉnh cao, Sony từng khao khát trở thành phiên bản “Apple” dành riêng cho người dùng smartphone Android. Có thời điểm, hãng công nghệ Nhật Bản bán được 103,4 triệu chiếc điện thoại, nắm giữ 9% thị phần mảng thiết bị di động trên toàn thế giới.

Nhờ công nghệ camera cũng như chất lượng hình ảnh tiên tiến, vào những năm 2000, Sony luôn được đánh giá là một trong những thương hiệu điện thoại di động tốt nhất trên thị trường.

Vì sao Sony cố giữ mảng smartphone? - Ảnh 2.

Thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 là thời hoàng kim của liên doanh Sony Ericsson. Ảnh: Sony.

Tuy nhiên, sau hàng loạt chiến lược, chính sách cũng như tầm nhìn không phù hợp, công ty công nghệ Nhật Bản đã phải chứng kiến cú trượt dốc không phanh ở mảng điện thoại di động. Nhưng, ngay cả khi doanh thu giảm, thị trường khu vực bỏ rơi và các nhà máy dần đóng cửa, Sony vẫn quyết định bám trụ lấy mảng thiết bị di động.

Cú sảy chân đau đớn

Năm 2007, liên doanh Sony Ericsson chiếm tới 9% doanh số thiết bị di động toàn cầu. Sự thành công của thương hiệu này không phải điều lạ lẫm lúc bấy giờ. Năm 2010, liên doanh Sony Ericsson chính thức bước vào thế giới smartphone chạy Android, đồng thời trình làng một số model đáng chú ý như Xperia X10 hay Xperia Arc.

Năm 2011 là dấu mốc quan trọng với Sony khi quyết định thâu tóm toàn bộ cổ phần Ericsson. Không chỉ có quyền truy cập vào công nghệ cũng như dây chuyền R&D, hãng cũng đổi tên mảng thiết bị cầm tay của công ty thành Sony Mobile.

Với 5% thị phần smartphone thế giới trong năm 2013, Sony đặt mục tiêu trở thành thương hiệu lớn thứ 3 toàn cầu vào năm 2014. Năm 2013, công ty này đã bán ra 34,3 triệu chiếc smartphone, thậm chí vươn lên 40 triệu chiếc chỉ một năm sau đó.

Vì sao Sony cố giữ mảng smartphone? - Ảnh 3.

Sony Ericsson nay bị thay thế thành Sony Mobile. Ảnh: Yoshikazu Tsuno.

Tuy nhiên, thay vì viết tiếp câu chuyện thành công, Sony bắt đầu cú trượt dài khỏi bảng xếp hạng.

Năm 2018, thương hiệu này chỉ bán ra thị trường 6,5 triệu smartphone, chiếm chưa đến 1% thị phần toàn cầu. Thất bại trong năm 2018 đem về cho Sony khoản lỗ lên đến 879 triệu USD, buộc công ty phải tính đến phương án cắt giảm nhiều hoạt động tại một số thị trường, tối thiểu hóa chi phí hoạt động.

Quý I/2020, Sony cho biết chỉ có khoảng 400.000 chiếc smartphone của hãng được xuất xưởng, thấp hơn kế hoạch dự định 300.000 chiếc. Theo thống kê của Android Authority, doanh số smartphone Huawei bán ra một ngày trong năm 2019 tương đương lượng bán cả quý của Sony.

Tự trói chân bằng chiến lược sai lầm

Nhắc đến tham vọng của Sony, công ty Nhật Bản quyết định chinh phục cộng đồng người dùng bằng cách tung ra các dòng smartphone cao cấp.

“Đây là nơi giá trị và lợi nhuận được cất giữ”, CEO Sony Mobile chia sẻ, đồng thời tuyên bố thế mạnh của thương hiệu chính là các dòng sản phẩm cao cấp.

Vì sao Sony cố giữ mảng smartphone? - Ảnh 4.

Năm 2020, Sony ra mắt smartphone cao cấp dành riêng cho các tín đồ nhiếp ảnh và video - Xperia Pro. Ảnh: Sony.

Tuy nhiên, sự nổi lên của Apple, Samsung hay Huawei chính là cú sốc lớn với hãng công nghệ Nhật Bản. Giá cao nhưng không đem lại nhiều trải nghiệm phần cứng cũng như tính năng vượt trội cho người dùng, doanh thu của Sony bắt đầu giảm mạnh.

Ông Jaron Schneider, Tổng biên tập tạp chí PetaPixel, cho biết Sony không quá coi trọng vai trò của tiếp thị. Kể từ khi có kế hoạch ra mắt cho đến khi sản phẩm được bày bán, chính những nỗ lực quảng bá ít ỏi đã giết chết động lực bán hàng của họ.

Không phải vì smartphone Sony không tuyệt vời, chính chiến lược khó hiểu của họ gây ra nhiều băn khoăn cho người dùng

Jaron Schneider, Tổng biên tập tạp chí PetaPixel

Bên cạnh đó, sự tự tin của Sony khiến thương hiệu này bỏ quên thị trường smartphone tầm trung. Trong khi mảng kinh doanh điện thoại cao cấp đòi hỏi Sony phải có những thay đổi về giá trị sản phẩm mạnh mẽ, thương hiệu Nhật Bản vẫn tỏ ra khá chậm chạp.

Sony luôn chạy tụt lại ở cuộc đua phần cứng và theo đuổi các tính năng không đem lại nhiều lợi ích cho người dùng.

Năm 2017, Sony từ chối đi theo xu hướng sử dụng màn hình tỷ lệ 18:9, cho phép smartphone có màn hình mỏng và cao hơn, giống những nhà sản xuất smartphone khác. Phải một năm sau, Sony mới quyết định trang bị màn hình tỷ lệ 18:9 trên model Xperia XZ2 và XZ2 Compact.

Ngoài ra, với giá bán khoảng 600 USD ở thị trường Mỹ, Xperia XZ2 Compact không mang lại quá nhiều công nghệ ấn tượng gì khi so sánh với các đối thủ có mức giá thấp hơn, ngoài kích thước nhỏ gọn.

Giá bán và thiết kế rõ ràng là một hạn chế đối với mảng kinh doanh điện thoại thông minh của Sony. Bên cạnh đó, Sony cũng có mối quan hệ đối tác không mấy tốt đẹp với các nhà mạng khu vực.

Rào càn ngay cả trong nội bộ

Từ lâu, Sony luôn là nhà cung cấp cảm biến máy ảnh số một thế giới. Theo Bloomberg, cảm biến camera của thương hiệu Nhật Bản đắt hàng đến mức, dù đã cố gắng chạy hết công suất trong suốt 2 năm 2018-2019, Sony vẫn liên tục hoàn thành chậm trễ các đơn hàng của đối tác.

Theo thống kê nửa đầu năm 2020 của Strategy Analytics, bất chấp những tác động của đại dịch Covid-19, Sony vẫn giữ vững vị trí thống trị của mình với 44% thị phần cung cấp cảm biến máy ảnh.

“Camera đã trở thành điểm khác biệt lớn nhất giữa các thương hiệu smartphone, ai cũng muốn có ảnh và video đẹp để đăng lên mạng xã hội. Sony đang tận dụng nhu cầu đó rất tốt”, Masahiro Wakasugi, nhà phân tích của Bloomberg Intelligence cho biết.

Vì sao Sony cố giữ mảng smartphone? - Ảnh 5.

Cảm biến camera là một trong những điểm mạnh của Sony, tuy nhiên Sony lại chưa tối ưu hóa lợi thế đó lên sản phẩm của mình. Ảnh: Sony.

Tuy nắm trong tay một trong những công nghệ lõi quan trọng, camera trên smartphone Sony không được đánh giá cao, thậm chí đi sau khi so sánh với những đối thủ trên thị trường.

Kỳ lạ khi một nhà cung cấp cảm biến máy ảnh lớn nhất trị trường smartphone như Sony lại không có những chiếc điện thoại chụp ảnh tốt

Domini Sunnebo, Giám đốc công ty nghiên cứu thị trường Kantar

Theo thang đánh giá của DxOMark, mặc dù ra mắt vào đầu năm 2019, hệ thống camera trên model Sony Xperia 1 thậm chí bị những model thế hệ cũ như iPhone 8, Galaxy Note 8 hay iPhone X qua mặt.

“Sony tập trung rất nhiều vào tính năng của máy ảnh. Tuy nhiên những điều này chỉ thực sự có ý nghĩa với những nhiếp ảnh gia thay vì cộng đồng người tiêu dùng”, ông Schneider nhận xét.

Một quan điểm khác trong vấn đề này, Adam Marsh, lãnh đạo bộ phận marketing toàn cầu của Sony, tin rằng những rào cản nội bộ chính là nguyên nhân khiến smartphone Sony chịu thiệt thòi. Theo ông, sự cạnh tranh giữa Sony Mobile và Sony Alpha, bộ phận máy ảnh không gương lật Alpha, đã kìm hãm quá trình phát triển công nghệ chụp ảnh trên các dòng Xperia.

“Mặc dù có cùng công ty những đôi khi vẫn tồn tại những rào cản mà Alpha không thể chia sẻ với Sony Mobile, bởi vì lúc đó một chiếc điện thoại hoàn toàn có thể chụp đẹp tương đương máy ảnh đắt tiền”, Marsh cho biết

Tuy nhiên, hãng công nghệ Nhật bản đã có một số thay đổi rõ rệt kể từ khi ông Kenichiro Yoshida nắm giữ vị trí CEO công ty. Đặc biệt sau khi Kimio Maki, nhân vật từng đứng đầu bộ phận Alpha chuyển sang phụ trách mảng di động của Sony.

Vẫn chọn ở lại, Sony liệu có đúng?

“Chúng tôi thấy smartphone là phần cứng để giải trí và là thành phần cần thiết để làm cho thương hiệu phần cứng của chúng tôi bền vững. Các thế hệ trẻ không còn xem TV. Điểm tiếp cận đầu tiên của họ là điện thoại thông minh", Kenichiro Yoshida, Giám đốc điều hành Sony, chia sẻ.

Không giống LG, Sony quyết định bám trụ lại thị trường này.

Vì sao Sony cố giữ mảng smartphone? - Ảnh 6.

Sony đang dần cải thiện cả về thiết kế lẫn phần cứng để thích ứng hơn với thị trường. Ảnh: Marques Brownlee.

Hãng công nghệ đã có sự đầu tư nhất định vào thị trường smartphone. Trong đại dịch Covid-19, thị trường smartphone cao cấp ngày càng có dấu hiệu bị thu hẹp, buộc nhiều nhà sản xuất điện thoại thông minh đẩy mạnh phân khúc tầm trung và giá rẻ. Giống như nhiều thương hiệu khác, Sony sẽ phải đi theo xu hướng chung này. Tính riêng trong năm 2020, Sony Mobile đã cho ra mắt 3 mẫu smartphone Xperia 1 Mark II, Xperia 10 Mark II và Xperia L4 trải trên cả 3 phân khúc.

Những chiếc điện thoại mới nhất rõ ràng là một sự thay đổi mang tính chiến lược nhằm tiến xa hơn vào một thị trường ngách rất cụ thể

Jaron Schneider, Tổng biên tập tạp chí PetaPixel

“Sony tiếp tục sản xuất smartphone vì họ tin tưởng vào sản phẩm. Thương hiệu Nhật Bản sẽ tiếp tục đổ tiền vào thị trường tiềm năng này. Tôi không nghĩ Sony đang thua lỗ, đơn thuần họ chỉ kiếm ít hơn những gì họ muốn”, tổng biên tập của PetaPixel nhận định.

Rõ ràng, Sony đang học cách thích nghi để bám lấy thị trường, lôi kéo người dùng quay trở lại.

Giờ đây, các phiên bản flagship của dòng Xperia đã được trang bị chip Snapdragon, màn hình OLED hay kính cường lực Gorilla Glass 6. Bên cạnh đó, smartphone Sony đã được hãng mở rộng dung lượng bộ nhớ lên tới 1 TB. Đây phần lớn là những công nghệ cơ bản xuất hiện trên smartphone ngày nay.

Hãng công nghệ cũng cố gắng tối đa hóa trải nghiệm sử dụng của người dùng. Không còn theo đuổi megapixel, các mẫu điện thoại của Sony đã được trang bị thêm nhiều loại camera như ống kính tele, ống kính góc siêu rộng.

Ông Schneider tin rằng sự xuất hiện của model Xperia Pro là tín hiệu cho thấy Sony đang hồi sinh. Smartphone của Sony khác biệt và giống một chiếc máy ảnh cao cấp đi kèm mạng 5G. Đây là một góc độ thú vị nhưng kèm với đó nhiều rủi ro. Cũng theo quan điểm của Schneider, Sony hoàn toàn có đủ tiềm năng để kết hợp 2 mảng di động và hình ảnh với nhau.


Minh Khánh/ Zingnews
Cùng chuyên mục