Vì sao tăng vốn cho các ngân hàng quốc doanh lại cấp thiết hơn bao giờ hết?

04/05/2020 11:50 GMT+7
Nền tảng tài chính ngân hàng ngày càng mỏng đi. Vì vậy, nếu không sớm được cấp vốn, nâng cao năng lực tài chính thì các ngân hàng không có thể làm tốt vai trò trụ cột kênh cấp vốn chủ lực cho nền kinh tế. Để làm được điều đó, không còn cách nào khác phải tăng vốn củng cố tấm nệm an toàn của ngân hàng.

Trong báo cáo gửi Chính phủ gần đây nhất, một lần nữa, Thống đốc NHNN lại đề nghị Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 91/2015/NĐ-CP nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc tăng vốn điều lệ cho 3 NHTM Nhà nước nắm quyền chi phối là BIDV, Vietcombank, VietinBank.

Vì sao tăng vốn cho các ngân hàng quốc doanh lại cấp thiết hơn bao giờ hết?  - Ảnh 1.

Việc tăng vốn cho các ngân hàng quốc doanh càng trở nên khẩn thiết hơn bao giờ hết

Khó chồng khó, tiếp tục kiến nghị tăng vốn cho Big 4

Trước đó, trong một báo cáo chiến lược thị trường do Công ty chứng khoán KB Securities (KBSV) phát hành, tổ chức này từng nhận định, đại dịch Covid-19 không chỉ gây ra các ảnh hưởng lớn hơn đến tăng trưởng kinh tế trong nước, tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết, mà còn tác động đến các kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, tăng vốn ngân hàng quốc doanh của Chính phủ.

Nói về kế hoạch tăng vốn cho Big 4, một số chuyên gia cho rằng, tuy ngân sách đang khó khăn nhưng việc ưu tiên tăng vốn cho các NHTM có vốn nhà nước là rất cần thiết hơn bao giờ hết. Bởi trên thực tế, cả 4 ngân hàng lớn này đang căng sức hỗ trợ doanh nghiệp (DN), hỗ trợ nền kinh tế vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.

Theo đó, từ đầu năm đến nay, 4 ngân hàng quốc doanh đã tiên phong cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi suất, phí hỗ trợ DN, cá nhân bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Bên cạnh đó, các ngân hàng còn triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi với lãi suất giảm từ 1-2,5%/năm để giúp DN có nguồn vốn rẻ duy trì sản xuất kinh doanh, chờ cơ hội phục hồi khi đại dịch qua đi.

Nếu không tăng được vốn, khả năng cung ứng tín dụng của các ngân hàng quốc doanh sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ do hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng này đã giảm gần sát ngưỡng tối thiểu theo quy định của NHNN.

Trong khi đó, lợi nhuận của các ngân hàng cũng đang bị bào mòn để chia sẻ với khó khăn của các DN. Với tổng số tiền mà các ngân hàng quốc doanh cam kết hỗ trợ DN lên tới vài trăm nghìn tỷ đồng, cũng đồng nghĩa lợi nhuận ngân hàng sẽ giảm hàng ngàn tỷ đồng.

Đơn cử Vietcombank vừa công bố giảm đồng loạt lãi suất tiền vay đợt 2 từ 5-10% số tiền lãi phải trả cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tổng số khách hàng được giảm lãi suất đợt 2 theo thống kê của ngân hàng là 90.000 khách hàng tương ứng với quy mô tín dụng là 300.000 tỷ đồng. Tổng cộng 2 đợt giảm lãi suất, Vietcombank dự kiến sẽ giảm 2.240 tỷ đồng lợi nhuận.

Ngân hàng quốc doanh khác là VietinBank cũng sẽ bị giảm mạnh lợi nhuận. Chủ tịch HĐQT VietinBank Lê Đức Thọ cho biết, tới thời điểm này ngân hàng đã thực hiện cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khoảng trên 700 khách hàng với dư nợ tín dụng khoảng hơn 30 nghìn tỷ đồng.

Song song với đó, ngân hàng cũng giảm mạnh lãi suất từ 0,5% - 2,5%/năm, giảm phí cho nhiều đối tượng khách hàng... Theo tính toán của ngân hàng này, dự kiến lợi nhuận giảm từ 3-4 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch lợi nhuận đăng ký ban đầu.

Agribank dự kiến doanh thu năm nay của ngân hàng này giảm 6.000 tỷ đồng, lợi nhuận giảm 20%.

Tại cuộc họp mới đây giữa Thủ tướng với lãnh đạo các Bộ ngành, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Đào Minh Tú cho biết, "những ngân hàng thương mại có vốn của Nhà nước năm nay dứt khoát phải giảm khoảng 40% lợi nhuận. Ví dụ Vietcombank năm ngoái đạt khoảng 22.000 tỷ tiền lãi thì năm nay phải giảm 30-40%, tức đóng góp ít nhất 8.000 tỷ dành cho vấn đề hạ lãi suất".

Khó chồng khó khi nguồn thu được kỳ vọng bù đắp lợi nhuận cho ngân hàng là hoạt động tín dụng cũng đang giảm mạnh cả về khối lượng và NIM. Như Vietcombank, tăng trưởng cho vay khách hàng của nhà băng này quý I/2019 so với cuối năm 2018 là hơn 41.000 tỷ đồng, tương đương 7%. Đến đầu năm nay, con số tăng trong cùng khoản thời gian là gần 19.800 tỷ đồng, tương đương 3% so với cuối năm 2019.

Trước đó, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN Nguyễn Quốc Hùng cũng lưu ý, xu hướng tăng trưởng tín dụng đang chậm lại. Đến 17/4 tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế chỉ đạt 0,8%. Đây cũng là mức tăng trưởng thấp nhất của quý I trong vòng sáu năm qua.  Chỉ số này cho thấy tình trạng DN gần như không có nhu cầu vay vốn mới do hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng, nhiều công ty phải thu hẹp sản xuất, chủ yếu là tập trung thu hồi vốn, trả nợ ngân hàng. Tăng trưởng cho vay gặp khó đồng nghĩa với việc lợi nhuận của các ngân hàng lớn sẽ ảnh hưởng đáng kể.

Cấp thiết tăng vốn

Vì sao tăng vốn cho các ngân hàng quốc doanh lại cấp thiết hơn bao giờ hết?  - Ảnh 3.

Muốn các ngân hàng cấp đủ vốn cho DN, nền kinh tế không còn cách nào khác phải tăng vốn củng cố tấm nệm an toàn của ngân hàng.

Tại thời điểm cuối năm 2019, tỷ lệ CAR của toàn hệ thống là 11,95%. Trong đó khối NHTM Nhà nước có CAR thấp nhất đạt 10,19%. Mà càng tăng trưởng tín dụng thì tổng tài sản của ngân hàng càng phình lên, khiến CAR sụt giảm nếu vốn không tăng tương ứng. Chưa kể rủi ro nợ xấu có xu hướng gia tăng cũng ảnh hưởng đáng kể đến an toàn vốn của ngân hàng.

Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, nếu không sớm được cấp vốn, nâng cao năng lực tài chính thì những ngân hàng này sẽ không có thể làm tốt vai trò trụ cột kênh cấp vốn chủ lực cho nền kinh tế. Muốn các ngân hàng cấp đủ vốn cho DN, nền kinh tế không còn cách nào khác phải tăng vốn củng cố tấm nệm an toàn của ngân hàng. "Nếu hết quý II, dịch bệnh chưa thể kiểm soát, ngân hàng sẽ "ngấm" khủng hoảng. Do vậy, bổ sung vốn để gối đệm chống đỡ rủi ro của ngân hàng này dày dặn hơn tránh được các tổn thương là rất cần thiết. Nếu tình trạng mỏng vốn tiếp diễn, ngân hàng rất dễ bị tổn thương và không thể hỗ trợ cho các DN, nền kinh tế vượt qua khó khăn do đại dịch", TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Soi vào "gối đệm" của các ngân hàng thời điểm này, ngoài Vietcombank có phần "dễ thở" hơn một chút, còn lại cả 3 ngân hàng có vốn nhà nước đều trong tình hình khá căng thẳng. Đơn cử, BIDV ngay cả việc đã bán thành công 15% vốn cho đối tác chiến lược Keb Hana, thì CAR của ngân hàng này cũng mới đạt 8,77%, chỉ cao hơn chút so với mức tối thiểu (8%).

Để gia cố đệm an toàn, Đại hội đồng cổ đông ngân hàng này đã phê duyệt, năm 2020, tiếp tục tăng vốn điều lệ từ 40.220 tỷ đồng lên 45.549 tỷ đồng qua chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ 251,3 triệu cổ phần; phát hành 281,5 triệu cổ phần để trả cổ tức (tỷ lệ 7%)…

Tình hình VietinBank là nan giải nhất khi dư địa tăng vốn hầu như đã cạn và đang đe dọa đến an toàn hoạt động khi hệ số CAR của ngân hàng này thấp nhất trong nhóm Big 4. Lãnh đạo VietinBank cho biết,  năm 2020, kế hoạch kinh doanh của ngân hàng phụ thuộc vào lộ trình tăng vốn đang trình các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Trong trường hợp VietinBank được giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2017-2019 và bản thân thực hiện các biện pháp cải thiện tỷ lệ an toàn vốn khác nhau như thoái vốn ở các công ty con, bán danh mục đầu tư… thì ngân hàng cũng chỉ dám đặt mục tiêu tăng trưởng 4-8,5%.

Agribank là ngân hàng 100% vốn Nhà nước duy nhất cũng là ngân hàng có vốn điều lệ thấp nhất trong Big 4. Trong khi quá trình cổ phần hoá của ngân hàng không được suôn sẻ do gặp nhiều khó khăn nhất là trong việc xác định giá trị quỹ đất lớn, nguồn gốc hình thành đa dạng… thì việc tăng vốn của ngân hàng này hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn ngân sách.

Mặc dù Agribank đã đề nghị nhiều năm nay nhưng vẫn chưa nhận được thêm đồng vốn nào từ ngân sách. Tại buổi họp gần đây với NHNN, lãnh đạo Agribank một lần nữa kiến nghị tiếp tục được tăng vốn và xin phép được giữ lại lợi nhuận để tăng vốn, tiếp tục hỗ trợ cho vay khách hàng.  Trước sự cấp thiết đó, tại báo cáo gửi tới Chính phủ mới đây, lãnh đạo NHNN cũng kiến nghị Bộ Tài chính sớm có ý kiến với Dự thảo Tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội của NHNN về việc tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước.

"Việc cho phép các ngân hàng giữ một phần lợi nhuận để tăng vốn là điều hoàn toàn hợp lý.  Khi họ kinh doanh và nộp đầy đủ thuế rồi phải cho họ sử dụng một phần lợi nhuận để tăng vốn. Trong bối cảnh khó khăn như hiện tại cần phải có sự chia sẻ và công bằng. Nếu lấy thêm cổ tức nữa tôi nghĩ là hơi nhiều", một chuyên gia bình luận.

Ngoài lý do vấn đề đã được đề xuất nhiều lần và đã có trong kế hoạch, nằm trong lộ trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu hệ thống ngân hàng theo Đề án 1058 của Chính phủ, TS. Cấn Văn Lực còn chỉ ra thêm hai lý do nữa cần phải sớm tăng vốn cho ngân hàng.

Thứ nhất, trong bối cảnh rủi ro gia tăng, ngân hàng càng cần tăng sức đề kháng qua việc tăng vốn, bởi rủi ro gia tăng thì CAR của các ngân hàng ngày càng yếu.

Thứ hai, nếu không thể tăng vốn, chắc chắn khả năng cung ứng vốn, giảm lãi suất, thực hiện các biện pháp cơ cấu khoản nợ cho khách hàng để hỗ trợ DN, nền kinh tế của các ngân hàng sẽ giảm hơn.

Nhật Minh
Cùng chuyên mục