Vì sao tàu ngầm nguyên tử Nga Krasnodar bốc cháy ngùn ngụt?

Thứ năm, ngày 20/03/2014 06:56 AM (GMT+7)
Mới đây tàu ngầm Krasnodar tại nhà máy Nerpa của Nga bất ngờ bị bốc cháy. Sau đó, Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev đã lập tức chỉ đạo phải tìm ra nguyên nhân vụ cháy sớm nhất vào ngày 20.3. Vậy vì sao lại xảy ra vụ cháy này?
Bình luận 0

Chiếc tàu Krasnodar thuộc tàu ngầm hạt nhân lớp Oscar-II, có 2 lò phản ứng hạt nhân, phục vụ hạm đội phía Bắc Nga từ năm 1986 và bị loại khỏi hoạt động vào năm 2010 để tháo dỡ, tái chế tại nhà máy đóng tàu Nerpa, phía bắc vùng Murmansk nước Nga.

Trước Krasnodar, tàu ngầm K148, một tàu ngầm đầu tiên nâng cấp từ lớp Oscar-II cũng vướng vào số phẩn bi đát. Vào tháng 8.2000, chiếc tàu Kursk 148 đã bị chìm hẳn ở Biển Barents khi thực hiện bắn một quả ngư lôi.

img
Tàu hạt nhân Nga Krasnodar bốc cháy ngùn ngụt trong nhà máy Nerpa.

Theo thông báo từ nhà máy Nerpa với hãng thông tấn Nga Ria-Novosti cho biết, năng lượng hạt nhân từ hai lò phản ứng của tàu ngầm này đã được tháo ra hết từ trước đó. Còn hãng tin Nga Itar-Tass ban đầu cho rằng, do có một số rác ở gần tàu ngầm bốc cháy.

Phát ngôn viên tại nhà máy Nerpa Irina Anzulatova khẳng định với hãng tin B-port rằng, không có có rò rỉ phóng xạ hoặc các mối đe dọa khác trong hỏa hoạn. Phát ngôn viên Tổng công ty đóng tàu United Aleksey Kravchenko cũng quả quyết với hãng tin Itar-Tass hôm 17.3 rằng, vũ khí, nhiên liệu hạt nhân, chất bôi trơn và chất phóng xạ đều không còn trong tàu ngầm này.

Theo bài phân tích trên tờ Barentsobserver.com, nếu các nhiên liệu hạt nhân đã được loại bỏ và vận chuyển đi nơi khác thì công việc tiếp theo để tháo dỡ tàu ngầm là loại bỏ lớp gạch cao su trên thân tàu ngầm. Đây lại chính là một quá trình rất dễ phát sinh lửa như nó đã xảy ra trong quá trình tháo dỡ một số tàu ngầm hạt nhân.

Điển hình như trường hợp tàu ngầm hạt nhân Yekaterinburg khi đang được sửa chữa tại ủ nổi nhà máy Roslyakova, phía bắc Murmansk vào tháng 12.2011 thì chất bôi trơn, nhiên liệu và vỏ cao su đã bắt lửa từ một mối hàn gây ra hỏa hoạn dữ dội.

Hay như trường hợp tàu ngầm hạt nhân K-150 Tomsk trong thời gian bảo dưỡng tại xưởng đóng tàu ở khu vực Primorskiy, Nga vào ngày 16.9.2013 cũng bị bốc cháy ngùn ngụt. Theo điều tra, nguyên nhân gây ra vụ cháy tàu do sự vi phạm quy tắc an toàn về hàn trong lúc tách lớp gạch cao su và sơn cũ ngoài vỏ tàu đã gây ra hỏa hoạn.

Trong khi đó, chiếc tàu ngầm chỉ nằm cách biên giới Na Uy khoảng 100 km. Các nhà chức trách Na Uy cho biết họ không nhận được thông báo về vụ hỏa hoạn. Các nhà chức trách cùng các chuyên gia về phóng xạ của Na Uy hiện đang lên kế hoạch khẩn cấp để ứng phó rò rỉ phóng xạ trong mối quan ngại nhiên liệu hạt nhân vẫn còn trong tàu ngầm bốc cháy.

Hiện các nhà chức trách của Nga đang tích cực điều tra nguyên nhân gây ra vụ hỏa hoạn.

Hồi cuối tháng 2.2014 vừa qua, một tàu ngầm lớp Kilo mà Ấn Độ mua từ Nga đã bốc cháy khi chạy thử khiến 2 người mất tích, 7 người bị thương. Trước đó, vào tháng 8.2013, tàu ngầm lớp Kilo INS Sindhurakshak cũng bông dưng bốc cháy rồi phát nổ khiến 18 thủy thủ thiệt mạng tại Mumbai.

Văn Biên (tổng hợp) (Văn Biên (tổng hợp))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem