Vì sao thị trường không rung lắc mạnh khi lãi suất tăng?
Vì sao thị trường không rung lắc mạnh khi lãi suất tăng?
Mai Ly (Theo IBTimes)
Thứ bảy, ngày 04/02/2023 17:16 PM (GMT+7)
Các thông báo về chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương, từng được coi là “kim chỉ nam” dự báo xu hướng thị trường, dường như đã không còn gây nhiều xáo động trong tâm lý của nhà đầu tư nữa.
Ngày 1/2, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed, ngân hàng trung ương) tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lên mức cao nhất kể từ năm 2007 khi tiếp tục nỗ lực chống lạm phát.
Tuy nhiên, chỉ số chứng khoán S&P 500 của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong 5 tháng, khi nhà đầu tư kỳ vọng vào khả năng Fed sẽ sớm thay đổi lập trường “cứng rắn” về chính sách tiền tệ.
Trong khi đó, thị trường trái phiếu chính phủ tiếp tục suy yếu với lợi suất trái phiếu chính phủ giảm vào cuối năm ngoái khi chu kỳ kinh tế thay đổi.
Ở châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 2/2 thông báo quyết định tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản và để ngỏ khả năng tăng nhiều hơn trong cuộc họp tháng Ba. Thị trường chứng khoán khu vực đồng euro (Eurozone) cũng phục hồi, với chỉ số chứng khoán Stoxx 600 đạt mức cao nhất kể từ tháng 4/2022, lợi suất trái phiếu chính phủ Đức kỳ hạn 10 năm giảm 23 điểm cơ bản - mức giảm lớn nhất trong gần một năm.
Theo Salman Ahmed, người đứng đầu về tài sản chiến lược và vĩ mô tại công ty dịch vụ tài chính Fidelity International (Anh), các nhà hoạch định chính sách có nói gì đi nữa thì thị trường vẫn tin rằng họ sẽ thay đổi quan điểm.
Các cam kết của ngân hàng trung ương giờ đây ít quan trọng hơn đối với các thị trường bởi nhà đầu tư tin rằng lạm phát đã đạt đỉnh. Các thị trường cũng dự đoán tác động của việc tăng lãi suất sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, và do đó ngân hàng trung ương sẽ buộc phải ngừng tăng lãi suất hoặc thậm chí đảo ngược chính sách hiện tại vào cuối năm.
Một số nhà quan sát dự báo Fed có thể giảm lãi suất ít nhất hai lần vào cuối năm nay. Ngay cả khi các phát biểu của ECB có vẻ “cứng rắn”, các thị trường đã hạ dự báo lãi suất “đỉnh” kỳ vọng từ 3,4% trước đó xuống khoảng 3,25%.
Lạm phát tại Mỹ đã giảm từ mức cao nhất trong 40 năm vào năm ngoái xuống còn 6,5%. Tại khu vực đồng euro, nơi bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng năng lượng, lạm phát ít nhất đã được kiểm soát ở mức 8,5% ghi nhận trong tháng 1/2023.
Chủ tịch Fed Jerome Powell đã khẳng định ngân hàng trung ương không cắt giảm lãi suất trong năm nay. Trong khi đó, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết ECB có nhiều dư địa (để tăng lãi suất) và tiến trình này chưa kết thúc. Trên thực tế, các ngân hàng trung ương có lý do chính đáng để thể hiện lập trường cứng rắn. Diễn biến của thị trường hiện nay có nguy cơ làm suy yếu những nỗ lực thắt chặt chính sách tiền tệ của các nhà hoạch định chính sách.
Dù vậy, Sebastian Mackay, nhà quản lý quỹ tại công ty quản lý tài sản Invesco (Mỹ), cho rằng các phát biểu “diều hâu” của ngân hàng trung ương không còn gây ra ảnh hưởng đáng kể đối với thị trường. Các nhà đầu tư cũng chú ý đến một kịch bản mà các nền kinh tế lớn “hạ nhiệt” vừa đủ, khiến ngân hàng trung ương từ bỏ việc tăng lãi suất để tránh suy thoái kinh tế trầm trọng.
Các thị trường chứng khoán đã tăng mạnh, với chỉ số S&P 500 của Mỹ và chỉ số Stoxx của châu Âu đã tăng hơn 8% kể từ đầu năm nay. Chỉ số trái phiếu chính phủ Mỹ của ngân hàng BoA cũng tăng khoảng 3%. Các tài sản rủi ro như cổ phiếu thường không tăng giá cùng với trái phiếu chính phủ bởi trái phiếu chính phủ thường được coi là kênh đầu tư ưu tiên để bảo vệ danh mục đầu tư trước nguy cơ suy thoái kinh tế.
Joseph Little, chiến lược gia trưởng tại bộ phận quản lý tài sản của ngân hàng HSBC lý giải, các thị trường vẫn xoay sở để tìm kiếm lợi nhuận.
Ông Little cho biết trái phiếu chính phủ, với lợi nhuận bị xói mòn do lạm phát, đang tăng giá khi thị trường kỳ vọng cú sốc giá năng lượng và sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch COVID-19 sẽ lắng dịu. Mặt khác, thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp tăng là nhờ dự đoán lạm phát giảm sẽ mang lại yếu tố tích cực cho doanh nghiệp./.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.