Là hai trong số năm "ngũ hổ tưởng" khét tiếng của nhà Thục Hán, Quan Vũ và Triệu Vân từ lâu đã trở thành tên tuổi được hậu thế ngưỡng mộ nhờ võ nghệ cao cường.
Nếu Quan Vũ được tôn làm Võ Thánh thì Triệu Vân cũng dân gian được ví như bậc Võ Thần. Luận về tài võ nghệ, hai vị chiến tướng ấy dường như bất phân cao thấp.
Điểm khác biệt lớn nhất về thân thủ của Quan Vũ và Triệu Vân nằm ở chỗ, võ tướng họ Triệu cả đời chưa từng bị trúng tên, còn Quan Công vài lần suýt mất mạng vì tên bay đạn lạc.
Triệu Vân cả đời chưa từng ghi nhận một lần bị trúng tên, tuổi gần 70 vẫn một mình đánh bại cả nhà võ tướng Hàn Đức. Trong trận chiến ấy, ông còn từng dùng thương gạt rơi nhiều mũi tên của quân địch.
Nhưng một đời lâm trận của Quan Vũ lại từng ghi nhận tới 3 lần trúng tên. Lần thứ nhất xảy ra khi ông "vượt 5 ải, chém 6 tướng". Lần thứ hai là lúc đánh nhau với Hoàng Trung. Lần cuối cùng là khi chiến đấu cùng Bàng Đức, Quan Vũ bị trúng tên độc, vết thương nặng tới nỗi phải "cạo xương".
Vậy đâu là lý do khiến Triệu Vân cả đời chưa từng bị một mũi tên nào làm bị thương, còn Quan Vũ võ nghệ phi phàm lại bị trúng tên nhiều đến thế?
Nguyên nhân thứ nhất: Nguồn cơn đến từ ngựa Xích Thố
Chiến mã Xích Thố của Quan Vũ là một trong những yếu tố khiến ông thường xuyên bị trúng tên. (Tranh minh họa).
Xích Thố là tên con ngựa chiến nổi tiếng của Quan Vũ. Tốc độ của chiến mã này vô cùng nhanh.
Đối với người cưỡi ngựa mà nói, nếu ngựa phi quá nhanh, cơ thể của họ đều có xu hướng ngả về phía sau. Trong khi đó, tốc độ của những mũi tên được bắn ra trên chiến trường cũng không hề chậm.
Nếu như người cưỡi ngựa mang theo vũ khí cồng kềnh, lại cộng thêm tốc độ phi ngựa quá nhanh, thì tỷ lệ tránh tên càng ở mức thấp. Điều này cũng giải thích cho việc vì sao trong trận đánh ở Phàn Thành, Quan Vũ lại bị tên độc đâm tới tận xương.
Nguyên nhân thứ hai: Sự khác biệt trong tính cách của hai danh tướng
Điểm khác biệt trong tính cách của Triệu Vân và Quan Vũ thể hiện rõ trong việc lựa chọn vũ khí của họ.
Quan Vũ dùng đại đao, còn Triệu Vân lại dùng thương làm binh khí. Thương là thứ vũ khí yêu cầu người ra đòn phải nhanh, chuẩn, hiểm, nếu không khi vung ra chẳng những không giết được địch mà còn có thể không kịp thu vũ khí về, bị kẻ địch thừa cơ hạ sát.
Để có thể sử dụng thành thạo thứ vũ khí khó dùng như thương, Triệu Vân từ sớm phải hình thành thói quen quan sát một cách tỉ mỉ. Mà Quan Vũ thì không giống như vậy, luôn giữ thái độ kính người quân tử, khinh kẻ tiểu nhân.
Ví như một lần Ngô Quốc Thái ở chùa Cam Lộ triệu kiến Lưu Bị. Tôn Quyền nghe theo kiến nghị của thuộc hạ, lén cho người mai phục, chỉ cần Quốc Thái tỏ ý không vừa lòng sẽ lập tức hạ sát Lưu Bị.
Nhưng Triệu Vân bấy giờ quan sát thấy Ngô Quốc Thái rất hài lòng, bèn lặng lẽ kiến nghị Lưu Bị đem chuyện này nói cho ông ta. Ngô Quốc Thái biết chuyên, giận tới mức lập tức muốn giết chết kẻ mai phục, khiến Tôn Quyền vô cùng khó sử.
Sau đó, Lưu Bị lại đứng ra nói giúp Tôn Quyền, chuyện này mới coi như xong. Nếu đổi lại người ở đó không phải Triệu Vân mà là Quan Vũ, chỉ e mọi chuyện đã sớm bị làm ầm lên.
Nguyên nhân thứ ba: Trình độ bắn tên của Triệu Vân và Quan Vũ khác nhau
Mặc dù sử dụng thương làm vũ khí chính, nhưng Triệu Vân cũng rất thông thạo kỹ thuật bắn tên, tránh tên. (Ảnh minh họa).
Triệu Vân vốn nổi tiếng với kỹ thuật bắn tên thượng thừa, cũng vô cùng hiểu rõ thứ binh khí này, bình thường đều chú ý nghiên cứu cách bắn tên và tránh tên.
Về phần Quan Vũ, ông trước nay chưa từng bắn tên, độ hiểu biết với thứ vũ khí này cũng không quá thông thạo, càng không nói tới việc nghiên cứu.
Hơn nữa, Quan Vũ luôn cho rằng bắn tên không phải là việc làm của bậc quân tử, vì vậy chẳng hề chú ý mà có phần coi nhẹ.
Có lần, Chu Du phái Từ Thịnh, Định Phụng truy bắt Gia Cát Lượng. Sau khi thuyền của họ gần đuổi kịp, may có Triệu Vân giương cung bắn trúng cánh buồm mới có thể giải nguy.
Lần khác, Tôn Quyền phái Chu Thiện đuổi theo Triệu Vân. Kẻ này lệnh cho quân sĩ đồng loạt bắn tên, danh tướng họ Triệu chỉ cầm thương xoay một vòng, tên ở bốn phía đều đồng loạt rơi xuống.
Nguyên nhân thứ tư: Ý thức phòng vệ khác nhau
Ý thức phòng vệ của hai võ tướng này thể hiện rõ thông qua trang phục mặc khi ra trận. (Tranh minh họa).
Triệu Vân vô cùng chú ý đến việc phòng vệ cho bản thân, khi xuất chiến luôn mặc áo giáp, đội mũ sắt.
Về phần Quan Vũ, mỗi lần ra chiến trường ông vẫn chỉ vận trên mình chiếc áo bào xanh, đầu đội khăn, ý thức tự bảo vệ bản thân rõ ràng có phần chủ quan hơn so với Triệu Vân.
Có thể nói, sự khác nhau trong cách đối phó với tên bay đạn lạc ngoài chiến trường của hai danh tướng này bắt nguồn từ thói quen chiến đấu và tính cách khác biệt giữa hai người.
Dù vậy, tài năng quân sự của Triệu Vân và Quan Vũ vẫn luôn được người đời sau ngưỡng mộ và trở thành hai huyền thoại góp phần tạo nên tên tuổi của "ngũ hổ tướng" nhà Thục Hán năm xưa.
Tổng hợp (THỜI ĐẠI)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.