Tướng Prayuth Chan-ocha, nay là đương kim Thủ tướng Thái Lan, đến quỳ phục trước nhà vua sau khi đảo chính vào năm 2014
Tháng 11.1951, Bhumibol Adulyadej (23 tuổi) trở về Thái Lan để nắm ngai vàng, trước một nhóm các tướng lĩnh lật đổ chính phủ, xóa bỏ hiến pháp để nhằm loại bỏ thường dân khỏi chính phủ. Thống chế Phibunsongkhram, một trong những sĩ quan quân đội tham gia cuộc đảo chính đầu tiên năm 1932 trở thành Thủ tướng Thái Lan.
Bhumibol nối ngôi vào năm 1946 nhưng ông vẫn ở lại Thụy Sĩ để học tập. Chuyến trở về nhà đầu tiên sau khi làm vua vốn được coi là lễ kỷ niệm nhưng lại bị giáng mạnh bởi đảo chính.
Đó là sự khởi đầu không hề mong muốn, nhưng có khi lại đem đến phước lành lớn. Cái chết của vua Bhumibol ngày 13.10 đánh dấu kết thúc cho quãng thời gian trị vì phi thường kéo dài 7 thập kỷ qua. Ông đã trở thành một trong những vị vua nổi tiếng và uy tín nhất trên thế giới.
Nhà vua của nhân dân
Những năm đầu tiên trên ngai vàng của vua Bhumibol trải qua khá yên bình. Ông xuất hiện trước công chúng một cách hấp dẫn, năng động. Ông chơi nhạc jazz trên đài phát thanh, tài trợ cho các tổ chức từ thiện và dự án trang trại.
Trên thực tế, vua Bhumibol đã âm thầm gây dựng uy tín nhờ quan điểm: là một phần của người dân, quan tâm đến người dân, không giống như những vị tướng trong chính phủ, tham nhũng và điên cuồng vì quyền lực.
Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej năm 1950.
Ông đã dành nhiều thời gian đi khắp đất nước, tiếp xúc gần gũi với mọi tầng lớp nhân dân. Trên chiếc xe Land Rover, ông cùng các kỹ sư, bác sĩ, nhà khoa học nông nghiệp đi hơn 50.000 km mỗi năm, đến tận những vùng xa xôi hẻo lánh nhất. Mỗi chuyến đi như vậy, ông và Hoàng hậu đã phân phát hàng chục nghìn tấm chăn, quần áo, đồng phục học sinh nghèo.
Nhà vua trẻ tuổi luôn quan tâm đến các vấn đề khoa học, kỹ thuật và môi trường, thậm chí là muốn làm mưa nhân tạo phục vụ nông dân. Ông thường xuất hiện trong các bức ảnh với dáng vẻ tất bật, cùng một chiếc máy ảnh bỏ túi đeo quanh cổ.
Trong văn phòng của mình ở Bangkok, nhà vua thường xuyên cặm cụi trên những bản vẽ, thiết kế hệ thống thủy lợi, tưới tiêu, và liên lạc với các quan chức chính phủ thông qua một thiết bị vô tuyến.
Với những nỗ lực không biết mệt mỏi của mình, Quốc vương Bhumibol nhanh chóng chiếm được cảm tình của đông đảo nhân dân và tạo dựng ảnh hưởng lớn đến các tầng lớp chính trị khác trong xã hội, dù ngai vàng của ông chỉ mang tính biểu tượng, không nắm giữ quyền lực thực sự.
Vua Bhumibol Adulyadej trong bức ảnh chụp năm 1982.
Đến năm 1957, ông đã có đủ sự ủng hộ của người dân để đối đầu với Thống chế Phibunsongkhram. Ông ủng hộ vị tướng lĩnh theo hoàng đế và giúp tướng Sarit Thanarat đảo chính thành công. Trong khi để tướng Sarit và các vị tướng khác lãnh đạo đất nước trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh, vua Bhumibol tiếp tục nỗ lực ngày đêm vì các dự án phát triển.
Ông hiểu rằng nhiệm vụ của mình là phải nỗ lực vì người dân, đặc biệt là những nông dân nghèo nhất – những người dường như đã bị chính phủ lãng quên.
Buộc các tướng lĩnh phải quỳ phục
Năm 1973, khi các sinh viên xuống đường phản đối chế độ của nhà độc tài quân sự Thanom Kittikachorn, Vua Bhumibol đã ra lệnh mở cửa cung điện Chitralada ở Bangkok để các sinh viên bị đàn áp vào lánh nạn. Sau đó, ông xuất hiện trên truyền hình, thông báo rằng nhà độc tài đã từ chức, chế độ Thanom kết thúc.
Tướng Suchinda Kraprayoon – người từng tiến hành đảo chính bất thành những năm 1980 cuối cùng cũng quỳ phục trước mặt Quốc vương Thái Lan. Để rồi năm 1992, tướng Kraprayoon được chỉ định làm Thủ tướng Thái Lan.
Vua Bhumibol trong bức ảnh chụp năm 2012.
Vua Bhmibol đã chấm dứt nội chiến, tình trạng tranh giành quyền lực bằng lời răn dạy: “Đất nước này thuộc về mọi người, không phải một hay hai người. Tất cả những ai đối đầu với nhau đều là những người thua cuộc. Và người thua cuộc nặng nề nhất sẽ chính là đất nước. Làm sao mà các ngươi có thể tự xem mình là kẻ thắng cuộc khi chỉ còn tro tàn và đổ nát dưới chân các ngươi?”.
Hình ảnh đó đã đưa nhà vua dành trọn sự ủng hộ của người dân. Quyền lực của Quốc vương Thái Lan được xây dựng bởi tình yêu và sự tôn thờ như một tín ngưỡng. Họ xem ông như một người cha, một vị thánh sống. Quyền lực đó được nhân lên sau hàng thập kỷ ông thể hiện nhân cách đạo đức và lối sống đáng ngưỡng mộ. Người dân Thái xem ông là hình mẫu của nhân cách sống.
Ngay cả khi Tướng Prayuth Chan-ocha đảo chính năm 2014 và nắm chính phủ, đích thân vị tướng này cũng phải đến quỳ phục trước Quốc vương và xin sự ủng hộ của Ngài. Chính phủ của Tướng Prayuth có thể đứng vững đến hiện nay cũng vì người dân tin tưởng vào ý nguyện của Quốc vương Bhumibol.
Chính phủ của ông Prayuth hình thành được sau đảo chính cũng vì người dân Thái Lan tôn kính quốc vương.
Hình ảnh những vị tướng và những chính trị gia chia rẽ Thái Lan phải phủ phục dưới chân vị Quốc vương đáng kính sẽ không bao giờ phai nhòa trong ký ức của người dân Thái. “Người dân Thái Lan đã từng có một niềm tin vững chắc rằng, nếu như có điều gì đó đẩy đất nước đến bờ vực của hỗn loạn và tang thương, sẽ luôn có Quốc vương mang hòa bình và trật tự trở lại”, Bangkok Post bình luận.
Ông đã trở thành hình mẫu của vị vua vĩ đại, khiêm tốn, nghiêm túc và vị tha, sự quan tâm của ông tập trung vào những người nghèo khổ nhất. Nhưng con người đáng kính đó, giờ đây đã không còn nữa.
Vua Bhumibol ra đi, để lại tình cảnh đất nước tương tự như những ngày đầu ông trở về quê hương năm 1951, khi chính phủ rơi vào tay các vị tướng lĩnh với quyền cai trị theo ý muốn.
“Thời đại trị vì của Quốc vương nay đã kết thúc, và không nơi đâu chúng ta có thể tìm thấy được một tấm lòng bác ái như Ngài”, Tướng Prayuth Chan-ocha phát biểu trước truyền hình quốc gia đêm 13.10.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.