Việc cần làm ngay sau khi bỏ cấp trung gian, sáp nhập tỉnh
Việc cần làm ngay sau khi bỏ cấp trung gian, sáp nhập tỉnh
Luật gia Phan Văn Tân
Thứ năm, ngày 06/03/2025 08:00 AM (GMT+7)
Sau bước khởi đầu của cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy diễn ra hết sức nhanh chóng và quyết liệt, điều cần làm ngay khi bộ máy hành chính bỏ đi 1 cấp trung gian là cần có phương án xử lý công sản dôi dư để ngăn ngừa tình trạng thất thoát công sản.
Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy có bước thực thi nổi bật đầu tháng 3 này. Hàng loạt cơ quan hành chính đồng loạt chuyển sang mô hình ba cấp – bỏ tầng nấc trung gian – từ 1/3/2025.
Cụ thể, ngày 28/02/2025 Chính Phủ ban hành Nghị định số 45/2025/NĐ-CP về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh thành phố thuộc Trung ương. Bộ trưởng Bộ Tài chính ký Quyết định số 385/QĐ-BTC quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Kho bạc Nhà nước theo mô hình 2 cấp, gồm Kho bạc Nhà nước trung ương và 20 Kho bạc Nhà nước khu vực.
Cục Hải quan tổ chức và hoạt động theo ba cấp: Cục Hải quan (12 đơn vị), 20 chi cục hải quan khu vực, 165 hải quan cửa khẩu/ngoài cửa khẩu. Cục Dự trữ nhà nước tổ chức và hoạt động theo mô hình hai cấp: Cục Dự trữ nhà nước (7 đơn vị), 15 chi cục dự trữ nhà nước khu vực (có tổng số không quá 171 điểm kho).
Trụ sở 30 công an quận, huyện, thị xã ở Hà Nội thành cơ sở Công an TP.Hà Nội. Ảnh: Chu Dũng
Cục Thống kê tổ chức và hoạt động theo ba cấp: Cục Thống kê (14 đơn vị), 63 chi cục thống kê, 480 đội thống kê liên huyện.Kho bạc Nhà nước tổ chức và hoạt động theo hai cấp: Kho bạc Nhà nước (10 đơn vị), 20 kho bạc nhà nước khu vực (có tổng số không quá 350 phòng giao dịch).
Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức và hoạt động theo ba cấp: Bảo hiểm xã hội Việt Nam (14 đơn vị), 35 bảo hiểm xã hội khu vực, 350 bảo hiểm xã hội liên huyện. Cục Thuế được tổ chức từ trung ương đến địa phương theo mô hình 3 cấp, gồm: Cục Thuế (12 đơn vị tại Trung ương), 20 chi cục thuế khu vực, 350 đội thuế cấp huyện;
Bỏ cấp trung gian để tinh gọn và hiệu quả đã thành hiện thực trên nhiều mặt trận. Những ngày qua, báo chí đồng loạt đăng nhiều tin, bài phản ánh cuộc cáchmạng tinh gọn bộ máy với phương châm "vừa chạy vừa xếp hàng", quyết liệt, khẩn trương và triệt để như “Kết thúc hoạt động của 694 cơ quan công an cấp huyện”, “Bộ máy của Chính phủ sau sắp xếp sẽ hoạt động từ 1/3”; “Tổ chức tòa án, VKS khu vực thay cấp huyện”; “Từ 1/3: Ủy ban nhân dân xã, phường có thêm nhiều quyền hạn, nhiệm vụ mới”…
Tiếp đến, Bộ Chính trị yêu cầu nghiên cứu phương án sáp nhập một số tỉnh với nhau. Theo các chuyên gia, nhà khoa học, sáp nhập các tỉnh lại với nhau không chỉ dựa trên tiêu chí, tiêu chuẩn về diện tích, dân số mà còn phải tính đến các yếu tố về văn hóa, truyền thống lịch sử, cũng như mối liên kết giữa các vùng, các khu vực được thể hiện qua bản Quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch 6 vùng kinh tế - xã hội trong cả nước. Nếu quan điểm này được ứng dụng thực tế thì lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội sẽ còn lớn nữa.
Hưởng ứng chủ trương bỏ bớt cấp trung gian, Tòa án nhân dân tối cao vừa có công văn hỏa tốc về tiêu chí tổ chức tòa án cấp sơ thẩm. Nhiều chuyên gia nêu bật ý kiến Tổ chức tòa án, Viện Kiểm sát khu vực là hướng đi hợp lý. Trong những năm gần đây, việc tổ chức Tòa án, Viện Kiểm sát theo đơn vị hành chính kiểu cũ đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, mà cụ thể là ở cấp huyện.
Việc tổ chức mỗi huyện đều có một Tòa án, một Viện Kiểm sát dẫn đến tình trạng dàn trải về biên chế, cơ sở vật chất, tạo sự thừa, thiếu cục bộ. Cho nên, cùng với việc triển khai Đề án tổ chức công an ba cấp, không tổ chức công an cấp huyện, việc tổ chức lại tòa án và VKS rất cần thực hiện theo ba cấp xét xử, bao gồm: Tòa án, VKS sơ thẩm khu vực; tòa án, VKS phúc thẩm và tòa án, VKSND Tối cao.
Việc loại bỏ cơ quan hành chính cấp huyện cho thấy lợi ích xã hội rất lớn: Các hoạt động hành chính liên thông từ cấp tỉnh xuống cấp xã nhanh chóng, thuận tiện không qua trung gian, dân giảm bao công sức và chi phí vì làm các thủ tục hành chính gần nơi mình ở, mạng lưới giao thông giảm gánh nặng do dân di chuyển từ xã tới huyện…
Trụ sở cơ quan cấp huyện thực tế quá nhiều, gồm công an, thuế, hải quan, kho bạc, thống kê, dự trữ Nhà nước, bảo hiểm xã hội, chỉ huy quân sự, địa chính, môi trường, đăng ký đất đai…
Bởi vậy, khi bỏ cơ quan hành chính cấp huyện lợi ích kinh tế còn lớn hơn rất nhiều: Hàng nghìn trụ sở hành chính cấp huyện có thể bán để thu về ngân sách hàng vạn tỷ đồng phục vụ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Tác giả bài viết, luật gia Phan Văn Tân. Ảnh: DV
Tòa nhà trụ sở cơ quan hành chính cấp huyện hầu hết đều to rộng, nằm ở vị trí đắc địa, nếu bán cho cơ sở hoạt động kinh doanh thì lợi ích kinh tế gia tăng bội phần, khi chúng ta đang xác định kinh tế tư nhân là nòng cốt để sánh vai với các quốc gia có nền kinh tế lớn trên thế giới trong kỷ nguyên số này. Trụ sở các cơ quan này ở nhiều tỉnh, thành phố rất bề thế và ở vị trí rất thuận lợi phát triển kinh doanh thương mại, dịch vụ.
Ích lợi xã hội còn mang ý nghĩa tích cực lớn hơn, khi hàng loạt trụ sở này được bố trí cho các hoạt động hạ tầng, như trường học, bệnh viện… Điều này đặc biệt có ý nghĩa với những thành phố lớn Hà Nội, TP.HCM… những nơi luôn thiếu quỹ đất công để bố trí cho các công trình công cộng.
Bỏ cấp trung gian để đạt hiệu quả cao hơn thực sự của bộ máy hành chính đã rõ ràng và đã thực hiện ráo riết từ ngày 1/3/2025. Nhưng ích lợi song hành cả về xã hội và về lợi ích kinh tế sẽ rất lớn mà chưa tính hết được. Bởi nó tùy thuộc vào việc xử lý của cấp có thẩm quyền sau khi đã thực hiện bước tinh gọn này.
Nhất là tới đây, khi hàng ngàn hay trụ sở của các cơ quan hành chính cấp huyện dôi dư sẽ được kiểm kê ra sao, đánh giá về giá trị như thế nào, chuyển mục đích sử dụng theo hình thức nào để Nhà nước không bị lãng phí cũng như sót lọt tài sản công? Nếu không có những phương án kiểm soát chặt chẽ, khoa học và bài bản, e rằng sẽ có đủ kiểu trá hình để lạm dụng sử dụng công sản, gây lãng phí, tổn thất lớn cho nguồn thu quốc gia.
Điều cần làm ngay khi bỏ cấp trung gian, cấp huyện, là phải có ngay những phương án xử lý công sản dôi dư ngay từ bước khởi đầu của cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, để ngăn ngừa mọi kiểu lạm dụng, trá hình làm thất thoát công sản Nhà nước.
Trong đó, trọng trách lớn thuộc cơ quan quyền lực cấp tỉnh cần có ngay Nghị quyết chuyên đề về việc này, để bảo đảm ích lợi rất lớn song hành của cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy sớm biến thành hiện thực.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.