Viện phí tăng, chất lượng khám chữa bệnh thì... không

Thứ hai, ngày 16/04/2012 15:10 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Từ 15.4, thông tư điều chỉnh viện phí bắt đầu có hiệu lực. Song song với việc tăng giá, Bộ Y tế đang thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt để giảm tải bệnh viện và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Nhưng...
Bình luận 0

Tăng đồng loạt

Từ ngày 15.4, 447 loại giá dịch vụ khám chữa bệnh tại bệnh viện (BV-sau đây gọi tắt là viện phí) sẽ tăng với mức từ 2-6 lần. Các yếu tố để xác định tăng viện phí là giá thuốc, dịch truyền, máu, vật tư; - điện nước, thông tin liên lạc; khử khuẩn, chống nhiễm khuẩn, xử lý môi trường, duy tu, bảo dưỡng thiết bị. Vì thế, giá viện phí tăng sẽ chỉ nhằm bù đắp các chi phí trên.

img
Tình trạng quá tải phổ biến ở BV tuyến T.Ư đã khiến cho người bệnh - dù chi phí cao - nhưng vẫn chỉ được hưởng dịch vụ thấp.

Ông Trương Quý Dương - Giám đốc BV Đa khoa Hòa Bình thừa nhận, số tiền thu được từ tăng viện phí sẽ bổ sung thêm vào việc bảo dưỡng duy tu máy móc, sơn sửa nhà cửa, phòng ốc là chủ yếu chứ việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh còn liên quan nhiều đến trình độ, kỹ thuật... mà số tiền đó chưa thể đáp ứng được.

Theo Dự thảo đề án Giảm quá tải BV, cả nước có 1.148 BV và gần 182.000 giường bệnh (trừ các BV quân đội). Công suất sử dụng giường bệnh luôn ở mức 110%. Đặc biệt ở nhóm BV T.Ư, công suất sử dụng giường bệnh tại BV K lên đến 172%, Bạch Mai 168%, Chợ Rẫy 139%... Trên thực tế, nếu tính cả bệnh nhân “không có giường” thì công suất năm 2011 của BV K phải là: 249%, BV Chợ Rẫy: 154%.., một số khoa ngoại E, C, B của BV K còn có công suất 300%, khoa Tim mạch can thiệp của BV Chợ Rẫy là 250%...

Để đáp ứng nhu cầu dãn giường, Bộ Y tế đã đề xuất tăng tỷ lệ giường bệnh/1 vạn dân đạt 25-27 giường bệnh công lập/1 vạn dân vào 2015, trong đó ưu tiên các BV tuyến trung ương như K, Bạch Mai, Nhi T.Ư, Phụ sản T.Ư, Ung bướu TP.HCM, Chợ Rẫy... Theo các chuyên gia tính toán, tỷ lệ này tương đương với… 100 BV cỡ 500 giường. Bác sĩ Hoàng Xuân Đại – nguyên chuyên viên Bộ Y tế phân tích: “Chỉ cần đặt một câu hỏi đơn giản: “Lấy đâu bác sĩ để vận hành các BV này?”. Vì hiện nay, để đào tạo 1 bác sĩ giỏi cũng mất 10 năm, 100 bệnh viện, cần ít nhất hàng chục nghìn nhân lực.

“Chất lượng” mới là chìa khóa

Khi tăng viện phí, Bộ Y tế luôn hô hào gắn với BHYT. Đối với mục tiêu mở rộng BHYT toàn dân để giảm gánh nặng viện phí cho dân, bà Lưu Thị Hồng - Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) cho biết: “Không thể hô hào người dân tham gia BHYT nếu như không đầu tư chiều sâu như tăng chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh bằng BHYT. Đồng thời nên nới lỏng việc thanh toán BHYT phân tuyến kỹ thuật, vì nếu BV tuyến dưới làm kỹ thuật tốt mà lại không thanh toán cho người ta thì BV họ không tiếp nhận, bệnh nhân cũng sẽ lên tuyến trên, càng gây quá tải”.

“Đợt tăng viện phí này mới chiếm 12% tổng số gần 4.000 dịch vụ y tế hiện có, vì thế số tiền BV thu được cũng chỉ như “muối bỏ bể”, nên chất lượng dịch vụ y tế cũng chỉ được cải thiện một phần chứ không thể có thay đổi đột biến”.

Thực tế, việc tăng viện phí thực hiện đồng loạt ở 3 cấp, nhưng người bệnh đi đâu cũng... thiệt. Cụ thể: Lên T.Ư thì quá tải mà ở tuyến tỉnh, huyện thì không yên tâm. Thống kê ở 1.033 BV trên toàn quốc có 36,6% quá tải, nhưng còn tới 29% đang hoạt động ở mức thấp, mà chủ yếu là BV tuyến huyện.

Một trong những nguyên nhân là do đầu tư trang thiết bị ở tuyến dưới còn chưa tương xứng. So với danh mục trang thiết bị của Bộ Y tế ban hành, các BV huyện mới đạt từ 30 – 50%, có huyện chỉ đạt 20%, còn thiếu nhiều thiết bị cần thiết phục vụ công tác chẩn đoán, cấp cứu và điều trị như X-quang, siêu âm, xét nghiệm sinh hóa, huyết học, máy thở, máy theo dõi bệnh nhân, dụng cụ mổ, đèn mổ... Một số BV tỉnh như Nghệ An, Thái Bình, Sơn La, Tiền Giang, Long An vẫn có từ 3-24% số dịch vụ kỹ thuật chưa làm được.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem